Hội thảo “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM” phương án 2 vừa qua diễn ra vào ngày 18/8 tại TP.HCM. Theo đó, mỗi học sinh tham gia lớp học sẽ sử dụng một máy tính bảng để học, làm bài tập, bài kiểm tra, giáo viên điều khiển lớp học qua máy tính, sách giáo khoa được số hóa với khả năng hiển thị hình ảnh động và âm thanh.
Sau khi hội thảo diễn ra, các bậc phụ huynh đã đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về đề án đắt tiền này. Trong đó, phần lớn các ý kiến cho rằng đây là đề án không thiết thực, không phù hợp với nền giáo dục của Việt Nam.
Hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 18-8
Trên Facebook, một bà mẹ trẻ chia sẻ lo ngại rằng khi đề án này được thực hiện, trẻ sẽ dần mất gốc được khá nhiều người quan tâm: "Nhà tui nghèo lắm không có tiền mua máy tính bảng cho con đi học đâu, hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ em đi....trẻ em cần được tiếp xúc với bút chì, bút mực, bình mực, viết chì màu....Tui còn nhớ ngày tui đi học cấp 1, quần áo lúc nào cũng lắm lem mực, về nhà lúc nào cũng bị mẹ và cô giáo la nhưng tui luôn cảm thấy hãnh diện khi mình viết chữ đẹp nhất lớp, các bạn học sinh lúc nào cũng quây quần bên nhau để đọ xem ai sẽ viết chữ đẹp hơn.....ai sẽ học toán giỏi hơn......Tui chẳng biết nói gì khi hàng ngày thấy con tui không khác gì một cái máy tính, vô cảm chỉ biết vùi đầu vào ipad.....và tui đã đập tan cái máy ipad đó rồi".
Chia sẻ của một bà mẹ trên facebook
Nhiều người lo ngại rằng đến khi đề án này được đưa vào áp dụng, sức khỏe và tâm lý của các em sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chị Đinh Thu Vân bày tỏ lo lắng về việc dùng máy tính bảng sẽ khiến con lười nhác trong học tập: “Việc đưa máy tính bảng vào dạy học sẽ làm lỳ tâm lý của trẻ, mất tính tư duy động não do chỉ có "ấn", "chỉ" và lướt". Chưa thấy hiệu quả từ những "phòng học thông minh", từ máy móc hiện đại đã thấy, nhãn tiền trước mắt là tỷ lệ cận thị tăng, trẻ chai lỳ tâm lý, kém động não”.
Cùng quan điểm không đồng tình với đề án giống chị Vân, anh Lương Xuân Bình cũng có con học tiểu học bày tỏ: “Chúng tôi là phụ huynh, chúng tôi cần cho con em học cách cầm cây bút viết chữ a b c hay vẽ một bông hoa, phát huy tính sáng tạo của bé chứ không cần cái máy tính bảng mọi thứ đã được làm sẵn. Đừng tạo cho trẻ em tính lười nhác trong học tập, tai hại vô cùng”.
Vấn đề kinh tế cũng là 1 lý do nữa khiến nhiều phụ huynh quay lưng với đề án này. Anh Lê Minh cho biết: “Theo tôi phải ngừng ngay dự án này lại vì phần kinh phí quá lớn. Nên đầu tư và giải quyết cho đời sống của giáo viên thì hay hơn”. Mẹ Lê Thu Giang thì bức xúc hơn: “Một đất nước còn nghèo học trò chân đất đi học, sang sông phải đu dây, qua suối mà cô trò chui vào bịch ni lông rồi túm lại... mà giờ bắt chúng mua máy tính bảng đi học ư?”
Ý kiến của phụ huynh về chi phí đắt đỏ của đề án
Nói về tính khả thi của đề án, rất nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng hệ thống Internet sử dụng trong đề án được đưa ra. Cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Trường chúng tôi có ba đường truyền Internet tốc độ cao nhưng thỉnh thoảng vẫn bị chậm do sử dụng nhiều phòng máy cùng lúc, vậy có giải pháp nào không?".
Không chỉ những người trong ngành, nhiều phụ huynh cũng nghi ngại về tính khả thi của đề án khi đối tượng áp dụng là trẻ tiểu học lớp 1, 2, 3 bởi ở độ tuổi này trẻ vẫn còn rất ham chơi. Chị Lê Thanh Tịnh có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ: “Con gái tôi đang học tiểu học. Lâu lâu lại nước mắt giọt ngắn giọt dài "mẹ ơi con mất đồ!"... Khi thì cây bút chì, lúc quyển vở ghi chép. Tôi thường vội dỗ dành con "về mẹ mua cái khác!". Nhưng hôm nay chợt nghĩ nếu vật bị mất là cái máy tính bảng thì không biết sẽ hứa gì với con đây!”
Tuy nhiên trái với những lo lắng này, cũng có 1 vài ý kiến bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng giáo dục Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi để hội nhập. Nickname Tiến Cường cho biết “Giáo dục Việt Nam cần nghiêm túc học tập kinh nghiệm phương pháp giáo dục của các nước để các cháu được học mà chơi, chơi mà học, thỏa chí đam mê khám phá, sáng tạo (có định hướng), tính chủ động của trẻ, có như vậy mới sớm đạt được chủ trương hội nhập”.
Xin trích lời chị Trần Phương Thảo để kết thúc vấn đề này: “Thiết nghĩ, thay vì lãng phí vào việc đầu tư máy tính bảng, nên hướng tới việc cải cách SGK sao cho hợp lý, hoc sinh và phụ huynh cũng có thể nhẹ gánh hơn trên con đường tiếp cận với tri thức. Vấn đề cốt lõi nâng cao chất lượng học tập không nằm ở cái máy tính bảng hay công nghệ mà nằm ở chương trình giảng dạy, phương pháp tư duy, phương pháp truyền đạt”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet