Khi cháu cần gì hay không làm được gì là kêu khóc và dắt tay mẹ đi lấy chứ không chịu nói. Bé có thể nói được một số câu dài nhưng chỉ là nói theo chứ không tự nói và cũng không bao giờ thắc mắc thích hay không thích cái gì.
Cháu rất kén ăn. Mỗi ngày, tôi phải ép và đút cháu mới chịu ăn. Dạy dỗ cháu rất khó khăn. Mỗi lúc tôi bận việc, con trai tôi chỉ ngồi một mình chơi đồ chơi. Cháu rất thích xếp hình. Bình thường bé vẫn chơi với các bạn khác khi có dịp ra ngoài.
Vào tháng 8 vừa qua, tôi cho con trai đi khám ở bênh viện nhi, bác sĩ kê cho 2 loại thuốc là cerefort và trausan và về nhà dạy trẻ nói, đồng thời cho cháu đi mẫu giáo. Hàng ngày, khi bé đi học về, tôi thường chơi với bé, hát cho bé nghe và kể chuyện cổ tích khi đi ngủ.
Tôi cũng hay sai vặt, chẳng hạn lấy chổi quét nhà, và bé đều làm được. Khi uống sữa xong, bé biết vứt rác vào thùng và khi chơi trò chơi xong biết tự cất đúng chỗ. Bé biết tự đi vệ sinh. Khi tôi dạy con ở nhà, bé không tập trung, chỉ lao vào ôm và cười đùa. Cháu nói rất ngọng, chỉ có một số từ hoặc một số câu rõ. Xin hỏi bác sĩ cháu có bị tự kỷ hay gặp vấn đề gì về thần kinh không, và tôi nên dạy con như thế nào? (Hải Hà)
Ảnh minh họa: Sjunesmithblog.com. |
Trả lời:
Chào bạn, tôi xin có vài ý kiến về các thắc mắc của bạn như sau:
Thứ nhất, bạn lo lắng về việc con có bị tự kỷ hay có vấn đề gì về thần kinh hay không? Theo như thư bạn tâm sự là đã đưa con đến khám ở bệnh viện nhi và được các bác sĩ kê đơn thuốc như vậy chắc chắn trong kết luận khám bé phải mắc một chứng bệnh hoặc rối nhiễu tâm lý nào đó. Hai loại thuốc cerefort và trausan là thuốc bổ não và bổ thần kinh cho trẻ.
Bên cạnh đơn thuốc, bạn hãy kiểm tra lại sổ khám xem phần kết luận của bác sĩ ghi bé bị mắc chứng bệnh gì? Có phải là bệnh tự kỷ hay thần kinh như bạn lo lắng không. Nếu chưa yên tâm về kết quả khám lâm sàng, bạn có thể đưa con đến trung tâm, thông qua những công cụ đánh giá và chẩn đoán tâm lý, các chuyên gia sẽ có kết luận và định hướng can thiệp phù hợp cho trường hợp của bé.
Thứ hai, bạn muốn có thông tin tư vấn về vấn đề dạy bé tại nhà. Như những thông tin mà bạn chia sẻ về cách thức bạn dạy con ở nhà, chúng tôi thấy bạn đã rất quan tâm và dành thời gian cho con. Bạn dạy con thông qua việc chơi với bé, hát, kể chuyện cho bé nghe và dạy con những kỹ năng phù hợp trong cuộc sống hàng ngày là rất tốt và phù hợp với trẻ. Bạn nên duy trì phương pháp này và tăng dần mức độ cho phù hợp với độ tuổi của cháu.
Trẻ thường học thông qua trò chơi và thông qua bắt chước người lớn (kể cả việc học ngôn ngữ) vì vậy để dạy bé bạn cần thường xuyên chơi với con, nói nhiều để cho bé bắt chước, dạy bé nói các câu trả lời khi người lớn đặt câu hỏi. Bé 3 tuổi đã có khả năng bắt chước nói được những câu dài như vậy là bé đã có tiền đề ngôn ngữ khá tốt. Vấn đề nói ngọng hay chỉ biết bắt chước nhại lời mà chưa biết trả lời các câu hỏi thường xảy ra với các bé đang trong giai đoạn học nói. Bạn có thể giúp trẻ có sự phát triển ngôn ngữ tốt hơn bằng cách:
- Giúp trẻ biết cách bày tỏ nhu cầu: Phụ huynh cần kiên nhẫn chờ đợi, khích lệ trẻ bày tỏ nhu cầu thay vì phỏng đoán và đáp ứng ngay (làm thay cho trẻ). Những hành vi bùng nổ, la hét, tự hành hạ (đập đầu, cào cấu, nằm lăn ra đất…) cũng chỉ là một loại “ngôn ngữ không lời” che giấu một nhu cầu, một ước muốn. Phụ huynh nên hết sức bình tĩnh để phân biệt các nhu cầu thực sự và những đòi hỏi, nhõng nhẽo quá đáng của trẻ. Cho trẻ biết đâu là giới hạn, sự cho phép và những điều không được phép làm với một ngôn ngữ không đe dọa hay mua chuộc.
Phải biết nói không với những yêu cầu không thích hợp, đồng thời cũng cho phép trẻ có thể từ chối bằng lời nói hay những hành động đơn giản của mình, và cũng thông báo điều này cho mọi người có liên hệ với trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ từ từ trở thành một chủ thể sáng tạo, biết tự quyết định, chọn lựa thay vì chỉ có những phản ứng máy móc, tự động, chỉ biết nhắc lại.
- Biết trả lời các câu hỏi: Giúp trẻ phát triển khả năng hình dung và tưởng tượng thông qua các câu hỏi gợi ý: Cái gì, ở đâu, thế nào, để làm gì, khi nào…
- Xây dựng mối quan hệ tốt và giúp trẻ biết chơi đùa với bạn bè: Vui chơi là một hoạt động rất quan trọng, qua các trò chơi trẻ có thể thiết lập mối quan hệ tốt với bố mẹ và bạn bè. Ngay cả trong các hoạt động hàng ngày cũng nên đưa vào những câu nói và ý tưởng như một trò chơi. Chẳng hạn, đố con lấy được cho mẹ hai cái chén sứ trong tủ chén? Đố con lên cầu thang trước mẹ... Trong các ngày nghỉ, lễ tết, sinh nhật hãy tạo điều kiện cho trẻ đến chơi các công viên, khu vui chơi hay mời các trẻ quen biết lại nhà chơi.
Cung cấp vốn từ cho trẻ: Cung cấp càng nhiều vốn từ cho trẻ càng tốt, khi trẻ hiểu được nhiều từ sẽ biết cách diễn đạt câu nói tốt hơn, thành thạo hơn.
Trong quá trình dạy trẻ bố mẹ đặc biệt lưu ý không nên quát mắng mà nên thường xuyên khen ngợi, động viên nếu trẻ nói đúng, trả lời đúng. Nếu trẻ trả lời sai thì bỏ qua và nhắc lại câu hỏi. Đừng hỏi nhiều và tản mạn, cần tập trung vào một chủ đề, ví dụ: các loại bánh, các loại đồ dùng trong nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet