Con bị bạn đánh có lẽ là nỗi sợ chung của hầu hết các ông bố bà mẹ khi cho con đi học. Nhất là ở trường mẫu giáo, chuyện giành đồ chơi, xô đẩy, cào cấu nhau diễn ra như là cơm bữa. Trong trường hợp này, cha mẹ sẽ dạy con xử lý theo cách nào?
Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc bất ngờ xuất hiện một đoạn clip quay lại cảnh trong lớp Chồi của một trường mẫu giáo. Theo đó, một cậu bé cao to đã cố tình giật đồ chơi của bé gái đứng bên cạnh. Tuy nhiên, cô bé nhất quyết không buông tay. Thế là bé trai đã dùng sức đẩy cho bạn ngã rồi giật lấy đồ chơi và bỏ chạy. Bé gái bị ngã đau nên vô cùng sợ hãi liền khóc to. Nghe vậy, cô giáo đi đến hỏi nguyên nhân, cuối cùng cậu bé đã “đền” cho bạn một món đồ chơi khác.
Hình ảnh bé gái bị bạn xô ngã, rồi giật đồ chơi đã khiến nhiều phụ huynh phẫn nộ. Nhiều bà mẹ lên tiếng bênh vực cho bé gái (Ảnh minh họa)
Sau khi xem xong đoạn video, một số phụ huynh đã cảm thấy tức giận và xót xa thay cho cô gái nhỏ vì yếu ớt nên không đủ sức chống trả lại bạn. “Tôi mà mẹ cô bé thì tôi sẽ rất tức giận khi nhìn thấy con mình bị bắt nạt như thế này”, “Thằng bé này hung dữ quá, dám đánh bạn ngay trong lớp. Bố mẹ của nó cần phải dạy lại con”, “Con gái của mẹ, nếu ai mà dám ức hiếp con như vậy mẹ nhất định sẽ đòi lại công bằng cho con”… là những bình luận của các bà mẹ.
Trên thực tế, việc trẻ bị bắt nạt ở trường mẫu giáo như thế này không hiếm gặp. Và nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời thì có thể sẽ khiến con bị tổn thương về thể chất và tâm lý. Song, dạy con đánh trả hay cam chịu là giải pháp tốt trong trường hợp bị bắt nạt như thế này?
Trong quá trình phỏng vấn trả lời câu hỏi: “Con bị đánh thì có nên dạy con đánh trả không?”, các chuyên gia đã phân loại ra được 3 kiểu phụ huynh, nhưng chỉ có duy nhất kiểu phụ huynh cuối cùng là trả lời đúng.
Kiểu phụ huynh thứ nhất: Một điều nhịn chín điều lành
Một bộ phận cha mẹ cho rằng không nên đánh lại bạn, nhưng lại không ngờ rằng nó lại chỉ khiến con bạn thêm nhút nhát, yếu đuối và cô lập (Ảnh minh họa)
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao” là phương châm dạy con của các bố mẹ này. Mỗi ngày họ đều dạy con sống chan hòa, nhường nhịn với các bạn cùng lớp. Nếu bạn có đánh con thì cũng chỉ là trò đùa thôi, chứ không có gì nghiêm trọng đến mức phải dùng từ “bắt nạt” và dạy con đánh trả. Nhịn một chút là được.
Song, theo các chuyên gia tâm lý cách dạy này của cha mẹ sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên nhút nhát, rụt rè, tự ti và cho dù bị bạn đánh nhiều lần cũng không bao giờ dám nói với bố mẹ. Bởi vì con hiểu rằng nếu con có nói ra thì bố mẹ cũng chỉ xem là trò đùa của bọn trẻ con mà thôi.
Kiểu phụ huynh thứ 2: Đứa nào đánh con thì con đánh lại ngay!
Cha mẹ không nên dạy con giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm (Ảnh minh họa)
Ngược lại với kiểu phụ huynh thứ nhất, những ông bố bà mẹ trong phân loại này lại là người rất mạnh mẽ và không bao giờ chấp nhận để con mình phải chịu thua thiệt. Thế nên, khi bị ai đó bắt nạt, họ dạy con chống trả lại bằng vũ lực hoặc ngôn từ.
Thậm chí, có một bà mẹ khi nghe câu hỏi: “Con bị đánh chị có dạy con đánh lại không?” đã ngay lập tức trả lời mà không cần suy nghĩ rằng: “Đương nhiên là phải bảo con đánh lại rồi. Đứa nào đánh con, con đánh nó lại ngay cho mẹ. Mọi chuyện còn lại cứ để mẹ lo”.
Việc đánh trả lại người khác khi bị bắt nạt nhằm mục đích tự vệ suy cho cùng cũng không có gì là sai. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không giải thích rõ thế nào là tự vệ và thế nào là bắt nạt lại, thì trẻ sẽ mặc nhiên cho rằng đánh lại người khác là luôn luôn đúng. Từ đó, hình thành nên thói quen “nói chuyện bằng nắm đấm” và sau này lớn lên trẻ sẽ rất khó để có thể bình tĩnh nói chuyện với người khác.
Kiểu phụ huynh thứ 3: Chống trả nhưng không đánh trả
Dạy con la to, khóc to, bỏ chạy nhằm thu hút sự chú ý của giáo viên và người lớn khi bị bạn bắt nạt là cách làm thông minh của những cha mẹ thông thái (Ảnh minh họa)
Trong buổi phỏng vấn, có một bà mẹ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các nhà nghiên cứu bởi câu trả lời này hoàn toàn khác biệt so với những phụ huynh khác. Đặc biệt, nó còn thể hiện được tính cương quyết nhưng vẫn mềm mỏng, rất đáng để các cha mẹ khác học hỏi
Người mẹ này bày tỏ: “Khi con bị bạn đánh, con phải chống trả nhưng con không nên đánh trả. Con có thể khóc to, la to, bỏ chạy để thu hút sự chú ý của giáo viên hay người lớn. Đồng thời con cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Họ sẽ bảo vệ con và đây là cách để con bảo vệ mình”.
Câu trả lời này không chỉ giúp trẻ có thể bảo vệ được bản thân mà còn nâng cao nhận thức của bé về việc chống bắt nạt. Bên cạnh đó, cách làm này còn rèn con tính cách không yếu đuối nhưng cũng không quá thô bạo. Chính vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia đây là câu trả lời hoàn hảo nhất khi con bạn bị bạn đánh.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet