Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương. Vậy nhưng, không phải người lớn nào cũng biết điều đó. Đôi khi vì tính khí nóng nảy, hay vì chuyện tình cảm cá nhân không biết phải làm sao đành trút hết lên đầu trẻ con khiến những đứa trẻ đó phải chịu tổn thương tâm lý nặng nề.
Vì chị Trương (Trung Quốc) mang thai trước khi cưới, nên gia đình chồng dù không chấp nhận con dâu cùng đành phải nhận cháu. Cuộc sống khó khăn lại không nhận được sự giúp đỡ từ nhà chồng, chị Trương đành phải để con cho bố và ông bà nội, còn mình lên thành phố đi làm công nhân kiếm tiền gửi về nuôi con.
Tuy nhiên lần nào về nhà thăm, chị Trương cũng nghe mọi người phàn nàn là con gái chị lớn ngần ấy, 13 tuổi rồi mà đêm nào ngủ cũng tè dầm. Ban đầu, chị cho rằng có lẽ tối con đã uống nhiều nước nên mới thế. Song, ngay cả khi con gái bảo tối không hề uống nước và luôn đi vệ sinh trước khi đi ngủ mà tình huống đáng xấu hổ này vẫn không cải thiện đã khiến chị Trương lo lắng.
13 tuổi nhưng con gái chị Trương vẫn tè dầm mỗi đêm khiến chị phải lo lắng (Ảnh minh họa)
Sau đó, chị âm thầm liên hệ với cô giáo của con để tìm hiểu. Bà mẹ bất ngờ khi nghe cô giáo phàn nàn con gái chị là một học sinh rất nhút nhát, lòng tự trọng thấp, lúc nào cũng cúi gầm mặt xuống đất và không bao giờ chơi cùng với bạn nào cả. Cô bé luôn lủi thủi một mình, và chỉ cần bạn nào đó hét to là sẽ rúm người lại sợ hãi. Cô giáo cũng khuyên chị Trương nên quan tâm đến con gái nhiều hơn vì cô lo lắng bé gái có vấn đề về tâm lý.
Nghe lời, chị Trương liền xin nghỉ phép về quê ở với con một thời gian. Mặc dù có mẹ ở bên, con gái chị vui vẻ hơn trước, tuy nhiên, tình trạng tè dầm mỗi đêm vẫn tiếp diễn. Cuối cùng, chị Trương đành đưa con đi khám bác sĩ. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ thể của bé gái vẫn ổn, không xuất hiện vấn đề gì để có thể trở thành nguyên nhân của bệnh tè dầm. Vì vậy, họ nghi ngờ rằng chứng tè dầm của con gái chị Trương có thể không phải do thể chất mà là do tâm lý.
Trước sự cương quyết của mẹ, cuối cùng con gái chị Trương cũng nói ra sự thật. Hóa ra, những năm tháng sống cùng ông bà nội và bố, bé gái đã phải chịu đựng rất nhiều trận đòn roi từ những người thân này. Họ xem bé như “thùng rác” để trút hết những bực tức, ấm ức của mình, nuôi dạy con trẻ theo quan điểm đòn roi. Đã thế, chồng của chị Trương còn cấm con không được nói cho mẹ biết, nếu không sẽ cho ăn đòn nặng hơn.
"Thương mẹ và cũng sợ bị đánh thêm nên con gái tôi đã im lặng chịu đựng một mình. Sự lo lắng, sợ hãi quá độ do bạo lực gia đình đã khiến tâm lý của cô bé bất ổn, dẫn đến việc không kiểm soát được việc vệ sinh mỗi đêm. Đến lúc này thì tôi chỉ biết ôm con khóc nấc. Sau đó tôi liền đưa con về nhà và lập tức ly hôn chồng" - chị Trương nghẹn ngào nói.
Nghe con gái nói mà chị Trương chỉ biết ôm con khóc nấc (Ảnh minh họa)
Trong cuộc sống, có không ít tình huống trẻ em bị đánh đập hành hạ bởi chính những người thân trong gia đình. Là cha mẹ, chúng ta phải có trách nhiệm yêu thương và bảo vệ con của mình, phải luôn mang đến cho con một môi trường sống an toàn, một ngôi nhà ấm áp và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy con cách bảo vệ bản thân. Khi bị ai đó đánh đập, xỉ vả hãy biết lên tiếng để phản đối, hay nhờ sự trợ giúp từ người khác. Và theo chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ sống trong môi trường đầy sự yêu thương dù không có một gia đình trọn vẹn vẫn phát triển tốt hơn một đứa trẻ có đủ bố và mẹ nhưng lại cô đơn trong chính căn nhà của mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet