Nhất là hai gò má của phụ nữ thường được gợi lên bằng các hình dung từ bay bướm như: má hồng, má phấn, má đào… Má đào là “má đỏ như quả đào chín”, má phấn là “má tô phấn, thường chỉ người gái giang hồ” và má hồng dùng “tỷ dụ người đẹp” (Đào Duy Anh). Song đó chỉ là những cách gọi dựa phần lớn vào sắc diện bên ngoài; chứ thực tướng của các “gò má” được quyết định bởi cấu trúc của phần xương bên trong.
Vì thế để xem xét nhân tướng cho rạch ròi, người ta đã gọi lưỡng quyền ở mỗi người (cả nam lẫn nữ) bằng hai tên gọi: “gò Tây” (gò má phía bên phải của khuôn mặt) và “gò Đông” (gò má phía bên trái của khuôn mặt), chẳng hạn:
Gió thu vừa chạm gò Tây
Gò Đông thiếp đã ngây ngây má hồng
Hai câu thơ trên là lời đoán đưa ra để giải thích về một quẻ xăm ở Lăng Ông Lê Văn Duyệt, TP. HCM vào một ngày cuối năm gần Tết. Người xin xăm là một cô gái khoảng 19-20 tuổi muốn được mách bảo về đường hôn nhân của mình trong năm mới. Và người đoán xăm là một cụ già đã hơn 80 tuổi bận khăn đóng áo dài ngồi trên chiếc chiếu trải ngay trước Lăng. Cô gái thân chủ xin cụ giải thích rõ hơn.
Rất vui vẻ, cụ đã nói khá lâu, đại khái mấy chữ “gò Tây” và “gò Đông” là nhằm để chỉ hai gò má trên gương mặt của cô gái. Và hai câu thơ trên ám chỉ cô ta đã có người yêu và họ đã gần gũi với nhau thân thiết lắm rồi. Là vì chỉ có lúc hai người gần nhau đến nỗi hơi thở (gió thu) của người tình đã thoảng lên gò má bên phải (gò Tây), khiến cô ta e thẹn sắc mặt đã hồng lên khác thường.
Nhưng lúc ấy chỉ thấy được vẻ “ngây ngây má hồng” ở phía bên trái (gò Đông). Còn một nửa bên kia đã bị “nhật thực” che mất – tức là bị gương mặt của người tình áp sát. Câu chuyện đoán định về đường hôn nhân trên còn dài, ở đây chúng tôi chỉ nhắc qua phần mở đầu liên quan đến gò má thôi.
Theo khoa nhân tướng học, nếu cô gái ấy có “khuôn trăng đầy đặn”, sắc mặt nhuần sáng, mắt sâu và to, môi tươi đỏ, với hai gò Tây – Đông nằm cân xứng nhau ở hai bên má thì cô có mệnh số cao, tương lai sẽ có thể vào hàng phu nhân quyền quý trong xã hội.
Cụ già ở Lăng Ông cũng đưa ra lời đoán về một thẻ xăm khác của một cô gái trạc 22 – 23 tuổi hỏi về đám cưới của mình sắp tới. Cụ lật cuốn sổ bọc điều để dò tìm rồi đọc hai câu:
Chiều xuân má đỏ hây hây
Đồi Đông gió giục gò Tây dạt dào…
Cô gái không hiểu gì hết, bấy giờ cụ già mới giải thích là chiều xuân tức lễ cưới tốt nhất của cô là tiến hành vào 3 tháng đầu năm mới. Cô hỏi tại sao gọi “đồi Đông” mà không gọi “gò Đông” (cho khớp với hai chữ “gò Tây”) trong hai câu thơ trên. Ông cụ cười, nhìn cô ta một chặp, chậm rãi trả lời:
- Cháu hãy chú ý chữ “đồi” xưa nay người ta có thể dùng để chỉ một ngọn núi nào đó, còn chữ “gò” nôm na là dùng để chỉ một giồng đất thấp thoai thoải,thấp hơn đồi nhiều lắm. Thế thì vì sao quẻ này dùng chữ “đồi” và chữ “gò” để chỉ hai gò má của cháu có biết không?
Tiếp đó cụ giải thích nguyên do là vì gò má bên trái cao hơn gò má bên phải của cô ta một chút, thường thường phải để ý thật lâu mới thấy, còn các thầy xem xét nhân tướng học do chuyên môn của mình nên dễ nhận ra rất nhanh. Với những người có hai gò má nằm không cân xứng nhau, hoặc cái cao cái thấp như thế thì dự đoán của nhân tướng học cho biết sẽ gặp khó khăn trên đường làm ăn ở thời trung vận, đường tình phải lớn tuổi lắm mới lập gia đình yên ổn. Nếu hai gò má sát gần với đuôi lông mày, hậu vận sẽ có phần khá hơn, vì được sự giúp đỡ của quý nhân và con cháu.
Ảnh mang tính chất minh họa
Đến đây thiết tưởng cần nhắc đến một chi tiết là các thầy nhân tướng học hiện đại rất ít khi dùng các dòng chữ Nho để dẫn giải minh họa cho thân chủ của mình như các cụ “hay Nho” thời trước thường làm. Là vì, theo các cụ, ngày nay giới trẻ ít biết chữ Nho, nên phải dùng những câu thơ lục bát bằng chữ quốc ngữ được soạn sẵn cho dễ hiểu.
Cũng chính vì thế nên các cụ “hay Nho” hiện nay đã được thay thế dần dần bằng các cụ “hay thơ”. Chúng tôi đã được đọc ngót hơn 250 bài lục bát về tướng trạng của mắt, tai, mũi, lưỡi, trán, môi, vai, tóc, râu, răng, bụng, lưng, rốn, ngực, sườn, nốt ruồi, sắc da, tiếng nói, dáng đi... Tất cả hơn 100 chi tiết liên quan đến nội dung phân tích và tổng hợp về hơn 30 bộ phận trên người, trong đó hai gò má thuộc về tướng xương.
Nếu xương ở hai gò má không nhô cao lắm và nằm cân xứng nhau ở vị trí ngang với tóc mai là tướng tốt, sẽ đem đến nhiều điều may mắn, thuận lợi và sức khỏe ngay từ tuổi hoa niên. Còn như xương gò má kéo dài đến hai bờ tóc mai và nhô lên có sắc hồng hoặc có ánh vàng trơn láng vào giờ Ngọ, sẽ được nhiều người mến mộ, theo đuổi và thương yêu.
Xương gò má cùng các xương khác trong người đại thể có nhiều tướng trạng khác nhau, song theo các nhà nghiên cứu và dịch thuật có uy tín về nhân dạng học như Lê Giảng, Hoài Chiêm Tinh, Mã Khắc Hồng, Mai Giáo Chủ, thì tất cả các xương có một số đồng dạng về nhân tướng sau đây.
Hễ xương lộ ra quá mức sẽ thường gặp chuyện tranh chấp, cãi vã với người chung quanh. Hễ xương nhô ra có hình nhọn sẽ gặp trắc trở trong công việc kinh doanh vào tuổi trung niên. Người ta còn gọi gò Đông là “Đông nhạc” và gò Tây là “Tây nhạc”.
Người có Đông nhạc cao và cân xứng với Tây nhạc sẽ sống thọ – cao và nhô lên sát hai bên tai thuộc dạng xương Phượng Vỹ, tức đuôi con chim phượng, nếu theo nghiệp võ sẽ thành đạt vào hàng tướng tá quan quyền...
Bài: Tây Tạng - Ảnh: Tư liệu