Cúng ông Công ông Táo là truyền thống tốt đẹp có từ hàng ngàn năm nay của người dân Việt Nam. Đây là ngày ông Táo về Thiên đình thông báo sự việc trong gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng. Việc thờ cúng ông Công ông Táo nhằm thể hiện sự mong muốn Táo Quân giúp giữ bếp lửa gia đình để luôn hạnh phúc và ấm áp.
Ngoài ra, theo quan niệm của dân gian, Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. (Ảnh: Nhung Ngô)
Chính vì vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Tuy nhiên khi chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, mọi người cần lưu ý những điều tối kỵ và cách chuẩn bị mâm cỗ cúng sao cho đúng chuẩn nhất dưới đây:
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đúng chuẩn
Chia sẻ về cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đúng chuẩn nhất, chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết, mọi người cần chuẩn bị đầy đủ như sau:
- Mũ ông Công ông Táo gồm có 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn. Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp.
Mũ ông Công ông Táo gồm có 2 mũ ông và 1 mũ bà (Ảnh: Tô Hưng Giang)
Mâm cỗ mặn cúng ông Táo gồm:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 5 lạng thịt vai luộc
- 1 bát canh mọc
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu
- 1 quả bưởi
- 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Ngoài ra, để ông Táo về chầu trời, các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ với ý nghĩa "cá chép hóa rồng". Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình mà có thể chọn kích cỡ cá chép, loại cá chép với mức giá khác nhau.
“Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã dùng gà luộc ngậm hoa hồng bằng đĩa thịt vai luộc hay canh măng, canh mọc, canh bóng,…được thay bằng các món khác như bánh chưng gấc, xôi chè, thịt đông, nem rán, miến xào lòng gà, hành muối cho phù hợp thời tiết hoặc khả năng chuẩn bị.
Thông thường đồ cúng, đỗ lễ chỉ có trà, bánh, kẹo,… với mong muốn Táo quân "ngọt giọng". Có thể không cần thiết làm cả mâm cỗ mặn với đầy đủ các món nói trên. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy”, chuyên gia phong thủy Song Hà cho hay.
(Ảnh: Vũ Thanh Hoan)
Lễ cúng ông Táo cần phải tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch.
Thời gian, cách thức cúng ông Công ông Táo
Cũng theo chuyên gia phong thủy Song Hà, lễ cúng ông Táo cần phải tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Các gia đình có thể lựa chọn cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp.
Trước khi cúng thì gia chủ khấn theo bài khấn, hương cháy 2/3 thì đưa vàng mã ra hóa, đổ 3 chén rượu vào tro, đưa cá chép ra hồ phóng sinh. Nơi làm lễ cúng ông Táo có thể là ban thờ gia tiên, không nhất thiết phải lập thêm ban thờ Táo quân.
Những tối kỵ khi chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, mọi người không cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng chạp. Mọi người nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng chạp tức 20 tháng 12 âm lịch trở ra.
Mọi người cũng không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.
Bên cạnh đó, người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. “Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt nếu có thể nên để cho người thân trong nhà lễ cúng. Nếu bất khả kháng thì mua lá thơm gồm xả, hương nhu, nếp thơm, mùi thơm... (các loại lá thơm giống như lá dùng để xông giải hàn phong) đun lên tắm rửa sạch sẽ trước khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo. Tối hôm trước hôm cúng ông Công ông Táo kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng không quan hệ ân ái”, chuyên gia phong thủy Song Hà nhấn mạnh.
Chuyên gia phong thủy Song Hà.
Chia sẻ thêm, chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết, khi cúng ông Công ông Táo, người cúng không được ăn cá chép, ăn tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt ba ba, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt..., không được ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép... có mùi hôi mùi tanh.
Ngoài ra, mọi người không nên mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm vừa làm cá bị chết vừa làm ô nhiễm môi trường vừa đen đủi. Nếu phóng sinh cá chép, mọi người phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được.
“Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh. Cúng ông Công ông Táo khi hành lễ ăn mặc chỉn chu sạch sẽ gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn cũn cỡn, quần sóoc hở đùi, áo 2 dây trễ ngực hay ăn mặc hở hang”, chuyên gia lưu ý.
Đồng tình với chuyên gia phong thủy Song Hà, chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh cũng cho biết thêm, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo kiêng kỵ không được cúng những thứ hôi tanh, không cúng thịt chó, trâu, bò, mèo, dê. Tất cả phải gọn gàng, sạch sẽ, thơm ngon và trang trọng tôn kính.
Trước khi cúng, mọi người phải tắm rửa sạch sẽ quần, ăn mặc gọn gàng chân chính không được mặc quần áo cộc, phụ nữ không được mặc váy khấn vái, phải nghiêm túc tôn kính các bậc bề trên.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet