Nội dung

Câu hỏi:

Con tôi rất thích ăn cá và hay bị hóc xương. Tôi được mách khá nhiều cách chữa hóc xương bằng mẹo dân gian như xoay mâm, gõ đũa vào đầu, tìm người đẻ ngược nhờ họ vuốt cho xuôi… Cá nhân tôi thấy những cách này đều không hề có cơ sở khoa học nên không áp dụng.

Tôi thấy một số phương pháp có vẻ hợp lý hơn như nhai miếng cơm to hay nhai nắm rau má để xương bị lôi theo trôi vào trong, hoặc ngậm viên vitamin C, ngậm miếng cam/chanh để xương mềm ra… và đã áp dụng thử nhưng chồng tôi không đồng ý và nói làm theo những cách đó có nhiều rủi ro, dễ khiến cho việc hóc xương trở nên trầm trọng hơn.

Vậy theo bác sĩ, chúng tôi có nên tiếp tục dùng các mẹo dân gian chữa hóc cho trẻ không? Đâu là cách chữa hợp lý và nên áp dụng?

 Chữa hóc cho trẻ bằng mẹo dân gian nguy hại khó lường

Khi trẻ nhỏ tự gỡ và ăn cá, trẻ sẽ rất khó tránh khỏi một đôi lần bị hóc xương do sơ suất

Trả lời:

Đề cập đến việc xử lý ra sao khi trẻ hóc xương, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương - trưởng khoa Tai mũi họng - Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những chỉ dẫn rất hữu ích cho các bậc phụ huynh:

Mọi cách chữa bằng mẹo dân gian đều không nên áp dụng

Bác sĩ Xương khẳng định: “Mọi cách chữa hóc xương bằng mẹo dân gian như nuốt miếng cơm to hay nắm rau má, xoay mâm, ngậm cam/chanh… đều không nên áp dụng. Khi trẻ bị hóc, bố mẹ nên đưa ngay đến bệnh viện để các bác sĩ soi và dùng các dụng cụ cần thiết để gắp xương ra khỏi cổ họng của trẻ. Việc này nên được thực hiện càng sớm càng tốt trước khi xương vào sâu hơn và gây thêm tổn thương.

Các cách chữa mẹo hầu hết đều có mục đích làm cho người bị hóc nuốt xương trôi vào bên trong cổ họng chứ không phải là đưa xương ra khỏi cơ thể. Điều này rất phản khoa học. Bởi vậy, không có cách chữa mẹo nào tốt hơn việc gắp xương ra ngoài".

Hiểu được điều này, nhiều bậc phụ huynh cũng tự dùng một số dụng cụ trong gia đình để nhổ xương ra. Tuy nhiên, cách gắp xương như thế nào để an toàn cho trẻ thì không phải ai cũng biết. Theo tiến sĩ Xương, việc hóc xương không hề đơn giản. Nhiều trường hợp ngay đến các bác sĩ không chuyên khoa tai mũi họng cũng còn thấy khó, bởi vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan về vấn đề này.

 Chữa hóc cho trẻ bằng mẹo dân gian nguy hại khó lường

Hầu hết các phương pháp chữa hóc xương cá theo mẹo dân gian đều đưa xương vào trong cơ thể thay vì gắp ra ngoài

Trong các phương pháp chữa mẹo, cũng có cách nhằm đưa xương ra ngoài là nhét tỏi vào mũi. Cụ thể: nếu bị hóc ở bên trái họng thì nhét nhánh tỏi và lỗ mũi bên phải, sau đó bịt lỗ mũi bên trái lại và thở bằng miệng, một lúc sau sẽ có phản ứng hắt hơi và kéo chiếc xương ra ngoài.

Tuy nhiên, bác sĩ Xương khẳng định, việc hóc xương xảy ra ở trong đường tiêu hóa, trong khi việc nhét tỏi vào mũi và hắt hơi là tác động vào đường thở. Bởi vậy, việc làm này cũng không mấy tác dụng.

Hậu quả khó lường khi tự chữa hóc xương bằng mẹo

Không những phản khoa học, việc tự chữa hóc xương bằng mẹo dân gian còn có nguy cơ dẫn đến những biến chứng trầm trọng, gây thêm đau đớn và mất nhiều thời gian, chi phí điều trị.

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tiến sĩ Xương đã gặp không ít trường hợp tự ý chữa hóc xương tại nhà nhưng không hiệu quả, thậm chí còn gây cản trở cho các bác sĩ khi soi và gắp xương ra: “Những miếng cơm, miếng chuối hay búi rau to mà trẻ nhai và cố gắng nuốt vào đôi khi chỉ gây nghẹn thêm cho bệnh nhân và trở thành vật cản khi chúng tôi gắp xương ra, khiến sự việc càng trầm trọng hơn.

Nhiều trường hợp nếu đưa đến bệnh viện gắp xương ra ngay thì rất đơn giản, nhưng do mất thời gian tự thắp hương khấn vái, chữa mẹo ở nhà, đến khi không thấy khỏi mới đưa đến bệnh viện thì vết thương đã loét và nhiễm trùng, phải điều trị bằng cả nội soi, hồi sức, chống nhiễm trùng… rất phức tạp”.

 Chữa hóc cho trẻ bằng mẹo dân gian nguy hại khó lường

Cá là món ăn bổ dưỡng cho trẻ, nhưng các mẹ cần hết sức cẩn thận trong khâu chế biến để loại bỏ hết phần xương

Bác sĩ chia sẻ thêm, một trong những trường hợp hóc xương khá nặng mà ông từng gặp là một bệnh nhân ngậm cá sống bằng miệng khi đi mò. Con cá đã chui vào trong miệng, họng và quẫy đạp quá mạnh khiến bệnh nhân bị hóc nặng, tổn thương trầm trọng.

Rất may, nhờ được đưa đến bệnh viện ngay lập tức thay vì chữa mẹo, người này đã được điều trị kịp thời và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm