Ngày 10/6, thông tin về việc 30 tấn cá nục đông lạnh chứa chất phenol khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Sở dĩ, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề này là vì khu vực miền Trung vừa phải trải qua sự việc không ai mong muốn đó là cá chết hàng loạt, hơn nữa chất phenol có trong cá nục đông lạnh được cho là chất kịch độc, gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi sử dụng.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, phenol và các dẫn chất như cresyl (acid cresylic) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp (hoá hữu cơ, chất dẻo, hoá dược) và dễ tẩy uế, sát khuẩn (dung dịch 1%). Ngộ độc cấp xẩy ra do uống dung dịch đậm đặc với mục đích tự tử hoặc do uống nhầm.
Nếu con người sử dụng với phenol trên 10gram thì có thể gây chết người, và chỉ cần 2gram cũng có thể gây nguy hiểm, không chỉ có vậy, phenol còn có tác ăn mòn tại chỗ và ức chế chuyển hoá.
Về tác hại khi sử dụng đồ ăn có chứa phenol, nếu nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa, thần kinh như: buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, nhước đầu…Còn nặng có thể gây co giật, hôn mê, rối loạn tuần hoàn và hô hấp. Hơn nữa bệnh nhân có thể viêm gan, viêm thận, đái ra huyết cầu tố và thậm chí tử vong.
Khi bị ngộ độc chất này, các bác sĩ khuyến cáo, không nên rửa dạ dày mà nên cho bệnh nhân uống than hoạt 40 - 60g và sorbitol 10 - 20g. Trong trường hợp có hôn mê co giật, rốì loạn hô hấp cần tiêm tĩnh mạch diazepam 10mg, đặt ống nội khí quản, hô hấp nhân tạo.
Liên quan đến loại chất này, PGS.TS Trần Hồng Công – giảng viên khoa Hóa (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phenol là một họ chất hoá học có phenol đơn vòng và phenol đa vòng. Nếu trong cá kiểm nghiệm có chất phenol đơn vòng thì tác dụng nguy hiểm ít hơn phenol đa vòng. Phenol đa vòng rất nguy hiểm cho sức khoẻ của con người.
Cá nục đông lạnh đang được chứa trong kho.
Về phía cơ quan chức năng, trả lời báo chí ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, cho hay: “Chất cực độc trong 30 tấn cá nục đông lạnh có hàm lượng Phenol là 0,037mg/kg. Đây là dẫn xuất nhân thơm dùng trong công nghiệp để tẩy uế, sát khuẩn”.
Theo ông Biên, chất này tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm, thậm chí thức ăn chăn nuôi. Về nguồn gốc, nguyên nhân khiến số cá trên bị nhiễm độc Phenol, ông Biên cho hay chỉ có thể khẳng định có chất độc trong mẫu kiểm nghiệm, chứ không thể xác định việc nhiễm độc từ đâu.
Liên hệ với Cục An toàn thực phẩm về vấn đề này, thì được biết Cục vẫn chưa nhận được thông báo của tỉnh Quảng Trị về vấn đề cá nục bị nhiễm phenol này.
Trước đó, ngày 7/6, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện trong kho đông lạnh của bà T. (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) có 110 tấn cá gồm, 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lộn xộn.
Trong buổi kiểm tra, cơ quan chức năng lấy 6 mẫu cá tại kho đông lạnh này đi kiểm tra. Trong đó, có 3 mẫu cá nục, 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích và 1 mẫu cá sòng. Riêng cá nục, có 1 mẫu trong lô 20 tấn thu sau thời điểm xảy ra sự cố cá chết trên vùng miền ở miền Trung 10 ngày, 1 mẫu trong lô 20 tấn thu mua trước thời điểm cá chết tại vùng biển miền Trung và mẫu còn lại trong lô 30 tấn thu mua tại thời điểm cá chết ở vùng biển miền Trung.
Theo kết quả kiểm nghiệm, 5 trong số 6 mẫu cá, tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục trong lô thu mua ngay thời điểm cá chết ở vùng biển miền Trung có chứa chất Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Được biết, đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được sử dụng trong thực phẩm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet