Những ứng xử của cha mẹ khi con bị điểm kém rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ. Ứng xử của cha mẹ có thể giúp con hiểu rõ bản thân mình và tự tin hơn trong cuộc sống, học tập; nhưng cũng có thể khiến trẻ bi quan, tự ti về bản thân mình, mặc cảm rằng mình yếu kém. Như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích phấn đấu của trẻ.
Khi con bị điểm kém, cha mẹ không nên mắng mỏ, càng không nên dùng những lời lẽ, hành động miệt thị hoặc khiến con lo lắng, bất an. Hãy cảm thông với con vì chắc rằng khi bị điểm kém bản thân trẻ đã rất buồn rồi. Hãy cùng con tìm nguyên nhân dẫn đến điểm kém của bài đó, lắng nghe để hiểu và cùng con tìm cách khắc phục.
Dù thực tế con mình học rất tốt, nhưng cha mẹ cũng không nên vì thế mà quá kỳ vọng vào con, đặt ra những tiêu chí quá cao, bắt con phải giỏi giang tuyệt đối. Hãy nhớ rằng một đứa trẻ dù có tài giỏi đến mấy cũng có thể có lúc không đáp ứng được yêu cầu bài học và một hai lần bị điểm kém không có nghĩa rằng con học kém, lười học. Hãy cho con biết điều quan trọng không phải nằm ở những điểm số, mà quan trọng là con đã biết nỗ lực cố gắng trong học tập hay chưa.
Cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra việc học hành của con. Sự quan tâm, khuyến khích sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ và đó chính là nguồn động viên để trẻ cố gắng hơn. Mọi hình phạt chỉ khiến con thêm sợ hãi và xa lánh cha mẹ, làm cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng lớn. Cha mẹ sẽ khó biết được những mặt mạnh, mặt yếu hay những khó khăn mà con vướng phải để có thể hỗ trợ con.
Theo Kiến Thức
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet