Bé Nguyễn Thanh V. (ngụ quận 3, TP.HCM) đã 4 tuổi nhưng ăn uống rất kém và thường bị ói, có cảm giác sợ ăn. Bé nhẹ cân so với tuổi nên gia đình cũng rất lo lắng, càng cố gắng ép bé ăn nhiều hơn và đưa bé đi khám nhiều nơi chuyên về dinh dưỡng nhưng tình trạng không thuyên giảm. Đến khi một hôm bé ói ra thức ăn có lẫn máu, được đưa đến khám và làm nội soi tại một bệnh viện nhi thì phát hiện dạ dày bé bị viêm nặng và còn đang rỉ máu. Bé được làm thêm một số xét nghiệm vi trùng Helicobacter pylori (HP), được điều trị theo phác đồ và các biện pháp chăm sóc thích hợp. Đến nay, tình hình đã khá hơn, bé vui vẻ, lanh lợi, ăn khá hơn và tăng cân.
Tình trạng của bé V. là một trong rất nhiều biểu hiện đa dạng của bệnh viêm dạ dày ở trẻ em.
Cảnh giác với vi trùng Helicobacter pylori
Tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ em chưa được biết rõ, nhưng trong một nghiên cứu ở Canada cho thấy cứ mỗi 2.500 bệnh nhi nhập viện thì có 1 bé bị viêm dạ dày. Nguyên nhân rất da dạng, có thể tổn thương tại chỗ do dùng các thuốc kháng viêm, do chấn thương niêm mạc dạ dày, do stress, hoặc trong bệnh cảnh toàn thân như bệnh lý thận, bệnh lý mạch máu…
Tuy nhiên, gần đây với việc tìm ra vi trùng Helicobacter pylori, người ta thấy mối liện quan rõ rệt giữa vi trùng này và các bệnh lý tại dạ dày như viêm, loét, thậm chí là ung thư.
Làm sao nhận biết trẻ bị viêm dạ dày?
Triệu chứng của viêm dạ dày đôi khi dẫn dắt chúng ta hướng tới những chẩn đoán khác như trường hợp ở trên. Biểu hiện của viêm dạ dày thường là đau bụng tái đi tái lại, nếu rõ ràng thì đau ở thượng vị (vùng trên rốn, ngay dưới xương ức) nhưng cũng có nhiều trường hợp đau quanh rốn. Trẻ hay bị buồn nôn, nôn, chán ăn, gầy sút, hay ợ chua và có hơi thở hôi. Nếu tình trạng kéo dài có thể đưa đến thiếu máu, xanh xao. Đôi khi trẻ nhập viện vì những biến chứng như nôn ra máu hay phân đen như bã cà phê và rất hôi.
Nhìn chung, khi trẻ có những triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, nên đưa trẻ đến các bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và tư vấn chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp. Những trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác hoặc nội soi sẽ được các bác sĩ tư vấn và chỉ định, không nên tự xét nghiệm bừa bãi, nhất là các xét nghiệm về vi trùng HP vì nhiễm HP tự thân nó không phải là chỉ định để điều trị.
Nếu HP không gây triệu chứng gì thì chúng ta có thể “sống hòa bình” với nó, thậm chí một số trường hợp có thể thoái nhiễm (tự mất đi) một cách tự nhiên.
Phải hiểu đây là một bệnh mạn tính, kèm với khả năng phải làm xét nghiệm hoặc nội soi nhiều lần, các bậc phụ huynh có con em bị viêm dạ dày cần kiên nhẫn và hợp tác tốt với bác sĩ để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bé.
Bé cần ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, tránh các thức ăn uống kích thích dạ dày như trà, cà – phê, thức uống có cồn. Nếu trẻ đi khám bác sĩ vì bệnh khác (viêm hô hấp trên, dị ứng…) thì nên báo cho bác sĩ biết về bệnh viêm dạ dày của bé cùng các thuốc đang uống để tránh sử dụng các thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng dạ dày. Nếu bé phải điều trị tiệt trừ HP, bé phải uống nhiều thuốc hơn trong thời gian vài tuần. Nên giúp bé tuân thủ thật tốt giờ giấc uống thuốc, không bỏ sót cữ thuốc vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả tiệt trừ HP. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, hạn chế dùng chung chén đũa, tránh những nơi đông đúc chật chội là những nơi đông đúc chật chội là những điều kiện dễ lây lan HP cũng như bị nhiễm trở lại sau khi đã điều trị tiệt trừ HP thành công.
TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn – Bộ môn Nhi, Đại Học Y Dược TP.HCM, Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet