Bệnh nhân khám đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng
Ghi nhận của phóng viên trong sáng 11/5 tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám vì bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, tại khoa Khám bệnh (BV Mắt Trung ương), BS Hoàng Cương cho biết, cứ 50 bệnh nhân đến khám bệnh về mắt thì có 10 bệnh nhân khám bệnh đau mắt đỏ, đa số các bệnh nhân đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trong số các bệnh nhân đến khám vì bệnh đau mắt đỏ, nhiều bệnh nhân đã có những biến chứng rất nặng. Điển hình trong số đó là trường hợp của bà L.T.H (70 tuổi, quê ở Hậu Lộc – Thanh Hóa). Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thành (con trai bà H.) cho biết, anh đã đưa mẹ ra Bệnh viện Mắt điều trị 1 tháng vì bệnh đau mắt đỏ biến chứng loét kết giác mạc.
Bệnh nhân đến khám vượt tuyến tại BV Mắt Trung ương sáng 11/5. Ảnh: Lê Phương
“Lúc đầu mẹ tôi bị đau mắt đỏ, ra hiệu thuốc ở quê họ bán cho nước Nattri Clorid 0,9% và thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin về dùng. Tuy nhiên, do đau mắt thường bị ngứa, nên mẹ tôi lấy tay dụi mắt, từ đó dẫn đến bị loét.”, anh Thành cho biết.
Chia sẻ với phóng viên về căn bệnh này, TS.BS Phạm Ngọc Đông – Trưởng khoa Kết giác mạc (BV Mắt Trung ương) cho biết, đau mắt đỏ là căn bệnh xuất hiện quanh năm, tuy nhiên đỉnh điểm của dịch là khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Theo TS Đông, qua thực tế tổng kết số liệu ở BV Mắt Trung ương, hiện nay bệnh đau mắt đỏ vẫn chưa có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, người dân cần hết sức cảnh giác để đề phòng bệnh.
“Tuy đây là căn bệnh lành tính, bệnh có thể tự khỏi, nhưng việc điều trị là hết sức cần thiết để tránh trường hợp bệnh lây lan ra cộng đồng”, TS Đông cho biết.
TS Phạm Ngọc Đông: Hiện bệnh chưa có diễn biến bất thương, những người dân không nên chủ quan. Ảnh: Lê Phương
Sử dụng chung đồ dễ lây lan bệnh
Đó là khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng để phòng tránh sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng. Theo đó, bệnh có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi; Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế khuyến cáo, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.
Khi mắc bệnh người dân phải nhờ sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý chữa bệnh. Ảnh: Lê Phương
Khi không có dịch, chính bản thân mỗi người cũng phải có biện pháp phòng tránh như: Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, thì cần phải tuân thủ các biện pháp mới như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện… Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet