Trong vóc dáng nhỏ thó hom hem với tấm lưng đã còng và mái tóc chẳng thể bạc được thêm, bà mẹ tuổi 83 vẫn ngày ngày bán nước nuôi người con trai ngoài 40 vẫn ngẩn ngơ như đứa trẻ.
Bà là Nguyễn Thị Nhẫn – bà cụ bán nước đã quá quen mặt với người dân quanh khu hồ Giảng Võ (Hà Nội) từ bao năm nay. Gắn bó với mảnh đất thủ đô tới gần thế kỷ, cuộc đời bà đã trải qua quá nhiều biến cố, thăng trầm. Có lẽ, cũng bởi thế mà con người bà cũng có phần sắt đá hơn, khác hẳn với hình ảnh những cụ bà râu tóc bạc phơ với nụ cười hiền từ thường gặp.
Ngày ngày, bà dọn ra ven vỉa hè bên hồ Giảng Võ vài ba chiếc bàn ghế nhựa cọc cạch bán trà đá mưu sinh.
Ở tuổi ngoài 80, bà vẫn đi lại khá nhanh nhẹn, trò chuyện minh mẫn, rành mạch cùng khách mà chẳng cần nói to. Chỉ riêng đôi mắt, bà bị hỏng một bên từ vài chục năm nay vì bị thiên đầu thống mà không có tiền chữa trị.
Cầm điếu thuốc trên tay, thỉnh thoảng bà lại ngẩng mặt, móm mém rít một hơi dài rồi nhả từng vòng tròn khói nghi ngút. Những nếp nhăn xô lại quanh khóe miệng, chuẩn bị cho những câu chuyện bà sắp kể về mình, về 7 người con. 83 năm, gần một thế kỷ với không biết bao nhiêu biến cố cuộc đời, bà không còn nhiều khái niệm về trình tự hay mốc thời gian.
Những mẩu chuyện chắp nối, những mảnh ghép rất vụn nhưng cũng đủ cho người nghe mường tượng được phần nào cảnh đời của bà và 7 mảnh đời của những người con đều đã ở tuổi lên ông, lên bà.
Bà kể, 13 tuổi bà đã mồ côi cha mẹ, một mình cậy nhờ khắp nơi nuôi 4 người em nhỏ khôn lớn. May mắn nhờ sức khỏe trời ban cùng sự chịu thương chịu khó, bà lăn lộn đủ nghề để kiếm sống:
“Thời còn trẻ, tôi chạy đi chạy lại buôn bán khá lắm, rồi mở quán café, quán bia làm ăn được lắm, kiếm được mấy cái nhà cho con cho cháu. Đến khi con trai lớn nghiện ngập, nợ nần, nhà cửa tôi phải bán sạch trả nợ cho nó. Mà rồi cuối cùng cũng mất nốt cả con, chồng cũng bỏ về quê biệt tăm từ đấy”.
Người ngày ngày theo bà đi bán nước hiện nay là con trai út bị down tên Tiến, 42 tuổi vẫn ngẩn ngơ như đứa trẻ. Sống cùng bà còn một người con trai trên Tiến, tuổi đã gần 50, ly thân vợ con từ lâu, sống bằng nghề xe ôm và phụ việc người chị gái trông nom quán nước, trông xe trên phố cổ.
Theo lời bà kể, 3 người con trai còn lại cũng không khá giả gì, chỉ đủ thay nhau chi trả tiền nhà hơn 3 triệu hàng tháng cho mẹ và hai em: “Tôi nghèo nhưng tôi không muốn làm tội con cháu quá. Chúng cũng đâu có sung sướng gì, tôi bảo mấy đứa cháu không phải ra đây với bà nhiều làm gì, cứ đi làm, đi học cho thật tốt. Bà đã thế này rồi, không muốn đứa nào phải khổ theo.
Nhìn người ta làm bà, làm mẹ ở tuổi này đã được nghỉ ngơi cơm bưng nước rót mà chua xót cho cái phận mình. Nhưng nào còn cách nào nữa đâu, thôi thì trời thương đến đâu tôi biết đến đấy, ngày nào trời còn cho sống thì còn làm thôi. ” – bà tâm sự.
Diện mạo khắc khổ của người mẹ ngoài 80 vẫn bươn trải từng đồng nuôi con
Cạnh bà, anh con trai út cứ quanh quẩn cả ngày với mấy tập giấy, cây bút xin được. Chọn một góc ven hồ, anh ngồi nhìn từng tốp học sinh đi về ngang qua mỗi chiều rồi hý hoáy tập viết như ai. Chốc chốc, cứ hễ thấy có khách ghé quán, Tiến lại lật đật chạy lại ngay chờ sẵn xem mẹ có sai gì; khi thì đi lấy thêm phích nước, lúc chạy loăng quăng đổi giúp khách vài đồng tiền lẻ...
Trong mắt những người bán nước xung quanh: “Anh con trai bị down trông thế mà khôn và thương mẹ ra phết. Viết không ra chữ, nói cũng khó dịch thành lời, nhưng cả ngày chỉ quanh quẩn hai việc: học chữ và phụ mẹ bán hàng, có hiếu lắm”.
Người con bị down vẫn có thể phụ mẹ bán hàng mỗi ngày
Xong việc, Tiến lại ra ngồi nguyên một góc hí hoáy tập viết
Niềm vui của anh đơn giản là được cầm bút viết lên giấy mỗi ngày, với những đường nét mà chỉ mình anh hiểu
Sau khi bị thiên đầu thống từ mấy chục năm về trước, bà Nhẫn đã hỏng hẳn một bên mắt, bên còn lại cũng không còn được tinh tường nữa
Bà kể, mỗi ngày bán trà đá bà được chừng 60 - 80 ngàn
Dù vẻ ngoài có mạnh mẽ, sắt đá đến đâu, bà vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng
Trong cái rủi của số phận éo le, bà vẫn khá lạc quan khi nhìn ra cái may mà nhiều người ao ước: bà vẫn được "trời phù" cho sức khỏe, phải khỏe để còn tiếp tục "gánh gồng" cả kẻ đầu xanh
Thương cảm trước cảnh người tóc bạc lần hồi nuôi kẻ đầu xanh, nhiều người dân quanh vùng thường xuyên qua lại, giúp đỡ bà cụ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet