Việc chia sẻ những công thức làm bánh mì Việt Nam kiểu đặc ruột, truyền thống mà chúng ta vẫn hay ăn hay những hướng dẫn làm bánh mì chi tiết, tỉ mỉ từng công đoạn sẽ giúp bạn dễ dàng làm được ngay từ lần đầu tiên.
1. Cách làm bánh mì bằng lò nướng Nguyên liệu làm bánh mì- 450gr bột bánh mì (bột số 13 - Protein từ 12 đến 13%)
- 5g men Saf-Instant
- 15ml nước cốt chanh
- 5g muối
- 15g đường
- 300ml nước lạnh
- Dầu ăn
Dụng cụ: Bình xịt nước, dao cắt
Công thức làm bánh mì với lò nướngBước 1: Trộn bột
Đổ lần lượt vào tô gồm 15g đường, 5g men nổi nhanh, 15ml nước cốt chanh, 300ml nước lạnh, 5g muối, 25ml dầu ăn và 450gr bột bánh mì.
Dùng thìa trộn đều hỗn hợp bột lên sau rồi dùng tay gom lại cho bột dẻo. Dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín miệng tô bột lại, để bột nghỉ trong 10 phút.
Mẹo hay: Dùng nước lạnh để trộn bột, khi nhồi bột sẽ không bị đứt liên kết, ruột bánh mì sẽ có độ dai.
Bước 2: Ủ bột lên men
Sau 10 phút để bột nghỉ, bạn dùng tay nhào qua 1 vài lần rồi nhấc bột ra khỏi tô, cho ½ muỗng canh dầu ăn vào thoa đều lên tô bột để bột không bị dính khi ủ.
Thoa dầu ăn xong thì lại cho bột vào, đậy kín bằng màng bọc thực phẩm sau đó cho vào tủ lạnh, ủ bột ở nhiệt độ 5 độ C trong 8 đến 10 tiếng để bột lên men và làm bánh mì xong, ăn sẽ thơm hơn.
Lưu ý:
Nên ủ bột từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau bạn lấy ra là vừa tầm thời gian ủ bột, có thể làm bánh mì luôn.
Quá trình nhào và nặn bột, bạn nên thoa một chút dầu ăn vào lòng bàn tay để khi nhào, nặn bột không bị dính tay, dễ làm hơn.
Bước 3: Nhào bột
Sau khi ủ bột xong, lấy bột ra khỏi tủ lạnh và để ở ngoài (nhiệt độ phòng - 23 độ C) trong 15 phút.
Thoa một lớp dầu ăn mỏng lên bàn nặn bánh hoặc mâm phẳng để bột không bị dính bàn sau đó lấy bột ra khỏi tô, lúc này bột đã nở, kéo bột ra sẽ có hình rễ tre rồi đặt lên mặt bàn.
Tiếp theo, dùng tay kéo nhẹ bột cho giãn ra rồi gập từng góc của bột vào chính giữa sau đó nắm chặt tay lại, dùng mu bàn tay ấn vào giữa bột để đuổi hết bong bóng khí ở trong bột. Làm liên tục như vậy khoảng 15 phút, cho bột thật dẻo, bóng mịn mà không còn dính tay.
Nhào bột xong, lấy âu đậy bột lại, để nghỉ trong 3 phút.
Bước 4: Chia bột và ủ bột
Bột để nghỉ xong, chia bột thành các phần bằng nhau, trọng lượng từ 120g đến 130g.
Mỗi phần bột, bạn dùng tay gấp bột vào giữa rồi nhào qua một vài lần để đuổi sạch bóng khí sau đó tạo thành khối bột tròn. Nặn bột xong, dùng âu lớn đậy kín bột, để bột nghỉ trong 5 phút.
Sau 5 phút, tiếp tục nặn các viên bột như ở lần một, dùng tay hơi kéo nhẹ bột ra rồi gấp đôi lại, dùng ngón cái ấn vào giữa, tiếp tục gấp như vậy khoảng 3 đến 4 lần thì vo tròn viên bột lại sao cho mặt bột thật căng mịn và bóng.
Làm lần lượt từng phần bột đến khi hết sau đó đậy kín tất cả bột lại, ủ lần 2 trong 5 phút.
Bước 5: Cán bột
Viên bột đã ủ xong, úp phần mặt bột bóng mịn ở phía trên xuống mặt bàn, thoa chút dầu ăn vào cây cán bột rồi cán cho bột phẳng ra. Một đầu sẽ cán cho bột hơi dày và đầu còn lại cán mỏng để dễ cuộn.
Lưu ý:
- Phần bột nào được vo tròn lúc đầu trước thì lấy tạo hình trước.
- Nếu cán bột mà bột thuôn thuôn, co lại thì thời gian ủ bột ở bước 3 chưa đủ. Bạn cần gói lại, ủ thêm 5 phút nữa cho bột đạt độ nghỉ.
- Nếu ủ bột lâu quá thì bánh mì sẽ bị xẹp xuống khi nướng xong, nếu ủ chưa đủ thời gian thì bánh mì sẽ bị cứng.
Bước 6: Nặn bánh mì
Cán bột xong, cuộn phần bánh từ đầu bột dày hơn, cuộn tròn vào trong, vừa cuốn vừa dùng đầu ngón tay ấn vào trong, đẩy lên để làm căng mịn, phẳng bề mặt bánh.
Cuộn bánh xong, lăn và vê nhẹ 2 phần đầu bánh, tạo hình thuôn nhọn cho giống với bánh mì truyền thống.
Tạo hình bánh xong, rắc một lớp mỏng bột mì lên khuôn bánh rồi đặt bánh lên để bột mì hút phần hơi ẩm ở bột bánh. Cứ thế làm lần lượt cho tới khi hết bột.
Bước 7: Ủ bánh
Đặt khay bánh mì vào trong lò nướng, đóng cửa lò lại rồi ủ trong 20 phút. Sau 20 phút thì mở hé cửa lò ra rồi đóng lại, ủ tiếp trong 10 phút.
Ủ xong, lấy khay bánh ra, lúc này bánh đã nở hơn 1,5 lần so với ban đầu, dùng 2 ngón tay bóp nhẹ vào bánh rồi thả tay ra, thấy bánh đàn hồi chậm là nướng được rồi.
Bước 8: Làm nóng lò
Đặt khay ở dưới đáy lò để lát nữa đổ nước vào, bật lò nóng ở 240 độ C khoảng 15 phút.
Đun sôi 250ml, sau 15 phút thì lò đã nóng, mở hé cửa lò và cẩn thận đổ 250ml nước nóng từ từ vào khay dưới cùng của lò nướng sau đó đậy cửa lò nướng lại.
Bước 9: Rạch tạo hình bánh mì
Dùng dao thật sắc, có thể dùng kẹp dao tem (dao lam) để rạch tạo hình bánh. Khi rạch cần rạch đúng phần cuộn lúc làm bánh.
Nhúng dao vào dầu ăn, một tay giữ bánh, một tay cầm dao, cắm mũi dao vào một đầu bánh rồi rạch nghiêng nghiêng dao hơi chếch lên vào bánh với độ sâu khoảng 3 đến 5mm, rồi kéo dài lưỡi dao đến cuối để bánh khi nướng sẽ có phần cánh đẹp mắt.
Khi rạch cần dứt khoát, không được để nhăn phần miệng bánh. Sau khi rạch xong, cần xịt nước ướt đẫm các vết đã rạch.
Bước 10: Nướng bánh mì
Đặt khay bánh vào lò nướng ở tầng thứ 3 từ dưới lên và là tầng thứ 2 từ trên xuống sau đó đóng cửa lò nướng.
Vẫn đặt lò nướng ở 240 độ C như ban đầu và nướng trong 10 phút đầu tiên tuyệt đối không mở cửa lò. Vì đã có khay nước ở dưới nên trong lúc nướng bánh không cần xịt nước vào bánh. Nhiệt độ cao ban đầu sẽ giúp vỏ bánh mì mỏng, nở căng và bung cánh.
Đến khi bánh chuyển sang màu vàng, bạn hạ nhiệt lò nướng còn 200 độ C, để nướng thêm 4 đến 5 phút. Lúc này nếu khay nước trong lò nướng nếu vẫn còn nước thì bạn mở cửa lò, lấy khay ra. Nếu hết rồi thì không cần lấy ra nữa.
Đối với lò nướng không đều nhiệt thì lúc này bạn có thể trở khay bánh cho đều.
Sau 5 phút, hạ nhiệt lò nướng xuống 180 độ rồi nướng thêm 2 đến 3 phút cho đến khi bánh mì chuyển sang màu nâu vàng.
Lưu ý: Nên kiểm tra bánh mì khi nướng vì nhiệt độ lò nướng của mỗi bếp là khác nhau
Hết 5 phút, bạn tắt lò nướng và lấy bánh mì ra.
Hoàn thành làm bánh mì Việt Nam đặc ruộtBánh mì đặc ruột sau khi nướng xong, có màu vàng nâu đẹp mắt, nở bung cánh. Sau 3 phút để nguội bớt, bánh mì nở bung hết, ruột đặc dai mềm, trắng phau, vỏ mỏng, giòn rụm và có vết nứt chân chim không khác gì ngoài hàng, mùi thơm hấp dẫn.
Chú ý: Nếu bánh mì ăn thấy ruột chua chua là do ủ quá giờ, bạn cần chú ý thời gian ủ bột.
Bánh mì làm tại nhà sau khi nướng xong nếu ăn không hết có thể bảo quản bằng túi zip, nên sử dụng bánh trong khoảng từ 2 - 3 ngày để bánh giữ độ mềm giòn, để quá lâu bánh sẽ bị cứng.
2. Cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầuNếu nhà không có lò nướng thì dưới đây là hướng dẫn làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu đơn giản, dễ dàng thực hiện mà độ ngon không kém.
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh mì- 400g bột mì số 11
- 20g dầu ăn
- 150ml nước lọc
- 25g đường
- 2 trứng gà
- 6g men nở, 6g muối
Hướng dẫn làm bánh mì bằng nồi chiên không dầuBước 1: Đập 2 quả trứng gà ra bát rồi đánh tan.
Bước 2: Cho lần lượt 140ml nước lọc, 25g đường, 6g men nở, 10ml dầu ăn vào âu lớn rồi cho trứng gà đã đánh tan vào. Khuấy đều tất cả cho hòa quyện lại với nhau.
Bước 3: Cho 400g bột mì số 11 và 6g muối vào âu hỗn hợp vừa khuấy ở bước 2 sau đó trộn đều lên.
Bước 4: Lấy bột ra khỏi âu rồi dùng tay nhồi bột trong khoảng 15 phút, sau 15 phút thì vo bột thành khối rồi đập xuống bàn để cho bột mịn và đuổi hết bọt khí bên trong bột.
Bước 5: Sau khi nhồi bột xong, vo thành khối rồi dùng âu đậy lại, để ủ bột trong 1 tiếng.
Bước 6: Sau khi ủ bột xong, thoa chút dầu ăn vào bàn tay rồi nhồi sơ bột lại một lần nữa. Nhồi bột mì xông, chia bột thành 4 phần bằng nhau rồi vo tròn lại, phủ khăn mềm lên để ủ trong 15 phút trước khi tạo hình.
Bước 7: Sau khi bột nghỉ 15 phút, dùng cây cán bột cán cho bột phẳng dài ra, một đầu to một đầu nhỏ. Dùng tay cuộn dần dần từ phần đầu bột nhỏ lại đến khi hết. Vừa cuộn vừa ấn xuống để tạo độ phồng ở giữa bánh.
Cuộn xong, ép chặt mép bột lại sau đó vê nhẹ để tạo hình bánh mì thuôn dài, hơi thon ở 2 đầu. Cứ thế làm cho tới khi hết bột.
Bước 8: Lót giấy thấm dầu ở đáy nồi chiên không dầu rồi đặt bánh vào. Dùng khăn phủ kín nồi, ủ bột trong 60 phút nữa.
Lưu ý: Đối với nồi nhỏ chỉ nên đặt từ 1 đến 2 cái để có khoảng không để bánh nở. Không đặt quá nhiều vì khi nướng bánh sẽ không nở được hết, bánh bị bóp méo và vàng không đều.
Bước 9: Ủ xong, dùng dao tem khía lên thân bột 3 cái, cách đều nhau sau đó quét đẫm nước lên trên mặt bánh.
Bước 10: Đậy vung nồi chiên không dầu lại, bật nướng ở chế độ 160 độ trong 5 phút đầu (lần 1). Sau 5 phút nướng bánh, bạn kéo khay nướng ra, xịt nước lên bề mặt bánh rồi cho vào nướng tiếp trong 5 phút nữa (lần 2)
Sau 5 phút nướng, kéo khay bánh ra, bạn trở mặt dưới của bánh lên để nướng cho vàng đều 2 mặt sau đó cho vào nướng tiếp ở nhiệt độ 160 phút trong 4 phút là được (lần 3). Tắt nồi chiên và lấy bánh mì ra.
Hoàn thành cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầuVới công thức làm bánh mì tại nhà kiểu Việt Nam rất đơn giản và dễ làm này, thành phẩm sẽ có bánh mì thơm ngon không kém so với làm bằng lò nướng. Bên trong ruột mềm, không quá đặc, vỏ giòn, màu vàng nâu bắt mắt.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet