Nội dung
Mục Lục
1. Biểu hiện khi trẻ bị sốt?
2. Như thế nào được gọi là trẻ bị sốt cao?
3. Các nguyên nhân khiến trẻ bị sốt
4. Cách hạ sốt cho trẻ
5. Lưu ý chăm sóc khi trẻ bị sốt
6. Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt

Video: Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách hạ sốt tốt nhất cho trẻ sơ sinh

1. Biểu hiện khi trẻ bị sốt?

Theo bác sĩ Dũng, sốt là khi thân nhiệt của cơ thể tăng cao hơn so với mức bình thường, khi nhiệt độ đo được ở hậu môn từ 38 độ C trở lên.

Tổ chức Y tế Thế giới quy ước một trẻ được xác định có sốt khi có các biểu hiện sau:

- Đang có nhiệt độ đo ở nách từ 37,5 độ C trở lên.

- Sờ thấy nóng.

- Sốt từ mấy hôm trước.

Ở người bình thường thân nhiệt thường dao động trong khoảng từ 36,5 độ C đến 37,5 độ C. Thân nhiệt trong ngày dao động thấp nhất vào 4 giờ sáng và cao nhất vào 18 giờ, ngoài ra trong một số trường hợp thân nhiệt cũng thay đổi ví dụ: thân nhiệt tăng khi ăn, hoạt động thể lực, thay đổi tâm lý, trong chu kỳ kinh.

Sốt thường là triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh không nhiễm trùng như các bệnh ác tính hoặc do một số loại thuốc. Khi các tác nhân gây sốt tác động vào cơ thể, trung tâm điều nhiệt bị ảnh hưởng làm cơ thể tăng tạo nhiệt và giảm thải nhiệt do vậy cơ thể thiết lập nên một ngưỡng nhiệt độ mới cao hơn so với ngưỡng bình thường và vì thế thân nhiệt bình thường trở thành thấp.

Điều này khác với tình trạng tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt nghĩa là thân nhiệt đo được cao hơn mức bình thường và ngưỡng thân nhiệt vẫn bình thường, trường hợp này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với môi trường nóng quá lâu.

2. Như thế nào được gọi là trẻ bị sốt cao?

Tình trạng sốt thường chia thành nhiều mức để từ đó, với mỗi mức sẽ có phác đồ điều trị riêng, trong trường hợp thân nhiệt quá cao, sốt ở mức độ khẩn cấp cần đến bệnh viện để được theo dõi và tìm cách hạ sốt cho trẻ.

Dựa vào nhiệt độ đo được ở hậu môn khi bị sốt có thể chia sốt thành 4 mức độ.

- Sốt nhẹ: khi nhiệt độ đo được từ 38 đến 39 độ C.

- Sốt vừa: khi nhiệt độ đo được từ 39 đến 40 độ C.

- Sốt cao: khi nhiệt độ đo được từ 40 đến 41 độ C.

- Sốt kịch phát: khi nhiệt độ từ 41 độ C trở lên.

Nhiệt độ đo ở nách sẽ thấp hơn nhiệt độ đo ở hậu môn khoảng 0,5 độ C.

3. Các nguyên nhân khiến trẻ bị sốt

Tình trạng sốt ở trẻ nhỏ được xác định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do sốt nội sinh và ngoại sinh, do nhiễm trùng, viêm, miễn dịch, ung thư, chuyển hóa, thuốc…

Tuy nhiên có thể chia các nguyên nhân gây sốt ở trẻ em thành 2 nhóm như sau:

Các nguyên nhân gây trẻ sốt dưới 7 ngày:

- Nhiễm khuẩn hô hấp

- Các bệnh nhiễm trùng hay gặp: sốt xuất huyết, sởi

- Nhiễm trùng tiết niệu

- Nhiễm trùng huyết

- Viêm não màng não

- Sốt rét

Các nguyên nhân gây trẻ sốt từ 7 ngày trở lên:

- Sốt rét

- Thương hàn

- Nhiễm trùng tiết niệu

- Lao

- Bệnh hệ thống

- Áp xe sâu

- Viêm nội tâm mạc

Cách hạ sốt cho trẻ chính xác nhất do bác sĩ tư vấn

Quá trình chăm sóc cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên cho trẻ, kẹp nhiệt độ 1-4 giờ 1 lần. (Ảnh minh họa)

4. Cách hạ sốt cho trẻ

Nhiều bà mẹ khi thấy con bị sốt thường ngay lập tức mua kháng sinh về cho con uống mà không cần phải thông qua thăm khám, tuy nhiên, trên thực tế có những loại thuốc cấm tuyệt với những trẻ bị sốt xuất huyết mà cha mẹ không hề hay biết.

Theo PGS. TS Dũng, để giảm sốt cho trẻ có nhiều phương pháp khác nhau, để làm mát cơ thể bằng phương pháp vật lý. Có 2 cách: Làm mát trung tâm và làm mát bề mặt.

- Làm mát trung tâm

Tức là truyền dịch đã được làm lạnh hoặc truyền yếu tố lạnh vào tĩnh mạch cho người bệnh. Phương pháp này có ưu điểm là có thể hạ nhiệt rất nhanh nhưng nhược điểm là khá phức tạp do phải chuẩn bị dịch truyền (làm lạnh dịch truyền) và là thủ thuật xâm lấn do vậy phương pháp làm mát trung tâm chỉ áp dụng để giảm sốt cho những trường hợp sốt nguy kịch và đã áp dụng các phương pháp làm mát bề mặt và dùng thuốc nhưng thất bại.

- Làm mát bề mặt có 2 hình thức:

+ Làm mát bề mặt qua không khí: đặt người bệnh vào môi trường thoáng mát hoặc nằm trên giường mát, cởi bỏ bớt quần áo chỉ mặc quần áo mỏng, rộng, ngắn, trẻ nhỏ có thể không đóng bỉm.

+ Làm mát bề mặt bằng dịch (chườm ấm): dùng khăn thấm nước ấm (nhiệt độ của nước chườm tốt nhất là khoảng 30 – 33 độ C) lau người trẻ hoặc dùng khăn thấm nước ấm quấn quanh người trẻ.

Chuyên gia cũng lưu ý, không cần chườm ấm nếu nhiệt độ trung tâm cơ thể hạ dưới 38 độ C, cần thay khăn chườm thường xuyên 1-2 phút 1 lần.

Trong trường hợp trẻ đang bú mẹ hoàn toàn, người mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn, nếu không bú thì cần cho trẻ uống nhiều nước.

Nếu nhiệt độ đo ở hậu môn từ 39 độ C (hoặc đo ở  nách từ 38,5 độ C trở lên) và trong vòng 4 giờ gần đây trẻ chưa dùng thuốc hạ sốt. Có 2 loại thuốc hạ sốt cho trẻ được sử dụng phổ biến đối với trẻ em:

- Thuốc hạ sốt acetaminophen biệt được paracetamol dùng với liều lượng là 10mg-15mg/kg/1 liều, có thể lặp lại sau 4-6 giờ nếu sốt tăng cao trên 39 độ C.

Đây là thuốc hạ sốt đang được dùng phổ biến nhất hiện nay vì hiệu quả và an toàn cho trẻ, tuy nhiên nếu dùng liều cao có thể gây tổn thương gan trẻ. Thuốc có dạng viên nén, gói bột, viên đặt hậu môn, sirô, miếng dán trán.

- Thuốc hạ sốt ibuprophen có tác dụng hạ sốt nhưng hay gây tác dụng phụ làm tổn thương đường tiêu hóa nên không dùng cho người bệnh bị viêm, loét, chảy máu dạ dày ruột, sốt xuất huyết, trẻ bị hen, co thắt phế quản, mắc bệnh ưa chảy máu do vậy thuốc chỉ được dùng khi mà người bệnh có biểu hiện sốt cao và không có đáp ứng với thuốc hạ sốt acetaminophen, chỉ dùng cho trẻ từ 6 tháng trở lên và thuốc phải được uống sau khi đã ăn no.

Thuốc có dạng viên, đặt hậu môn, sirô uống và dạng dịch dùng để truyền tĩnh mạch.

Cách hạ sốt cho trẻ chính xác nhất do bác sĩ tư vấn

Trẻ bị sốt thường quấy khóc và bỏ bú. (Ảnh minh họa)

5. Lưu ý chăm sóc khi trẻ bị sốt

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, một số trường hợp cần cho dùng thuốc hạ sốt sớm hơn khi nhiệt độ chưa đến 39 độ C đó là:

- Trẻ mắc bệnh tim mạch và hô hấp để làm giảm nguy cơ suy tim cho trẻ.

- Trẻ có tiền sử sốt cao co giật để đề phòng co giật.

Trong quá trình chăm sóc, điều trị sốt, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên cho trẻ, theo dõi nhiệt độ 1-4 giờ 1 lần tùy thuộc vào tình trạng của trẻ. Thông thường phải theo dõi nhiệt độ 30 phút sau khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, khi nhiệt độ bắt đầu giảm theo dõi 1 giờ 1 lần đến khi nhiệt độ giảm xuống dưới 38 độ C.

6. Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt

- Đắp quá nhiều chăn và quấn nhiều tã, quần áo cho trẻ trước khi tiến hành đo nhiệt độ.

- Để trẻ một mình khi đo nhiệt độ.

- Dùng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ của bé dưới 38 độ C.

- Phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho bé.

- Ủ ấm bé, sẽ càng làm tăng nhiệt độ.

- Lau người cho bé bằng nước đá lạnh, cồn, giấm.

- Vắt chanh, đổ thuốc vào miệng bé khi đang co giật, sẽ rất dễ gây ngạt thở.

- Tự truyền dịch cho bé mà không có chỉ định của bác sỹ.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm