“Con tôi bị chẩn đoán mắc ADHD từ năm 3 tuổi. Hai năm nay, gia đình đã bôn ba nhiều nơi để chữa bệnh cho con nhưng chưa khỏi" là lời tâm sự của chị Mai (Hà Nội) trong khi chờ con trai tan học. Phía trong sân trường, Long liên tục nhấp nhổm muốn rời hàng, trong khi cô giáo yêu cầu cả lớp tập trung thành 3 hàng dọc. Nhìn theo bóng con trai đang chạy vòng quanh sân trường, chị Mai than thở: “Thằng bé đứng yên được 5 phút là quá giỏi, cu cậu cứ phải chạy nhảy suốt như vậy đấy”.
Từ khi Long được một tuổi, chị Mai bắt đầu nhận ra con mình có gì đó không ổn. Cậu bé thường tỏ ra nóng nảy, bồn chồn, hiếu động quá mức như liên tục leo trèo, đập phá đồ chơi hay tức giận. Lo cho con, chị Mai bắt đầu tìm hiểu các tài liệu về triệu chứng lạ. Tuy nhiên, ông xã lại cho rằng do Long là con đầu, được nuông chiều nên sinh khó bảo. Chỉ đến khi vỡ chồng cãi nhau nảy lửa vì tình trạng ngày càng tệ của con trai, vợ chồng chị mới đưa con đi khám.
Gõ cửa nhiều phòng khám nhưng không có kết quả, cuối cùng, chị quyết định đưa con sang Singapore. Tại đây, các bác sĩ kết luận Long mắc chứng ADHD (Rối loạn tăng động, giảm chú ý). Cứ vài tháng, vợ chồng chị lại thay nhau nghỉ làm, bồng bế con sang Singapore để tái khám và điều trị. Kinh tế vì vậy cũng kiệt quệ theo. Mỗi khi nhắc lại những tháng ngày đi chữa bệnh, hai mẹ con ôm nhau khóc ở bệnh viện, chị Mai lại thở dài.
Một số trẻ mắc chứng ADHD (hội chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý) nhưng cha mẹ không để ý. |
Trẻ không quậy phá nhưng luôn tỏ ra bần thần, lơ đãng là trường hợp con gái của chị Thu (quận 7, TP HCM). Bé Chi thường quên ngay điều vừa được dặn dò hoặc liên tục mắc lỗi, tỏ ra khó chịu và sợ hãi khi được yêu cầu làm những việc cần sự tập trung (học thuộc lòng, tính toán...).
Với sự nhạy cảm của người mẹ, chị Thu sớm đưa con đi khám. 4 năm kể từ khi biết con mắc chứng ADHD, hai mẹ con không ngừng chiến đấu với chứng rối loạn này. Cách đây một năm, thấy con ngoan ngoãn và học khá hơn, chị Thu cho con dừng thuốc nhưng các triệu chứng rối loạn nhanh chóng xuất hiện trở lại chỉ sau một tháng. Năm nay, Chi vào học lớp 5 nhưng hội chứng adhd có thể khiến cô bé không đủ sức theo kịp bạn bè.
Chăm con trong giai đoạn bắt đầu đi học mới thực sự vất vả, do trẻ ADHD học kém hơn các bạn. Anh Nam (quận 9, TP HCM) thường xót xa khi thấy con không thể tiếp thu bài giảng do thiếu tập trung, bị bạn bè bắt nạt, cô giáo la rầy. Sợ đi học, cậu bé thậm chí còn trốn rất lâu trong nhà vệ sinh.
Hiệu quả điều trị của trẻ mắc ADHD phụ thuộc phần lớn vào sự kiên trì của gia đình. |
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Chủ tịch Hội Tâm Thần TP HCM, nuôi dưỡng một đứa trẻ không dễ dàng, nuôi dưỡng và chữa trị cho trẻ mắc ADHD càng vất vả gấp nhiều lần. Trẻ thường xuyên có những hành vi hiếu động thái quá như bồn chồn, chạy nhảy leo trèo, không thể ngồi yên, nói quá nhiều, không kiên nhẫn, quấy nhiễu người khác, không thể chú ý, không theo hướng dẫn, xao lãng, hay quên... Các hành vi này có thể khiến cha mẹ cảm thấy bất trị, nhưng việc thay đổi là rất khó khăn, bởi phụ huynh không thể thuyết phục trẻ tự thay đổi hành vi của chúng. Điều trẻ ADHD cần nhất là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn vô điều kiện của gia đình, để kiềm chế được các hành vi tăng động và hướng tới hành vi đúng đắn.
Tại các nước phát triển, trẻ ADHD được phát hiện từ sớm và điều trị theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều phụ huynh lại chủ quan bỏ qua do thiếu kiến thức hoặc đánh đồng với thói hiếu động, ham chơi. Nếu không được chữa trị đúng mức, trẻ mắc ADHD có thể tự ti, tự đánh giá thấp bản thân, trầm cảm, suy sụp tinh thần, cảm thấy cô đơn, rối loạn hành vi, chống đối ở tuổi thanh thiếu niên và bị rối loạn về sinh hoạt lẫn tình cảm khi lớn lên.
Bác sĩ Tất Thắng lưu ý, hội chứng tăng động, giảm chú ý ADHD không phải là rối loạn về tâm lý. Vì vậy, việc chẩn đoán và chữa trị bằng tâm lý giáo dục đơn thuần không hiệu quả. Việc điều trị cần kết hợp đồng thời giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Một trong những khó khăn lớn khi điều trị ADHD là không có phương pháp điều trị duy nhất cho mọi trẻ. Phác đồ điều trị riêng biệt với tình trạng bệnh của từng trẻ và cần theo dõi sát sao, điều chỉnh liên tục.
Ngoài ra, không có thời gian cố định cho việc điều trị ADHD. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn phải chung sống với chứng rối loạn này ngay cả khi đã trưởng thành. Bác sĩ Thắng khuyên rằng, cha mẹ cần thực sự kiên nhẫn, thấu hiểu, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với trẻ. Đôi khi, những hành vi tăng động liên tục của trẻ hay sự tiến triển chậm trong quá trình điều trị có thể khiến cha mẹ mệt mỏi. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của trẻ mắc ADHD phụ thuộc phần lớn vào sự kiên trì của gia đình.
An San
Địa chỉ thăm khám trẻ ADHD: - Hà Nội: Viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. - TP HCM: Bệnh viện Tâm thần TP HCM, Khoa khám Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. - Miền Trung: Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa. Chương trình này được tài trợ bởi công ty Janssen-Cilag. |
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet