Nhìn con gái yêu mới còn tuổi ăn, tuổi chơi mà đã phải buồn lòng với những nỗi buồn cuộc đời mẹ từng trải qua suốt thời đi học, đêm nào nước mắt mẹ cũng lăn dài.
Mẹ là con gái nhà quê, từ bé đã không có được một ngoại hình bắt mắt ưa nhìn. Mẹ ghét cay ghét đắng làn da đen nhẻm, đôi mắt một mí, cái trán dô bướng bỉnh điểm thêm đôi môi dày. Mẹ xấu, tuy không đến mức ma chê quỷ hờn nhưng nó đủ để mỗi khi đến lớp, bọn con trai lại hùa vào trêu chọc, coi mẹ là “hình mẫu” cho mọi sự “xấu lạ” trên đời.
Có lẽ cũng vì quá xấu, chẳng có ai yêu nên trong khi những cô bạn cùng lớp dập dìu đi chơi, hẹn hò mỗi tối cuối tuần, mẹ lại có thêm thời gian để học tập và trau dồi kiến thức. Chính sự hiểu biết và những giờ miệt mài trên giảng đường ấy “tặng” thêm cho mẹ một cặp kính cận dày trên mắt. Vậy nhưng tuyệt diệu thay, nó cũng “tặng” cho mẹ một tấm chồng – chính là bố con, người bạn đại học “thiếu gia phố cổ” mẹ vô tình gặp trong thư viện. Bố mẹ yêu nhau bất chấp sự phản đổi của ông bà nội, bất chấp tiếng cười “ý nhị” của bạn bè, bất chấp ánh mắt đắc thắng của những cô bạn gái cũ của bố.
Bố mẹ nên duyên vợ chồng, rồi hạnh phúc nhân lên gấp bội khi mẹ mang thai con – Tuyết Nhi đáng yêu của mẹ. 9 tháng 10 ngày ấp ủ niềm mong mỏi được gặp con yêu, mẹ như quên đi sự xấu xí của bản thân, chỉ biết ăn đủ mọi chất để dành cho con những dinh dưỡng tốt nhất, cầu cho con được xinh xắn đáng yêu, thừa hưởng mọi nét đẹp của nhà nội. Mẹ uống không biết bao nhiêu nước dừa, nước mía, đu đủ, trứng gà, đậu nành những mong con có nước da trắng bóc.
Ấy thế mà, con mới chào đời, ngây thơ chẳng biết gì, mẹ đã khiến con phải thiệt thòi. Ông bà nội thất vọng khi thấy con, mọi người thất vọng khi thấy con, nhưng sao cả mẹ cũng không vui khi lần đầu nhìn con. Bao nhiêu nét xấu của mẹ, từ đôi chân ngắn, làn da đen, mắt một mí…tất cả đều tái hiện trên gương mặt con. Sao con gái ngốc nghếch của mẹ lại nhặt hết mọi nét xấu mà lấy như vậy?
Mẹ uống không biết bao nhiêu nước dừa, nước mía, đu đủ, trứng gà, đậu nành những mong con có nước da trắng bóc. (ảnh minh họa)
Tuyết Nhi lớn lên như thế, với vẻ ngoài của một cô bé “xấu xí”. Ngày bé mẹ đưa con đi chơi, chẳng mấy ai muốn cưng nựng ôm ấp con. Lớn một chút, mỗi khi gặp con, mọi người chỉ “dám” khen “con gái giống mẹ nhỉ” vì chẳng ai thấy được nét gì đẹp trên gương mặt con để khen "kháu", khen xinh. Vào mẫu giáo, dù mẹ đã cố cho con mặc váy hồng váy xanh, thắt nơ bướm cài hoa xinh trên tóc, con vẫn lọt thỏm trong đội văn nghệ biểu diễn của lớp. Lên tiểu học, Tuyết Nhi của mẹ đã biết buồn, biết tủi khi những bạn nam trong lớp chỉ vây quanh những cô bạn xinh xắn.
Đôi khi chơi đùa với con, bà nội lại buột miệng “Đặt tên là Tuyết Nhi làm gì để da nó đen xì như cá mực thế này”. Mỗi khi như vậy, lòng mẹ tê tái.
Trong mắt mẹ, Tuyết Nhi của mẹ vẫn là cô bé đáng yêu nhất, dễ thương nhất. Vậy nhưng liệu người đời có nghĩ như vậy với con? Là con gái xấu thì chẳng được quyền đòi hỏi. Nếu đi dọc đường có trật xích xe thì tự mà xoay lấy. Nếu đi ăn mà quên mang tiền thì ngồi mà đợi bạn mang đến thôi. Nếu công việc được giao thì tự mà làm chứ đừng hòng nhờ vả. Muốn được thành công thì phải nỗ lực gấp nhiều người khác.
Sinh con ra mà chẳng mang lại được cho con vẻ ngoài xinh xắn đáng yêu, mẹ thật chẳng xứng đáng làm mẹ.
Theo tâm sự của một độc giả xin được giấu tên
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet