Trong 3 tháng đầu năm 2017, khoa phẫu thuật ung thư thuộc Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp trẻ em nhập viện với tình trạng bụng phình to do khối u ở bên trong.
Cha mẹ nghĩ bụng con phình to là dấu hiệu con phát triển tốt
Bé Susu (tên gọi ở nhà) sinh tại Ôn Châu vào tháng 1 năm nay, là con thứ hai trong gia đình. Susu chào đời chưa được bao lâu, bố mẹ va người bà đã phát hiện bụng của em bỗng nhiên lớn hơn so với bình thường.
Tuy nhiên, vì đứa bé không hay quấy khóc, việc ăn ngủ đều ổn nên gia đình không mấy lưu tâm. Họ nghĩ rằng bụng to là dấu hiệu cho thấy con mình phát triển tốt.
Hơn một tháng sau, bố mẹ đưa Susu đi tiêm phòng. Lúc đó, khi nhìn thấy phần bụng to bất thường của đứa trẻ, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bé đi bệnh viện kiểm tra nhưng người nhà vẫn không để tâm đến.
Bé 3 tháng tuổi có phần bụng phình to bất thường.
Cho tới khi Susu được 3 tháng, thấy con có triệu chứng sốt cao và thường xuyên nôn mửa, cha mẹ mới hoảng hốt đưa bé tới bệnh viện. Kết quả kiểm tra và chụp CT cho thấy, trong bụng Susu có một khối u nguyên bào. Ngay lập tức bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đại học Criết Giang.
Tại thời điểm đến bệnh viện Nhi, bụng của Susu đã phình to như quả bóng chuyền, rốn bị lồi lên, các mạch máu trên bụng đều nhìn thấy rõ. Các bác sĩ đã quyết định tiến hành hóa trị cho Susu. Sau khi đợt hóa trị đầu tiên kết thúc, bụng của đứa bé đã xẹp xuống rất nhiều.
Theo các bác sĩ, mặc dù Susu được đưa đến bệnh viện chậm trễ nhưng vẫn có cơ hội để điều trị. Trong khi đó, một em bé 2 tháng tuổi người Quý Châu cũng rơi vào tình trạng tương tự như Susu nhưng em lại không được may mắn như vậy. Vì bố mẹ bỏ bê không quan tâm, bé đã qua đời bởi khối u ở phần bụng đã đè lên gan của em.
Cha mẹ cần lưu tâm khi thấy bụng con phình to bất thường
Theo bác sĩ nhi khoa, sự xuất hiện của các khối u bên trong là nguyên nhân chính khiến phần bụng của các em bé phình to bất thường. Nếu không được phát hiện kịp thời, khối u đó sẽ phát triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Hầu hết những khối u ở trẻ em đều là loại u lành tính và tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao hơn nhiều so với người trưởng thành. Ví dụ với u nguyên bào trong gan, trong trường hợp khối u không di căn, tỉ lệ chữa khỏi bệnh cho trẻ có thể lên tới hơn 95%.
Cha mẹ cần đưa trẻ, đặc biệt các bé dưới 3 tuổi đi kiểm tra sức khỏe và tiến hành siêu âm phần bụng để sớm phát hiện ra vấn đề không ổn. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, các bé dưới 3 tuổi là đối tượng có nguy cơ xuất hiện khối u tương đối cao. Số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi Đại học Criết Giang cho thấy trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có khối u chiếm đến 60%.
Hầu hết những khối u của trẻ đều tồn tại từ thời kỳ phôi thai. Vì thế, các bác sĩ khuyên phụ nữ có thai cần đi khám định kỳ đầy đủ trước khi sinh. Đồng thời, cha mẹ cần đưa trẻ, đặc biệt các bé dưới 3 tuổi đi kiểm tra sức khỏe và tiến hành siêu âm phần bụng để sớm phát hiện ra vấn đề không ổn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet