Ẩm thực phong phú, đa dạng và hấp dẫn luôn là niềm tự hào của Hà Nội. Bất cứ ở con ngõ, hay vỉa hè, góc phố nào cũng có sự hiện từ một đến vài quán, thậm chí là cả dãy hàng ăn với nhiều món ngon sẵn sàng phục vụ thực khách. Chẳng thế mà không chỉ người dân sống ở đây, du khách nước ngoài khi tới Hà Nội đều nhờ bạn bè dẫn đi thưởng thức những món ăn nổi tiếng.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, liên tục xuất hiện những quán bún mắng cháo chửi khiến nhiều thực khách phải phàn nàn làm nét đẹp của ẩm thực Hà Nội giảm đi mấy phần. Cách đây 1 năm, quán bún chửi ở Ngô Sỹ Liên đã từng lên kênh truyền hình CNN của Mỹ trong chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam. Nhưng đáng tiếc thay, trong đoạn video chỉ chưa đầy 2 phút, có cả phụ đề Tiếng Anh là cảnh bà chủ mắng đuổi khách xơi xơi. "Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Mà tốt nhất là về nhà tự nấu lấy mà ăn nhé. Ở đây không làm". Niềm tự hào đâu chưa thấy, chỉ thấy ngao ngán và thở dài.
Quán bún chửi ở Ngô Sỹ Liên lên kênh truyền hình CNN của Mỹ
Thế rồi, chỉ cách đây 2 ngày, quán bún ngan Nhàn nổi tiếng - khách đông tới nỗi phải xếp hàng 15-20 phút mới đến lượt ăn - lại bị tố nói mắng khách "Bà nói ít thôi. Cháu nói cho bà biết nhé, nhà cháu không có bún 30.000 nhé. Nói để cho bà biết để lần sau bà đừng có vào hàng cháu, cháu không cần bán cho bà”.
Bà chủ quán bún ngan Nhàn bị tố mắng khách là người già (Ảnh: Internet)
Sự việc khiến những thực khách từng thưởng thức ở đây và dân mạng được một phen tranh cãi nảy lửa, người bênh, kẻ đòi tẩy chay xôn xao suốt mấy ngày.
Chỉ cần ngon là được, mắng chút cũng không sao?
Có lẽ, vì bún ngan Nhàn tồn tại hơn 10 năm, lại tạo được thương hiệu nhờ món bún ngon hấp dẫn của bà chủ, nhiều thực khách từng ăn nhiều năm ở đây đã lên tiếng bênh vực . Họ cho rằng bà chủ quán cũng chỉ là một người phụ nữ lao động vất vả, chân chất mà thôi. “Kiếm đồng tiền bằng ngón nghề tay chân, chẳng xin ai, cũng chẳng cố thêm vài đồng lãi lẻ”. Rồi là "bà ấy chả biết thảo mai, chả kịp ngửa mặt lên chào ai bao giờ”…
Thực khách lâu năm bênh bà chủ quán bún ngan. Anh bày tỏ quan điểm, ai không thích thì đi, còn để những người yêu thích tha hồ hưởng thụ
Nên có chút mắng đó không là vấn đề gì, quan trọng ngon là được. Có lẽ vì cách suy nghĩ ấy nên không chỉ bún ngan Nhàn, nhiều hàng bún mắng cháo chửi khác dù nói phũ, mắng khách xơi xơi nhưng vẫn đông người đến ăn.
Có lẽ vì cách suy nghĩ ấy nên không chỉ bún ngan Nhàn, nhiều hàng bún mắng cháo chửi khác dù nói phũ, mắng khách xơi xơi nhưng vẫn đông người đến ăn.
Nhưng cũng có rất nhiều người không đồng tình quan điểm ấy. Phần lớn họ cho rằng không thể cổ xúy cho cách phục vụ không tôn trọng khách hàng như thế.
Rất nhiều người không đồng tình quan điểm bênh chủ quán mắng khách. Khách hàng cần phải được tôn trọng, dù quán có ngon đến đâu
Sự dễ dãi khiến bún mắng cháo chửi ngày càng nổi tiếng
Từ xưa đến nay, vốn là người bán hàng, phần lớn họ sẽ tâm tâm niệm niệm làm sao để giữ được càng nhiều khách càng tốt. Phương châm sống của người bán sẽ là "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Chính vì thế, bán hàng luôn đòi hỏi phải có nghệ thuật.
Có lẽ, chúng ta vẫn chưa quên vị giám đốc người Nhật bán xăng tại Việt Nam mới đây đã ra đứng cúi chào tất cả những ai đến mua xăng ở cây ông quản lý. Nói không ngoa, chỉ trong phút chốc hình ảnh, cử chỉ này của ông đã tràn trên tất cả các trang báo và mạng xã hội. Nếu như ở Nhật, đây là hình ảnh quá đỗi bình thường thì ở Việt Nam lại cần được tôn vinh và khuyến khích.
Không ngẫu nhiên người Nhật bán hàng như vậy. Bởi đơn giản họ không chỉ hiểu cái khách hàng cần mà họ còn nắm bắt được tâm lý người mua rất muốn đó là sự tôn trọng.
Bao người bán hàng đã học thuộc lòng câu nói "Khách hàng là thượng đế" thế nhưng trong bấy nhiêu người đó, mấy ai đã biết cách đưa khách hàng lên vị trí cao nhất? Bởi vậy mới có những câu chuyện khách hàng uất ức kể tội quán nọ, quán kia mắng khách...
Vậy mà ngược đời thay, càng chửi càng đông, càng mắng mà khách vẫn ra vào nườm nượp. Không phải vì họ có sở thích muốn bị ngược đãi hay tò mò muốn đến quán, thử cảm giác vừa ăn vừa nghe chửi xem như thế nào. Mà đơn giản, câu trả lời cho tất cả là món ở đó... quá ngon, bỏ qua thì tiếc!
Nhiều người "thoáng tính", nếu lỡ có bị chửi cũng chỉ tặc lưỡi, thôi thì nhịn tí nhưng lại được thứ bỏ vào miệng ngon là được. Vì thế, nhiều quán dù mắng khách sấp cả mặt nhưng vẫn đông thì người bán ngại gì mà không tiếp tục chửi. Tâm lý "tôi bán đồ ngon thì tôi có quyền" chắc hẳn vì vậy vẫn cứ tiếp diễn. Quen rồi thì kệ, ai ăn cứ ăn, ai chửi cứ chửi, và đoàn người vẫn cứ kéo đến.
Nói thì vậy, nhưng thực tế ai cũng thích được ăn ngon, cũng thích được người bán hàng xởi lởi, chào đón, hoặc ít nhất cũng muốn được tôn trọng. Chẳng ai thích vừa ăn, vừa nghe những tiếng không hay bên cạnh mình, cảm giác ăn cũng mất ngon theo.
Xã hội ngày càng phát triển và cách thẩm định của khách hàng cũng ngày càng được nâng cao. Họ cũng sẽ tìm cho mình những địa chỉ ẩm thực tin cậy, ăn vừa ngon lại vừa nhận được sự thoải mái, tôn trọng. Ăn uống cũng là thư giãn, nghỉ ngơi về mặt tinh thần.
Vì thế, với cách bán hàng "Vắng cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui" - có hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc đời người bán - rồi mắng chửi khách sẽ dần dần bị tẩy chay, không còn chỗ đứng. Nhất là khi không còn thực khách nào "dễ dãi", tặc lưỡi cho qua với những kiểu phục vụ như thế này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet