Bún cua là món ăn vốn xuất thân từ đất Bình Định, sau đó "di cư" cùng người dân Bình Định đến Pleiku và trở thành món ăn được nhiều người ưa thích. Món ăn trở nên rất đặc trưng và trở thành nét độc đáo khó quên trong lòng thực khách khi đến Pleiku. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch đến đây muốn tò mò thưởng thức phải bịt mũi vì mùi nặng.
Chỉ cần đến gần quán ăn, bạn sẽ ngửi thấy mùi thum thủm bởi cua đồng sau khi được mua về rửa sạch, giã lấy nước thì người chế biến sẽ ủ một đêm cho cua lên mùi rồi mới mang đi nấu. Món ăn này cũng có thêm một số thành phần như ngoài nước cua, để ngọt nước, đầu bếp còn cho thêm măng luộc hay cả trứng vịt luộc, thêm chút tóp mỡ hành phi, da heo khô, bánh phồng tôm ăn cùng.
Bún cua thối là món ăn nổi tiếng ở Pleiku bởi hương vị đặc biệt. Ảnh: Ngoisao
Bát bún được dọn ra cũng không bắt mắt thực khách bởi màu đen của nước dùng. Đây cũng là món ăn rất kén người ăn vì không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của nước cua lên men. Nhưng nếu bỏ qua được cảm giác ban đầu thì thưởng thức bún cua thối lại có vị ngon riêng, khác biệt.
Bạn sẽ cảm nhận vị mằn mặn, cay cay, là lạ, khi ăn xong mùi cua vẫn còn lưu lại trong khoang miệng. Bỗng dưng món ăn khiến khách cứ thế mà thưởng thức, gắp bún liên hồi để tận hưởng vị nước cua lẫn trong đũa bún thanh mát.
Nước cua được ủ lên mùi rồi mới đem nấu thành nước dùng bún. Ảnh: Ngoisao
Ở Pleiku, có nhiều hàng bán bún cua, nhưng có tiếng nhất phải kể đến quán bún trên đường Phùng Hưng. Dù chỉ là một quán nhỏ nhưng nhờ mùi vị đặc trưng nên rất dễ nhận ra. Quán đến nay đã bán hơn 20 năm và trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân phố núi.
Nếu đến Gia Lai, bạn đừng quên thưởng thức tô bún này giữa tiết trời khuya se lạnh của phố núi, tận hưởng món ăn như một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cao nguyên.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet