Nội dung
Hà Nội có rất nhiều món được chế biến để ăn cùng bún: bún nem, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, bún mọc, bún sườn… Nhưng món bún nổi tiếng nhất của Hà Nội là bún chả. Món ăn này đã làm mê hoặc biết bao thực khách, người ăn thì cứ truyền nhau mãi về bún chả như là một bảo vật của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Bún chả hà nội - ẩm thực 3 miềnBún chả là món ăn hiền, người khó tính đến mấy cũng có thể ăn và thích nó. Có hai loại chả là chả miếng và chả băm. Chả miếng làm từ thịt ba chỉ thái mỏng con chì, chả băm làm từ thịt nạc vai được băm nhỏ ướp cùng những gia vị như: hành, tỏi, đường rồi viên thành viên nhỏ, tròn và hơi dẹt kẹp lại và đưa lên nướng trên những viên than hoa, những miếng thịt xèo mỡ cho đến khi bên ngoài mặt se lại là bên trong vừa chín. Nhà văn Vũ Bằng viết về cái hương vị ấy thật cảm động: “Ngồi trong nhà giữa phố, ta có thể ngửi thấy mùi thơm những gắp chả của hàng bún đỗ ở cuối phố nó bay đến nịnh nọt và khiêu khích những vị dịch tuyến của ta. Mùi thơm quái ác ấy, mùi thơm huyền ảo, nó làm ta nhớ đến nhiều kỷ niệm thiếu thời, lúc ta hãy còn ở trong những căn nhà cổ tối tăm như hũ, trưa trưa thì mẹ lại gọi hàng bún chả quen thuộc ở hàng Bông Nệm hay ở đầu ngõ Tô Tịch lại để cho con mỗi đứa một mẹt hai xu”. Ngay từ thuở thiếu thời những người Hà Nội đã được thưởng thức bún chả như một món ăn quen thuộc và gần gũi, nó được duy trì lâu dài trong đời sống ẩm thực của người dân.

Bún dùng để ăn cùng với chả thường là loại sợi nhỏ, dẻo. Trước đây thường là những lá bún nhỏ nhưng nay là bún rối. Người ta không ăn bún cuộn thành từng con với chả, vì nó không thấm và giao hoà cùng nước chấm bằng bún rối. Nước chấm của món bún chả pha bằng nước mắm ngon cho thêm chút dấm, đường và ớt tươi. Tất cả tạo nên một sự hòa điệu trong vị riêng của nước chấm bún chả. Nước chấm ấy được chế biến một cách tài tình, đặc biệt. Nước mắm không quá mặn, giấm pha vừa tầm. Người ta còn cho thêm dưa góp làm từ đu đủ và cà rốt vào, dưa góp làm cho bún chả không bị ngấy và tạo nên cảm giác bùi bùi dễ chịu. Bún chả ăn kèm với rau sống gồm tía tô, giá sống, xà lách, mùi, rau muống chẻ… ngoài ra người ta còn cho thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi và tạo cảm giác ấm cúng. Mỗi khi ngửi thấy mùi thơm của bún chả ta lại không khỏi thấy thèm, nhất là những lúc đói thì chỉ muốn tạt ngay vào quán làm một suất cho hả dạ.

Khi ăn bún chả thực khách chỉ việc thả kẹp chả còn đang nóng hổi vào bát nước chấm rồi ăn cùng với bún và rau sống. Bún chả có thể ăn cùng với một số loại nem rán như nem thịt hoặc nem cua bể. Nhà văn Thạch Lam viết về bún chả thế này:“Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng ở kinh đô. Ai cũng phải công nhận như thế, hay ít ra những người sành thưởng thức. Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi mùi khói chả:

Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?”

Đến nay bún chả vẫn là một món ăn được nhiều người Việt Nam yêu thích, bởi trong món ăn này chứa đựng những đặc tính phù hợp với khẩu vị của người ăn. Khách nước ngoài khi đến Hà Nội rất thú vị với món bún chả. Trong quá trình tồn tại, bún chả hầu như không có biến đổi là mấy, người ta vẫn thường làm theo cách truyền thống đơn giản, vô cùng khéo léo và tinh tế.

Bún chả được ăn nhiều vào mùa hè, những trưa hè nóng bức và mệt mỏi ăn bát bún chả thấy lòng mình vui trở lại. Người Hà Nội thường ăn bún chả vào các buổi trưa, nhất là đối với phụ nữ, họ say mê bún chả, xem nó là một phần không thể thiếu trong những món ăn của mình. Đối với cánh mày râu, bún chả khi ăn thường gọi thêm vài chiếc nem rán và chai bia, họ vừa uống bia vừa ăn bún chả như một bữa ăn chính trong ngày.

Vị ngon và thơm của bún chả sẽ còn được lưu truyền lâu dài, bởi từ thế hệ này đến thế hệ khác, mọi tầng lớp, lứa tuổi luôn coi đó là một món ăn vừa bình dân, lại hấp dẫn.

Về cơ bản bún chả Hà Nội vẫn giữ nguyên hương vị và hình thức như xưa. Người ta thưởng thức nó như một đặc sản bởi bún chả hội tụ rất nhiều những nguyên liệu gần gũi đối với đời sống con người vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó đến nay các loại thực phẩm của các vùng miền khác cũng được đưa vào ăn cùng bún chả như nem cua, nem tôm những sản vật của vùng sông nước biển hồ.

Bún chả có ở nhiều nơi trong Hà Nội, không một nẻo đường đông đúc nào lại không có nó, đặc biệt trong các chợ lớn. Bún chả là thứ quà dễ ăn, tiền phải trả không nhiều (chỉ hơn mười nghìn đồng). Những hàng bún chả ngon ở Hà Nội, được nhiều người nhắc tới hiện nay phải kể đến bún chả Đắc Kim - Hàng Mành, Sinh Từ 80 Nguyễn Khuyến, 57 Tô Hiến Thành, bún chả bà Hiền - Lãn Ông.​
Nguyễn Huy Bỉnh. Theo Long Chef

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm