Nơi núi rừng sâu thẳm của huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) gần đây xuất hiện những cái tên lạ đời được những người làm cha, làm mẹ đặt cho những đứa con khi chúng vừa mới chào đời. Tên lạ đến nỗi bất cứ ai nghe qua cũng thấy thật quá khôi hài, phải giật thót mình với những cái tên “hổng giống ai”…
Tên con là thương hiệu điện thoại
Nhiều lần chúng tôi đến huyện Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi vẫn nghe râm ran chuyện về những đứa trẻ có tên lạ lạ kiểu “nửa tây nửa ta” nhưng chỉ nghĩ đó là tên thường gọi trong gia đình theo kiểu ông bà xưa bảo: “gọi thế cho dễ nuôi”. Tò mò tìm hiểu, chúng tôi muốn “té ngửa” bởi có không ít trẻ nơi đây trên trong khai sinh được cha mẹ đặt cho những cái tên rất “kêu” gắn với những thương hiệu điện thoại nổi tiếng trên thế giới, hay tên của những diễn viên xứ Hàn xa lắc.
Anh Thanh, một người đồng bào dân tộc thiểu số Cadong chính gốc mà chúng tôi tình cờ tiếp chuyện, quả quyết: “Chuyện đó có thật 100%. Tên lạ lắm. Không phải tên Thanh, tên Dũng, tên Trinh, tên Trang như lúc trước cha mẹ đặt cho chúng tôi. Bọn nhỏ bây giờ ở xã Sơn Mùa được cha mẹ chúng đặt những cái tên chẳng giống ai. Không tin các anh đến trường Tiểu học Sơn Mùa sẽ biết được thực hư”.
Vài cái cái tên lạ trong danh sách của trường Tiểu học Sơn Mùa
Vậy là chúng tôi tìm đến trường Tiểu học Sơn Mùa, xã Sơn Mùa đúng vào lúc thầy trò của ngôi trường này đang lên lớp. Lần đến ngôi trường này, chúng tôi chỉ có một mục đích là… những cái tên lạ xem có phải đó là lời đồn thổi. Thầy Lê Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Mùa đón chúng tôi ngay dưới sân trường.
Chúng tôi hỏi ngay: “Ở đây có học sinh nào được đặt tên theo hãng điện thoại, tên diễn viên Hàn Quốc như người ta bàn tán không thầy?”. Thầy Hân cười cười rồi bảo: “Có đấy”!. Vậy là đúng với những gì người ta “đàm tiếu” về những cái tên khai sinh lạ hoắc ở xã vùng cao Sơn Mùa. Khi được đề nghị cho gặp vài em học sinh có cái tên lạ, thầy hiệu trưởng không ngần ngại liệt kê nhiều cái tên của học trò mình mà chúng tôi nghe qua, quả nhiên thấy là rất… lạ. Nói đoạn thầy Hân cử một cô giáo trẻ tên Hòa dẫn chúng tôi xuống gặp ngay những em học sinh có cái tên lạ.
Cô Hòa dẫn đến một lớp học rồi chỉ từ đằng xa nói với chúng tôi: “Em ngồi bàn thứ 2 ngoài cùng bên kia tên là Đinh Nôkia đó anh”. Để “chắc ăn” chúng tôi đề nghị cô Hòa cho xem tên ghi trong vở thì đúng em học sinh này có tên là Nôkia - tên giống một hãng điện thoại.
“Em thích cái tên này không?”. Nôkia cười nói: “Thích ạ!”. Ai đặt tên cho em?. “Mẹ đặt cho ạ”, Đinh Nôkia trả lời ngây thơ.
Em Đinh Nôkia trong giờ học trên lớp
Mẹ của em Đinh Nôkia là một phụ nữ còn khá trẻ. Chị tên Đinh Thị Xí. Tên Xí là cái tên thuộc gốc gác của đồng bào dân tộc Cadong hay lấy để đặt tên.
“Sao lại đặt tên con là Nôkia?”, tôi hỏi. Chị Xí tươi cười đáp: “Coi tivi có cái điện thoại Nôkia thích quá nên tôi đặt tên cho con luôn. Tôi còn có đứa con gái thứ hai có tên của diễn viên Hàn Quốc là Đinh Thị Pi Ti nữa”.
Ngoài cái tên Nôkia, đồng bào Cadong nơi đây còn đặt tên cho con mình theo những hãng điện thoại khác như Đinh Sam Sung, Đinh Motorola,….
Về những cái tên của học trò theo kiểu “hổng giống ai”, thầy Hân cho biết do gia đình các em đã đặt như vậy nên “dù nhà trường cũng đã khuyên cha, mẹ của những em học sinh có tên lạ này đổi lại tên cho con nhưng vẫn chưa đổi được”.
Anh Đinh Văn Trí cũng là người ở Sơn Mùa thì bảo, sở dĩ có nhiều cặp vợ chồng trong làng đặt tên con theo tên hãng điện thoại là bởi họ thích có được cái điện thoại nhưng vì nghèo, không có tiền mua nên lấy tên các hãng điện thoại đặt tên cho con như thể mình “đã có cái điện thoại”.
Ngập tràn tên trẻ theo tên diễn viên phim Hàn Quốc
Không chịu thua kém những người trong làng khi lấy tên các hãng điện thoại đặt tên con, nhiều cặp vợ chồng khác ở xã Sơn Mùa cũng “chơi trội” khi nghĩ ra chuyện đặt tên con theo tên diễn viên phim Hàn Quốc. Họ nói đặt như thế tên con mình mới không nhầm lẫn, không “đụng hàng”. Những cái tên lạ “lai tạo” tên Hàn Quốc được cha mẹ “gắn tên” cho trẻ. Nào là Kakywell, Yi Haing, Đinh Ơn Jun Sơ, Đinh Thị Zi Mi, Đinh Ka Ty,…
Cô giáo Hòa lại dẫn chúng tôi vào phòng học lớp 3B rồi nói: “Em Đinh Ơn Jun Sing - tên của diễn viên Hàn Quốc kìa anh”. Không biết tên “phiên bản” như thế có đúng là của tên diễn viên Hàn Quốc nào bên xứ sở Kim Chi hay không nhưng nghe cũng na ná thế! Đó là một nam học sinh người đồng bào Cadong khá khôi ngô.
Cái tên của Đinh Ơn Jun Sing (học sinh nam) được đặt do cha mẹ em mê phim Hàn Quốc
Chúng tôi đến và hỏi: “Em tên gì?”. Em tên Đinh Ơn Jun Sing”, cậu học trò bẽn lẽn trả lời. Cậu học sinh đọc nhanh cái tên dài dằng dặc, lạ hoắc của mình và lại nói giọng Cadong nên chúng tôi cũng không có cách nào ghi đúng tên em nên phải nhờ chính Sing viết ra giấy. Cái tên em viết đầy đủ vẫn là: Đinh Ơn Jun Sing! Chúng tôi lại hỏi: “Em có thích tên này không?”, Đinh Ơn Jun Sing chỉ đứng lặng thinh, khuôn mặt hơi buồn buồn. Cô Hòa bảo tên Đinh Ơn Jun Sing là cái tên của một diễn viên trong phim Hàn Quốc mà cha mẹ em đã đặt cho Sing.
Một già làng buồn bã kể: “Từ khi núi cao này có cái điện thoại về làng, có được sóng truyền hình, xem được phim Hàn Quốc là bà con trong làng thích cái bụng nhiều lắm lắm. Vì thế mà mới có chuyện những cái tên lạ xuất hiện. Già cũng buồn lắm, có ai đời cha mẹ gọi tên con trẻ mà cứ ngọng nghịu, đọc tên con mà muốn méo cả miệng thế này…”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet