1. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là căn bệnh khiến cho da và lòng trắng trong mắt của trẻ sơ sinh có màu vàng. Đó là một dấu hiệu cho thấy có quá nhiều bilirubin trong máu của trẻ.
Vàng da thường xuất hiện trong 5 ngày đầu tiên sau khi trẻ được ra đời. Nhiều trẻ sơ sinh đã rời bệnh viện trước khi có những dấu hiệu của bệnh vàng da. Vì vậy, các bác sĩ có thể sẽ kiểm tra lại cho bé khi bé được 3-5 ngày tuổi.
Bệnh vàng da thường xuất hiện trong 5 ngày đầu tiên trẻ ra đời. Ảnh minh họa
Hầu hết trẻ sơ sinh đều bị vàng da ở mức độ nhẹ. Sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất hẳn trong vòng một hoặc hai tuần mà không gây ra vấn đề gì. Nhưng vàng da cũng nên được theo dõi sát sao.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, nếu nồng độ bilirubin vẫn duy trì ở mức cao và không được điều trị, nó có thể gây ra tổn thương não (được gọi là kernicterus). Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến trẻ suốt đời.
2. Nguyên nhân gây bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh xảy ra vì cơ thể bé có quá nhiều bilirubin hơn mức mà cơ thể có thể đào thải.
Bilirubin là một chất màu vàng được tạo ra khi cơ thể phân hủy các tế bào hồng cầu cũ. Nó được thải qua khỏi cơ thể qua nước tiểu và phân. Khi người mẹ mang thai, cơ thể mẹ sẽ loại bỏ bilirubin từ bé qua nhau thai. Sau khi bé được sinh ra, cơ thể của bé tự thực hiện công việc đào thải này.
Trong hầu hết các trường hợp, biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý. Bệnh xảy ra do cơ thể non nớt của trẻ chưa đủ khả năng đào thải bilirubin thừa trong cơ thể. Biểu hiện vàng da thông thường xuất hiện vào khoảng 24 giờ sau sinh, trở nên rõ rệt hơn vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 rồi sẽ biến mất trong khoảng 1 tuần.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, vàng da ở trẻ có thể do một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng, vấn đề ở hệ tiêu hóa, hoặc vấn đề về nhóm máu của mẹ và bé (RH không tương thích). Bạn có thể nghi ngờ bé gặp một trong các vấn đề này nếu tình trạng vàng da xuất hiện sớm hơn 1 ngày sau sinh.
Một số trẻ sơ sinh có biểu hiện chậm chạp, không chịu bú, mẹ nên lưu ý đến nguy cơ mắc bệnh vàng da ở con. Ảnh minh họa
3. Biểu hiện của bệnh vàng da
Nếu trẻ sơ sinh bị vàng da, da và lòng trắng của mắt sẽ có màu vàng. Màu vàng xuất hiện đầu tiên trên mặt và ngực của bé, thường từ 1 đến 5 ngày sau sinh.
Trẻ có nồng độ bilirubin cao có thể có các biểu hiện sau:
- Tình trạng vàng da nghiêm trọng
- Phản ứng chậm chạp, không bú tốt
- Hay gắt gỏng, dễ bị kích thích
- Hay cong lưng
- Khóc ré lên thất thanh
Mức bilirubin quá cao có thể gây nguy hiểm. Hãy gọi bác sĩ ngay nếu con bạn có một trong các biểu hiện bên trên.
4. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh được chuẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cho bé cũng như hỏi bạn một vài câu về sức khỏe của bạn và của bé. Ví dụ bác sĩ sẽ hỏi xem mẹ và bé có nhóm máu khác nhau hay không?
Bác sĩ có thể sẽ đặt một thiết bị trên da của bé để kiểm tra nồng độ bilirubin hoặc xét nghiệm máu để xem bé có cần dùng biện pháp chữa trị hay không?
Ngoài ra nếu bác sĩ nghi ngờ rằng tình trạng vàng da ở bé là do một vấn đề sức khỏe nào đó gây ra, họ có thể tiến hành thêm một số kiểm tra khác nữa.
5. Bệnh vàng da được chữa trị như thế nào?
Trẻ sẽ phải được chữa trị nếu như nồng độ bilirubin ở trẻ cao hơn mức thông thường ở trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ được đặt dưới một loại ánh sáng huỳnh quang để điều trị bệnh vàng da. Phương pháp này được gọi là quang trị liệu.
Da hấp thụ ánh sáng, làm thay đổi bilirubin để cơ thể dễ dàng đào thải hơn. Việc điều trị thông thường được thực hiện tại bệnh viện. Nhưng đôi khi trẻ sơ sinh cũng có thể được điều trị tại nhà.
Phương pháp chiếu sáng huỳnh quang để điều trị bệnh vàng da cho trẻ. Ảnh minh họa
Đừng cố gắng tự điều trị vàng da cho trẻ bằng việc cho trẻ tắm nắng hoặc ở gần cửa sổ. Việc sử dụng ánh sáng chuyên dụng cũng như kiểm soát chặt chẽ môi trường xung quanh là rất cần thiết để điều trị vàng da cho trẻ một cách an toàn.
Nếu như bệnh vàng da là do một vấn đề sức khỏe gây ra, trẻ sẽ cần được can thiệp bởi một số biện pháp điều trị khác. Ví dụ nếu trẻ bị vàng da nghiêm trọng do RH không tương thích, trẻ có thể sẽ cần truyền máu.
6. Cha mẹ cần làm gì để giúp bé?
Khi trẻ bị vàng da, cha mẹ cần thực hiện sát sao các công việc sau:
- Nhìn sát vào da bé để kiểm tra khoảng 2 lần 1 ngày để chắc chắn rằng da đang dần trở về màu bình thường. Nếu như da trẻ quá sậm màu, hãy chú ý đến lòng trắng trong mắt bé.
- Cho bé làm các kiểm tra theo yêu cầu của bác sĩ
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu tình trạng vàng da nghiêm trọng hơn sau khi trẻ được 3 ngày tuổi
Điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giảm hiện tượng vàng da ở trẻ là cho trẻ bú đủ để giúp cơ thể đủ khả năng đào thải bilirubin.
Cho con bú đầy đủ là cách tốt nhất để làm giảm tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa
- Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ, trong 24 giờ nên cho con ăn khoảng 8 đến 12 lần
- Nếu bạn cho bé ăn bằng sữa công thức, hãy theo dõi sát sao để đảm bảo cho bé ăn đủ (trong 24 giờ nên ăn khoảng 6 đến 10 lần)
Nếu bạn không chắc chắn là bé đã được ăn đủ sữa chưa, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ, y tá hoặc chuyên gia để được tư vấn.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị được nếu như có sự can thiệp sớm từ phía gia đình và các bác sĩ. Vì thế, các mẹ không nên quá lo lắng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet