Một số trẻ được gia đình đưa đến khám trong tình trạng người nổi đầy các vết phỏng dạ. Đây hầu hết là những trường hợp được gia đình phát hiện hơi muộn khi các vết phỏng đã lan ra toàn thân.
Bệnh dễ lây
Tại phòng khám của Viện Da liễu Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thành – Trưởng khoa Khám bệnh vừa kê đơn thuốc vừa nhắc cậu bé mới lên 5 tuổi không được gãi nữa. Bởi lẽ khi gãi nốt phỏng vỡ ra, dịch dây ra khoảng da lành xung quanh sẽ khiến mọc thêm những nốt phỏng mới.
Bệnh nhân bị nổi nốt phỏng dạ toàn thân (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Thành cho biết bệnh thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây nhất, đặc biệt là ở giai đoạn đầu mới phát ban.
Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp. Khi tiếp xúc, những giọt nước bọt bắn trong không khí có chứa virus gây bệnh thủy đậu sẽ dễ dàng lây sang người lành, nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu ớt.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2-3 tuần. Thời kỳ lây truyền dài nhất là 5 ngày, thường từ 1-2 ngày trước khi phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp phỏng dạ đầu tiên.
Vì vậy, ở những nơi tập trung đông trẻ như các trường mẫu giáo, các trường tiểu học, nếu xuất hiện một vài ca bệnh thủy đậu sẽ rất dễ lây lan thành dịch.
Tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh nhưng lứa tuổi dễ nhiễm bệnh nhất là từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên hay gặp nhất vào mùa thu - đông.
Những biến chứng nguy hiểm
Nhiều phụ huynh khi con mắc bệnh đã điều trị không đúng cách, dẫn đến tình trạng bội nhiễm. Theo bác sĩ Phạm Thị Hương - chuyên khoa Da liễu (giảng viên trường ĐH Y Hà Nội): “Thủy đậu thường diễn biến nhẹ. Tuy nhiên nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nốt phỏng, nhiễm trùng huyết dẫn đến những tác hại ảnh hưởng đến hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, tử vong”.
Thống kê cho thấy, biến chứng phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da và phần mềm có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da. Bởi vậy, khi trẻ mắc bệnh, cần được cách ly với người lành, tốt nhất là cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang các trẻ khác.
Tất cả đồ dùng cá nhân của bệnh nhân đều được dùng riêng, nhất là bát, đũa, khăn mặt. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh, cần đưa đi khám bác sĩ, không được tự ý tắm cho trẻ bằng các loại lá theo chỉ dẫn truyền miệng dân gian để tránh tình trạng bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, virus gây bệnh thủy đậu cũng chính là tác nhân gây bệnh giời leo về sau. Bệnh giời leo gây nóng và đau nhức có thể kéo dài trong nhiều năm.
Bác sĩ Thành cho hay, tuỳ tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, trong đó thuốc đặc hiệu để diệt virus là không thể thiếu. Kết quả cho thấy, điều trị đặc hiệu có hiệu quả tốt, nhưng bệnh nhân cần được điều trị sớm trong vòng 24 giờ sau khi nổi các nốt phỏng.
Đặc biệt, thuốc acycclovir có tác dụng rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng và đau ở những người cao tuổi. Phần lớn, nếu ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ được chỉ định bôi dung dịch Xanhmethilen.
Phòng bệnh bằng vaccine
Khi mắc bệnh thủy đậu, bệnh nhân nhất thiết phải được cách ly từ 7- 10 ngày để tránh lây cho người xung quanh. Việc này làm gián đoạn các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ em và công việc của người lớn.
Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em và người lớn giúp tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, những biến chứng và nguy cơ tử vong cho mọi người.
Bên cạnh đó, tiêm phòng vaccine cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giảm được những chi phí điều trị bệnh. Một khảo sát ở Singapore cho thấy một chương trình tiêm chủng thuỷ đậu là 3,3 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 11,8 triệu USD phí tổn trực tiếp và gián tiếp do bệnh thủy đậu gây ra.
Trên thực tế, khoảng 80 -90% số người chưa tiêm phòng vaccine thủy đậu bị mắc bệnh. Hầu hết những người từng bị thủy đậu sẽ miễn dịch đối với căn bệnh này.
Tuy nhiên, đôi khi vẫn có hiện tượng tái nhiễm. Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới đây của bác sĩ Lee (Trường đại học Quốc gia Singapore) cho thấy có khoảng 15% người đã từng tiêm phòng vaccine vẫn bị mắc thủy đậu. Phần lớn trong số này là những trẻ em được tiêm phòng vaccine khi chưa đến 14 tháng tuổi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet