Khoảng giữa tháng 9, câu chuyện đầy xúc động về đôi vợ chồng trẻ gác lại tấm bằng thạc sỹ, mở quán chè bưởi cứu con mắc bệnh hiểm nghèo đã lay động hàng nghìn trái tim của cư dân mạng.
Cũng từ thời điểm đó, quán chè của chị Lương Thị Nhi (sinh năm 1990, quê bến Tre) và anh Lê Văn Quang (sinh năm 1987, quê Đắk Lắk ) ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh cũng ngày một tấp nập.
Nhiều người biết đến hai vợ chồng và tìm đến ăn chè bưởi. Cốc chè của đôi vợ chồng thạc sĩ nấu ra, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi, nó không chỉ là cốc chè của tình cha mẹ vô bờ bến, mà thực sự hương vị cũng vô cùng thơm ngon, đủ sức khiến nhiều người với suy nghĩ đến “ăn ủng hộ” đã phải trở thành “khách ruột” của quán.
Quán chè bưởi của chị Nhi - anh Quang tấp nập khách đến mua về và ngồi lại thưởng thức chè
Nồi chè bưởi của bà mẹ thạc sĩ khiến nhiều người từ suy nghĩ đến "ăn ủng hộ" đã phải trở thành "khách ruột" vì quá ngon!
(Clip: Chè bưởi của đôi vợ chồng thạc sĩ ở quận Bình Thạnh)
Chia sẻ về ý tưởng “vì sao lại là chè bưởi”, chị Nhi tâm sự “Từ nhỏ, tôi vốn có đam mê nấu nướng. Vì bé Thạc rất thích ăn đồ ngọt nên ở nhà chăm con, cuối tuần tôi hay đổi món ngọt ăn chơi đãi cả nhà.
Một hôm tôi nhớ lại lúc nhỏ đã tự mày mò nấu ra một món chè rất ngon - chè bưởi. Tôi nhớ lại cách nấu rồi mẹ nấu thử cho chồng và cả nhà ăn. Chồng khen ngon, bưởi giòn và vị nó khác với những chỗ anh đã từng ăn. Từ đó anh động viên tôi mạnh dạn đem sản phẩm ra bán.”
Ý tưởng về việc lựa chọn chè bưởi được cô gái Bến Tre cho biết bắt nguồn từ chính việc nấu chè phục vụ con trai.
Tất cả mọi nguyên liệu, đến nước cốt dừa cũng được chị Nhi tự tay làm theo công thức riêng.
Khi ấy, chị Nhi đã nghĩ đến việc mở một quán chè bưởi. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ vẫn băn khoăn bởi một suy nghĩ "Chè làm ra phải thật ngon thật xuất sắc mới tự tin đem ra giới thiệu đến mọi người".
Bà mẹ 9x đã đã bỏ công nghiên cứu suốt vài tháng sau đó. “Tôi nhớ chắc phải đổ bỏ cả 10 nồi chè mẹ mới nấu được bởi lúc thì cùi đắng, lúc cùi bưởi không giòn, lúc nấu quá lâu làm cùi mềm….Ngày nào tôi cũng nấu chè cho chồng ăn đến nỗi anh lên cân vùn vụt.”, chị Nhi vui vẻ nhớ lại.
Các phần chè bưởi được rót sẵn vào cốc, khu đựng đồ vô cùng sạch sẽ, vệ sinh.
Cốc chè bưởi được chị Nhi tự tin nhất ở phần cùi bưởi to giòn được tuyển chọn từ những quả bưởi chuẩn sạch và vị ngọt có thể chinh phục cả những vị khách lớn tuổi với câu nói muôn thủa “Chè có ngọt lắm không em! Chị sợ ngọt”. Khi múc một thìa chè lên, cái đặc quánh của chè, giòn sật của cùi bưởi, bùi bùi của đậu xanh, giòn giòn đậu phộng và ngéo ngậy của cốt dừa khiến nhiều người không thể ngừng miệng.
Chè bưởi được chị Nhi tự tin nhất ở phần cùi bưởi to, giòn.
Khi được hỏi liệu có tiếc nuối không khi có bằng thạc sĩ rồi giờ lại đi…bán chè bưởi. Chị Nhi vui vẻ cho biết chị không tiếc bởi “Tất cả những thứ tôi được học, những kiến thức tôi có cũng được áp dụng vào việc kinh doanh chè bưởi. Quán chè phát triển tốt thì đâu có gì mà phí hoài”.
Bằng việc áp dụng các kiến thức học được khi làm thạc sĩ, chị Nhi kết hợp với nhiều cách thức bán hàng online, liên kết với các đơn vị giao nhận thức ăn...để tăng thu nhập.
Dù được nhiều người biết đến, thậm chí có những hôm khách đặt trước cả 100 cốc chè và bản thân có thể nấu ra nhiều hơn để bán tiếp nhưng chị Nhi vẫn vui vẻ cho biết, chị chỉ bán đúng 100-150 ly một ngày, nhiều nhất là 200 ly và sau đó sẽ đóng cửa đi chơi bởi “Ở bên con mới là điều quan trọng nhất”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet