Bánh sack là món ăn ưa thích của các em nhỏ. |
Trên thị trường hiện nay có ba loại bánh phổ biến: snack khoai tây nguyên liệu chính là bột khoai khi ăn giòn và khô; snack phồng tôm cần độ dẻo, dai nhưng tan được trong miệng và snack tổng hợp chỉ từ bột mì và các loại gia vị được tạo dáng kiểu: sò, thịt nướng, hạt bắp theo tên gọi.
Từ gói snack tôm Thái Lan nhập khẩu đến bánh snack Việt Nam của Kinh Đô, Oẳn Tù Tì (Bibica), Oishi… bánh snack Việt Nam ngày càng thắng thế do 2 lợi điểm: nhiều hương vị, giá rẻ. Loại bánh ngoại giá thành cao, ít mùi lạ, thường chỉ có 3 loại: tôm, bắp, phô mai…
Trong khi đó, hương vị bánh snack Việt Nam tập trung khai thác các mùi vị làm “nức mũi” người ăn từ món tây đến món ta. Như bánh chả cá rán, gà nướng mật ong của Bibica hay bò ngũ vị, rau cải của Kinh Đô chỉ nghe tên thôi đã thấy hấp dẫn, ngoài ra hương vị món tây như pizza, hamburger cũng khá phổ biến. Các loại mùi vị này đã thay đổi ít nhiều để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt Nam như với món càri Ấn Độ trong bánh snack đã được giảm độ cay, tăng mùi thơm của rau củ, hay như các loại snack pizza giảm mùi bơ, ít ngán.
Là món ăn nhẹ giữa hai bữa chính, năng lượng do bánh snack cung cấp ít hơn suất ăn chính nhưng nhiều hơn các món ăn chơi thông thường, trung bình một gói snack cung cấp khoảng 250 Kcal tương đương với một gói mì 60g. Bác sĩ Huỳnh Phương Thượng Vũ, Trung tâm dinh dưỡng TP HCM khuyến cáo: "Với một gói bánh snack có tỷ lệ dinh dưỡng khoảng 450Kcal, nếu mỗi ngày đều dùng thì khả năng béo phì của trẻ em là không tránh khỏi. Mặt khác, đây là loại thực phẩm có dùng một số phụ gia tạo hương vị như bột ngọt (MSG), chất béo, chất bảo quản, có khi còn có phẩm màu nên việc dung nạp đều đặn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá và sự phát triển của cơ thể. Ăn bánh snack nhiều cũng tạo cảm giác đầy hơi, khó tiêu".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet