Nội dung
Khuôn bánh bằng đất nung, người thợ thoa vào một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín.
Bánh căn có hình thức và thành phần gần giống bánh khọt, nên những người lần đầu ăn món này sẽ dễ lầm tưởng là bánh của người miền Nam. Tuy nhiên, đây là bánh căn, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Trung bộ Phan Rang - Tháp Chàm.
Ăn bánh căn phan rang ở sài gòn Bánh căn là một món ăn nổi tiếng của vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Khánh Hòa.
Không giống như bánh khọt chín vàng trên những chiếc khuôn bằng kim loại, bánh căn được đổ trên một chiếc lò bằng đất nung bập bùng lửa. Khuôn bánh căn có hai phần, phần bề mặt được khoét những lỗ tròn nhỏ, thường sẽ có từ 8 đến 16 lỗ, trên lỗ đó người ta đặt những chiếc chén bằng đất nung để đổ bánh. Phần thân lò được chế tạo như một chiếc bếp, dùng để chứa than hồng làm chín bánh.​
Chiếc bánh căn ngon phải nở giòn, dai và không bị nhão. Muốn được như vậy, khi làm bánh phải chọn loại gạo nở, vo sạch và đem ngâm. Trước khi đem xay, người ta thường trộn vào gạo đã ngâm một ít cơm nguội để khi đổ bánh ráo, giòn, thơm ngon.
Thịt và trứng là hai thành phần chính làm nhân của bánh căn. Tuy nhiên, để món ăn thêm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của thực khách, những người thợ đã chế biến thêm các loại nhân như tôm, mực... mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Đó là cái giòn của bánh, chút sần sật của mực hay cái ngọt vị của nhân tôm. Bánh căn nhân trứng lại hấp dẫn người ăn bởi sắc vàng rực cùng hương thơm của nó...
Ăn bánh căn phan rang ở sài gòn Bánh căn hấp dẫn người ăn với nhiều loại nhân như tôm, thịt, mực, trứng.Ảnh: Khánh Hòa.
Bên cạnh sự phong phú về các loại nhân, nước chấm cũng là một điểm hấp dẫn của món ăn này. Thường có 3 loại nước chấm là nước mắm nêm, nước mắm chanh tỏi ớt và nước lèo (theo cách gọi của người miền Trung). Nước lèo có màu vàng, làm từ bột, nước, đậu phụng giã nhuyễn, vừng rang và nêm gia vị vừa ăn. Mắm nêm là món mắm khoái khẩu đặc trưng của người miền Trung. Mắm chanh tỏi ớt được chế biến từ nước mắm pha loãng nấu với đường, tỏi, ớt giã nhuyễn cùng với tí chanh để có một món nước chấm đậm đà.​
Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ. Bạn có thể ăn bánh căn theo hai cách. Dùng lá xà lách, cải xanh lót bên dưới, bên trên là các loại rau, xoài xanh, một chiếc bánh căn, cuốn tròn lại chấm vào chén nước chắm và thưởng thức. Một cách khác nhanh hơn là bạn có thể gắp bánh bỏ ngay vào chén, cho các loại rau vào, chan nước chấm và thưởng thức.
Ăn bánh căn phan rang ở sài gòn Bánh căn được ăn kèm với các loại nước chấm như mắm nêm, nước lèo hay nước mắm chanh ớt.Ảnh: Khánh Hòa.
Ở Sài Gòn, bánh căn không được bán nhiều, bạn có thể ghé quán Đạt ở đường Trương Định (quận 3), quán bánh căn vỉa hè đường Trần Quang Khải (quận 1)... để thưởng thức món ăn này.​
Khánh Hòa
Theo vnexpress​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm