Bận bịu với công việc của một điều dưỡng ở bệnh viện lớn và kinh doanh thêm nhưng chị Đào Xuân (31 tuổi, TP HCM) vẫn rất chăm chỉ vào bếp nấu ăn mỗi ngày. Chị tâm sự, cảm hứng để bản thân nấu những bữa cơm gia đình luôn xuất phát từ tình yêu của chồng dành cho mình. Anh luôn coi vợ là nhất vì thế, chị sẽ dùng chính những bữa cơm đầm ấm tự tay mình nấu để đáp lại sự quan tâm, chăm sóc của chồng. Đó cũng là cách để chị vun vén và giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Ngay từ khi còn học cấp 3, chị Đào Xuân đã phải ở trọ xa nhà. Đó cũng chính là thời điểm 9X bắt đầu tự lập và học cách nấu ăn. Tuy những bữa cơm học sinh ngày ấy vô cùng đơn giản theo kiểu “nấu cho qua bữa” nhưng cũng đã dần nhen nhóm trong chị hạt giống yêu bếp núc.
Cho đến khi trưởng thành, có gia đình riêng, bản năng muốn gìn giữ hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ hay mong muốn thể hiện tình yêu đối với chồng, chị Xuân càng để tâm hơn với việc nấu nướng. Chị bắt đầu tìm tòi học hỏi.
“Ban đầu là mấy món như gà kho, cá kho, thịt kho học từ chị gái. Sau đó là biến tấu các món nhờ học từ youtube và mình đã chia sẻ lên trang cá nhân để làm kỉ niệm. Thế rồi tình cờ, bạn mình thấy để đã giới thiệu mình tham gia một hội nhóm mê nấu ăn trên facebook. Ở đó có nhiều món ngon, bắt mắt và sự đảm đang của các chị em lại thôi thúc mình mày mò học hỏi nấu nướng”, chị chia sẻ.
Cô vợ đảm đang cũng cho biết, bản thân bắt đầu học hỏi và nấu từ những bữa cơm đơn giản, sau đó là đến những món cầu kỳ hơn. Chẳng hạn như bún bò, hủ tiếu Nam Vang, bò kho, bánh canh chả cá... Đến giờ chị đã có thể nấu được nhiều món mà mình thích.
Chị kể, các loại lẩu giờ chị đều nấu được nhờ học một số công thức của các chị em. Tuy nhiên, chị sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp khẩu vị của hai vợ chồng. Cũng nhờ vậy mà hầu như món lẩu nào ông xã chị cũng khen hết lời và ăn rất nhiệt tình.
Sau này, khi dọn về nhà mới, chị còn tự tay làm mâm cỗ cúng gia tiên mặn và chay vô cùng đẹp mắt. Chưa dừng lại ở đó, 9X bắt đầu chạm tay vào thế giới của bánh trái mà thành phẩm cũng rất đẹp mắt, ngon miệng.
Chị luôn khẳng định, động lực để mình vào bếp đơn giản là muốn tiết kiệm, an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng nhất là giữ được bếp lửa ấm áp của gia đình.
Hiện tại, mỗi bữa chị chủ yếu nấu ăn cho 2 vợ chồng. Thỉnh thoảng 9X cũng sẽ nấu tiệc mời bạn bè, họ hàng qua thưởng thức với tâm thế “ăn đi không đau bụng đâu mà lo". Chị Xuân chia sẻ, từ khi sinh con nhỏ, lương giảm do nghỉ sinh 6 tháng, 9X bắt đầu tập trung kinh doanh thêm để gia tăng thu nhập.
Trong khoảng thời gian này, mẹ chị bận công việc không sắp xếp được thời gian phụ chăm bé nên gần như thời gian trong ngày cho dành cho con hết. Bản thân chỉ có thể tranh thủ nấu được một bữa cơm tối duy nhất. Đây cũng là thời điểm có đầy đủ các thành viên trong nhà.
"Nhiều lúc cũng bận rộn và mệt mỏi nhưng vì muốn sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng, muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên mình lại chăm chỉ vào bếp. Lúc con chơi ngoan thì mình tranh thủ vào bếp nấu ăn, lúc con ngủ lại tranh thủ soạn hàng đặt ship giao hàng", bà mẹ 9X kể.
Mặc dù bận rộn là thế nhưng chị Xuân luôn sắp xếp thời gian vô cùng hợp lý, chính vì vậy mâm cơm nhà lúc nào cũng rất tươm tất, đủ đầy. Khi nấu ăn, chị luôn chú ý đến việc làm sao bữa ăn có đủ đạm ( thịt, cá, trứng..), chất xơ (rau củ), tinh bột (gạo, bún, miến...) và cả vitamin (các loại trái cây).
Ngoài ra, bà mẹ đảm còn lựa nấu những món có màu sắc khác nhau để mâm cơm thêm sinh động và hấp dẫn. Mặc dù không tính toán cụ thể một bữa ăn hết bao nhiêu tiền nhưng chị chia sẻ, trung bình giá bữa ăn của hai vợ chồng chị thường dao động khoảng 60-80 nghìn đồng.
Là một nhân viên y tế nên chị Đào Xuân chia sẻ, khi nấu ăn mình cũng không đặc biệt lưu ý sẽ phải nấu những món ăn gì đặc biệt để tăng sữa cho con bú. "Cá nhân mình là nhân viên y tế nên thường khuyên bệnh nhân ăn đầy đủ, không kiêng cữ. Nên bản thân mình cũng ăn uống bình thường như mọi ngày, trừ các loại thực phẩm lên men (dưa chua, cà muối..), thức ăn sẵn đóng hộp, thức ăn nhanh... Đồ chiên xào nhiều dầu mỡ cũng hạn chế ăn vì nó không tốt cho tất cả mọi người. Trộm vía do cơ địa nhiều sữa nên chỉ cần ăn uống bình thường là mẹ đã đủ sữa cho con ti và còn dư thêm để trữ đông gửi cho các bé không có sữa mẹ", chị Xuân vui vẻ tâm sự.
Bà mẹ bỉm sữa còn chia sẻ, mình thường nấu ăn bữa nào hết bữa đó nên sẽ không có thức ăn thừa. Nhờ vậy mà thực đơn gia đình chị luôn được thay đổi theo từng bữa để tăng sức hấp dẫn.
Nhờ có sự chăm chỉ, đảm đang nên bạn bè, những ai đã được thưởng thức những món ăn chị nấu đều khen 9X khéo tay. Nhưng theo chị, khi có gia đình rồi tự nhiên ai cũng muốn trở thành một người đảm đang như thế. Riêng với ông xã chị, lúc nào anh cũng nói "ở đâu có vợ, ở đó là nhà". Điều đó càng chứng tỏ những gì chị cố gắng vun đắp cho tổ ấm thông qua những bữa cơm tự nấu luôn được chồng công nhận và trân trọng.
"Ông bà ta có câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" quả không sai. Dù là một người phụ nữ hiện đại, ngoài việc kiếm tiền thì việc nội trợ cũng vô cùng quan trọng, nó quyết định 50% hạnh phúc gia đình. Mỗi bữa cơm chính là dịp mọi người đối diện nhau, nhìn được ánh mắt nhau, nói chuyện, kể chuyện buồn vui sau những giờ làm việc mệt mỏi. Mọi áp lực cuộc sống cũng vì thế mà trở nên nhẹ nhàng.
Hơn thế, là người phụ nữ Việt Nam nên mình luôn muốn tiếp nối truyền thống "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Khi bản thân kết hợp cả 2 thứ một cách hài hoà thì luôn xứng đáng được hạnh phúc", chị Xuân nói.
Để khẳng định thêm điều này, chị chia sẻ, chồng mình luôn tôn trọng vợ, đi làm về sẽ không la cà nhậu nhẹt. Anh chỉ thích về chở vợ đi chơi, hoặc chơi với con hay tranh thủ làm nốt việc nhà phụ vợ. Trong khoảng thời gian 5 năm quen và kết hôn, dù có giận nhau nhưng anh chưa từng to tiếng với chị. Nhờ thế, chị càng muốn thay đổi để hoàn thiện bản thân hơn trong hôn nhân để cùng chồng xây dựng hạnh phúc và nuôi dạy con cái.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet