Sớm hay muộn thì con gái bạn cũng sẽ tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc “tế nhị” từ một nguồn thông tin nào đó. Vậy tại sao bạn không tự mình tâm sự và giải thích cho con để đảm bảo những thông tin bé nhận được là đúng đắn và tích cực nhất.
Khi con gái của bạn lớn dần lên, thậm chí trước khi bé dậy thì, bạn sẽ nhận thấy bé dần dần quan tâm hoặc tò mò về cơ thể mình. Không sao cả, hãy trò chuyện và khuyến khích bé đặt câu hỏi để xem con đã tìm hiểu được những gì và bạn còn phải dạy bé những gì.
Hãy chủ động trở thành người bạn tâm sự đáng tin cậy cho con gái. Ảnh minh họa
1. Cơ thể của mỗi người có hình dạng và kích thước khác nhau
Hãy tập trung nói với con nhiều về sức khỏe hơn là những yếu tố về ngoại hình hay cân nặng. Cô bé có thể đã tiếp xúc với những suy nghĩ tiêu cực và thiếu thực tế qua những phương tiện truyền thông.
Nếu bản thân bạn có những ám ảnh về ngoại hình – của chính bạn hoặc con gái, thì bé cũng sẽ bị ám ảnh theo. Thay vào đó hãy khuyến khích và giúp đỡ bé bằng cách đưa ra những nhận xét tích cực về những thay đổi bình thường, không cần phải can thiệp trên cơ thể con để bé không so sánh mình với bạn bè.
2. Hãy chủ động và thử những thứ mới mẻ
Đừng ép buộc con gái bạn phải làm hoặc tiếp tục làm gì đó. Cơ thể của chúng ta trở nên tuyệt hơn vì rất nhiều thứ: vui cười, chơi thể thao, khiêu vũ, đi đứng, suy nghĩ, học tập và nhiều điều khác nữa. Thay vì để các bé cứ tập trung vào cân nặng của mình, hãy khuyến khích các bé chủ động bởi những điều này ảnh hưởng đến cảm xúc của bé, cũng như những bạn bè mà bé sẽ làm quen.
3. Chăm sóc chu đáo cho cơ thể từ đầu đến chân
Mẹ hãy dạy con gái biết cách tự chăm sóc bản thân. Ảnh minh họa
Tiến sĩ Unger khuyên: "Hãy dạy con tập thói quen ăn uống lành mạnh, năng động, và ngủ đủ giấc. Khuyến khích con gái ăn ba bữa ăn chính và hai bữa ăn nhẹ lành mạnh, năm trái cây và rau mỗi ngày, và hạn chế đồ uống có đường. Vệ sinh cá nhân và sự an toàn cũng rất quan trọng".
4. Cơ thể hoạt động như thế nào?
Missy Lavender, người sáng lập và giám đốc điều hành của Women's Health Foundation nói rằng: ”Cơ thể của chúng ta rất tuyệt, nhưng đôi khi có những âm thanh hay mùi không mấy dễ chịu phát ra từ nó”.
Dạy cho bé gái biết về các bộ phận khác nhau của cơ thể, chức năng của chúng như âm đạo, vùng chậu và bàng quang… sẽ giúp bé thoải mái và tự tin hơn với cơ thể của mình. Nếu các bé còn nhỏ, bạn có thể nói hơi chung chung và trìu tượng một chút, nhưng hãy dùng những thuật ngữ đúng để tránh nhầm lẫn cho bé.
5. Sự thay đổi và dậy thì
Hãy chuẩn bị cho con đầy đủ kiến thức về những gì sẽ xảy ra trước khi những thay đổi đó đến với cơ thể con. Tiến sĩ Urger cho biết: “Việc giúp cho các bé gái hiểu biết về những thay đổi sắp xảy ra với cơ thể mình sẽ giúp các bé vượt qua giai đoạn đó một cách nhẹ nhàng và thoải mái hơn”.
Trong đó, sức khỏe sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt là những chủ đề sức khỏe quan trọng mà mẹ cần chia sẻ với bé. Lavender cũng cho biết: “Hiểu được những điều này sẽ giúp các bé bớt ngại ngùng và xấu hổ”.
Cần giáo dục giới tính một cách kĩ càng cho con. Ảnh minh họa
6. Giới tính và tình dục
Hãy dạy con gái luôn biết trân trọng bản thân và cơ thể của mình và nói với con các vấn đề về giới tính một cách lành mạnh và ân cần.
Lavender cho rằng: ”Trẻ em đang tiếp cận với vấn đề tình dục và giới tính bằng con mắt hoàn toàn lạ lẫm, chúng sẽ quan sát từ những người xung quanh. Thay vì tập trung vào các hành động liên quan đến tình dục, bạn có thể xây dựng cho con một nền móng tốt để con có cái nhìn lành mạnh về cơ thể mình cũng như việc chỉ có thể chia sẻ cơ thể với những ai yêu thương, chăm sóc và tôn trọng con khi con lớn hơn”.
7. Giữ gìn sự riêng tư và cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhận trên mạng xã hội
Bạn có thể tôn trọng sự riêng tư của con gái, xong bạn cũng nên nắm bắt được những gì đang diễn ra với bé – cả về thể chất và xã hội.
Hãy tiếp cận theo cách mà bé có thể hiểu được, rằng tất cả những bức ảnh hay thông tin cá nhân của con khi được chia sẻ lên mạng sẽ được mọi người nhìn thấy và chia sẻ bất cứ khi nào. Nếu con tham gia mạng xã hội, hãy kết bạn với con để có thể biết được con đang tương tác với những ai, chia sẻ những gì lên mạng cũng như kiểm soát được thời gian lên mạng của con.
Cần nắm bắt được thông tin hoạt động trên mạng trực tuyến của con
8. Chăm sóc và bảo vệ bản thân mình
Tiến sỹ Unger khuyên: “Hãy dạy con bạn cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn mà bé tin tưởng khi bé cảm thấy không an toàn hay không thoải mái. Ví dụ bé nên biết cần nói với ai và nói như thế nào nếu bị bắt nạt, cũng như biết mạnh dạn nói “không” với những hành động khiến bé không thoải mái.
9. Tôn trọng người khác và làm một cô gái tốt bụng
Tương tự như cách bạn dạy con có cái nhìn tích cực về cơ thể mình, hãy dạy cho con biết trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cũng như cá tính của người khác. “Đó chính là quy tắc vàng. Hãy dạy bé đối xử với người khác theo cách bản thân muốn được đối xử.”, Tiến sỹ Unger khuyên các bậc cha mẹ.
Để giúp bạn dạy con gái về cơ thể, có rất nhiều nguồn thông tin tuyệt vời từ bác sĩ nhi khoa, các cuốn sách hay trang web uy tín. Hãy thử để lại một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi trên giường của con và theo dõi xem con phản ứng ra sao. Tham gia tích cực vào cuộc sống của con và quan tâm đến con sẽ giúp việc nói chuyện với bé về các chủ đề nhạy cảm này trở nên tự nhiên hơn và dễ dàng hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet