Chúng ta cần phải biết rằng, trẻ em cần tình yêu hơn là kỉ luật để có thể học được những điều hay, lẽ phải. Hệ thống phương pháp dạy trẻ bằng tình yêu thương, sự cảm thông, thấu hiểu từ cha mẹ của giáo sư Nhật Bản Shichida thật sự hiệu quả và được nhiều bậc phụ huynh trên thế giới áp dụng.
Phương pháp này giúp con cái có thể cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ hơn là cảm thấy áp lực. Nhờ đó trẻ hình thành, khắc sâu những đức tính tốt, cảm xúc chân thành, sự cảm thông và biết suy nghĩ cho người khác.
Giáo sư Shichida đưa ra 3 cách để bố mẹ có thể khéo léo dạy dỗ con cái bằng cách truyền đạt "sự yêu thương" sau: "cái ôm 8 giây", "phương pháp nhắc lại" và đặc biệt nhất là "5 phút thủ thỉ''.
Cái ôm 8 giây
Cách làm của phương pháp này đơn giản như tên của nó. Bạn hãy tặng cho bé một cái ôm dài 8 giây đặc biệt sau khi bé giúp bạn làm một việc nhà đơn giản như xếp đồ chơi, lau bàn... Trong khi ôm bé thật chặt bạn cũng đừng quên nói cảm ơn vì việc bé làm. Đừng ngại ngần mà nói ra bạn yêu cô/cậu bé của bạn nhiều thế nào vì bé là một đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn và biết giúp đỡ mọi người.
Cái ôm 8 giây là những lời động viên làm cho bé cảm thấy vui và hạnh phúc. Ảnh minh họa
Đây là những lời động viên làm cho bé cảm thấy vui vì đã giúp được bạn, làm bạn hạnh phúc. Nhưng bạn phải dành cho bé một cái ôm 8 giây thật chặt và chân thành thì bé mới cảm nhận được tình yêu của bạn. Đừng chỉ làm điều này vì nghĩa vụ hay cho xong chuyện. Đặc biệt hơn, không nên phàn nàn, la mắng để ép các bé làm việc gì. Hãy nói chuyện nhẹ nhàng và tôn trọng bé để bé có thể hiểu được trách nhiệm, khả năng của mình.
Phương pháp nhắc lại
Việc nói chuyện với con quan trọng bao nhiêu thì việc lắng nghe các bé quan trọng bấy nhiêu. Trẻ con sẽ thấy mình được tôn trọng và yêu thương khi bạn thật sự lắng nghe những câu chuyện "trên trời dưới biển" của các bé. Nếu bạn cõ lỡ một lần lơ là khi các bé kể chuyện thì cố gắng đừng lặp lại vì điều đó có thể làm các bé dần khép mình, không muốn kể chuyện với bạn nữa.
Nhắc lại những điều bé nói giúp con cảm nhận được sự ân cần, yêu thương của mẹ dành cho bé. Ảnh minh họa
Phương pháp nhắc lại trong khi nghe con bạn kể chuyện không chỉ thể hiện bạn thật sự lắng nghe bé mà còn giúp bé có thêm sự tin tưởng, dũng cảm để nói lên cảm xúc của mình.
Ví dụ khi bé nói: "Mẹ ơi, bạn Bo hư lắm". Bạn sẽ trả: "Bạn Bo hư. Bạn ấy đã làm gì?". Cách lặp lại câu nói trước của bé và đưa ra câu hỏi không chỉ làm giảm bớt sự khó chịu đang có, giúp bé có thời gian suy nghĩ lại những việc đã xảy ra và nhận ra đúng sai để tránh lặp lại. Bên cạnh đó, bé còn cảm nhận được sự ân cần, yêu thương của bạn dành cho bé.
5 phút "thủ thỉ"
Đây có lẽ là phương pháp gây ngạc nhiên, được các mẹ Nhật áp dụng nhiều nhất nhờ sự hiệu quả của nó. Cách "thủ thỉ" này có tác dụng với cả trẻ sơ sinh và những bé lớn tuổi hơn nên được sử dụng rất phổ biến.
Những gì "5 phút thủ thỉ" mang lại hẳn sẽ khiến các bạn bất ngờ. Điều này sẽ giúp con ngủ ngon giấc hơn, giúp khả năng kiểm soát sự nóng nảy, hành vi, giúp bé tập trung và đặc biệt hơn là giúp bé và bạn "hàn gắn" nhanh hơn sau mỗi lần xảy ra những cuộc tranh luận.
"5 phút thủ thỉ" đầy yêu thương giúp bé chìm sâu vào giấc ngủ nhanh hơn. Ảnh minh họa
Các nhà khoa học cũng đã chứng minh thời gian trước khi bé chìm sâu vào giấc ngủ thì não bộ vẫn còn hoạt động. Đây là thời điểm thích hợp nhất giúp bé dễ dàng tiếp nhận được thông tin, tình yêu bạn muốn truyền đạt. Không chỉ vậy, những gì bạn nói sẽ được in đậm trong tâm trí bé một cách vô thức.
Bằng "5 phút thủ thỉ" đầy yêu thương này, các bạn sẽ được đón nhận tình thường mà đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm tính cách của mỗi bé để bố mẹ có những câu "tâm sự" phù hợp nhất. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nói theo 3 phần chính: mở bài, thân bài và kết bài.
1. Mở bài
Bạn có thể nói về giấc ngủ và khả năng bé sẽ tiếp nhận được nhưng gì bạn nói. Ví dụ: "Bi yêu, mẹ biết con đang ngủ ngon lành nhưng mẹ tin người con kì diệu của mẹ vẫn nghe được những gì mẹ nói với con và con sẽ ghi nhớ tất cả đúng không nào?".
2. Thân bài
Hãy tiếp tục thể hiện tình yêu bằng cách nhẹ nhàng khen ngợi bé, nói lên mong muốn của bạn và sự đặc biệt trong mối quan hệ cha/mẹ và con. Ví dụ nếu con của bạn đang sốt hãy ủng hộ bé bằng lời nói như sau: "Người anh hùng nhỏ bé, dũng cảm của mẹ đang chiến đấu lại đội quân vi-rút đang quậy phá trong cơ thể con và mẹ tin với sự kiên cường này con sẽ chiến thắng. Con sẽ ngủ một giấc thật ngon và sáng hôm sau cơn sốt sẽ biến mất thôi. Con là một đứa bé mạnh mẽ, đáng yêu nhất mà mẹ biết. Bố mẹ tin ngày mai con sẽ thức dậy như một tia nắng với nụ cười rạng rỡ."
3. Kết bài
Đừng quên thể hiện tình yêu bạn dành cho bé cùng lời chúc ngủ ngon. Ví dụ: "Chúc thiên thần bé nhỏ của mẹ ngủ ngon và có một giấc mơ ngọt ngào. Bố mẹ yêu con rất nhiều". Hãy đặt lên trán bé một "cái thơm" nhẹ nhàng như một dấu hiệu của tình yêu và lời chúc tốt lành nữa nhé.
Một vài chú ý sẽ giúp phương pháp này tăng thêm hiệu quả đó là: cái chạm nhẹ vào bé, "thủ thỉ" khe khẽ và sự chân thành. Hãy làm việc này thường xuyên và liên tục tới khi thành một thói quen tốt cho cả bạn và bé.
Dù bạn chọn dạy con bằng phương pháp nào thì hãy làm theo những điều cơ bản nhất vẫn là tình yêu, kiên nhẫn và sự chân thành thì chắc chắn bạn sẽ thành công trong việc nuôi dạy con cái của mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet