Hôm nay, tôi có đọc được một bài báo kể về một vị phụ huynh viết trên trang mạng xã hội thế này: “Nhân kỉ niệm ngày 2.9 trường mầm non T.M – A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường. Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ hởi đóng góp cho con. Sáng 30.8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng phấn khởi.
Từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ : Alo, alo, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân.
Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng nó không hiểu sao bố mẹ không đóng nổi cho nó bốn chục ngàn…”
Tôi khóc. Tôi thấy cổ họng sao đắng ngét trước những lời lẽ đầy sòng phẳng của chính những con người đang làm công tác ươm mầm, dạy dỗ và giáo dục con người. Còn đâu là những "cô giáo như mẹ hiền", những "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"? Ngày lễ hôm ấy hẳn sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí của những đứa trẻ non nớt. Có bé sẽ là vì buổi biểu diễn xiếc khó quên, nhưng có bé sẽ là vì bài học về “sự công bằng” và “giá trị của tiền bạc” trong xã hội.
Đừng nói “trẻ con biết gì”, cũng đừng cho rằng chúng sẽ mau quên. Tâm hồn con trẻ mong manh lắm, dễ tổn thương và non nớt lắm. Cứ tưởng tượng đến những đứa trẻ bị nhốt trong lớp học, ngoài kia, tiếng cười đùa, tiếng hò reo hân hoan vang lên tưng bừng, tôi lại thấy lòng mình quặn thắt. Trẻ con không chịu nổi đâu. Chúng không chịu nổi việc không được xem xiếc, càng không chịu nổi cảm giác bị tách biệt, cách ly với bạn bè chỉ vì đồng tiền. Để các con ngồi trong lớp mà nghe không khí náo nức bên ngoài, điều đó tàn độc đến thế nào? Nỗi buồn của các em không chỉ kéo dài 1 tiếng, 2 tiếng, kéo dài hết buổi biểu diễn…mà nó sẽ kéo dài cả cuộc đời.
Những tâm hồn ngây thơ sớm đã phải chịu đựng sự xấu xí của người lớn (ảnh minh họa)
Vậy là, chỉ vì 40 ngàn đồng, người lớn chúng ta đã để lộ sự xấu xí đáng xấu hổ của bản thân. Trách ai? Tôi trách nhà trường, trách những con người làm công tác giáo dục và trách cả những vị phụ huynh không biết bảo vệ con cái mình.
Để công bằng cho các em đã đóng tiền nên những em chưa đóng phải ở nguyên trong lớp? Không! Đây không phải là công bằng, đây là một sự sòng phẳng đầy toan tính và lạnh lùng theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Tôi không muốn những tâm hồn non nớt bị nhốt trong lớp học. Tôi cũng không muốn cào bằng xã hội, để những phụ huynh đã đóng tiền cho con cảm thấy “ấm ức”. Vậy nhưng, hãy nhớ kỹ, đây là chuyện người lớn. Đừng khiến trẻ nhỏ phải chịu tội vì sự xấu xí của người lớn.
Tôi biết, để xử lý cho khéo, không khó! Nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức riêng một buổi xem xiếc ngoại khóa riêng, cũng có thể cho các bé không đóng tiền được về sớm. Không cần phải nói trên loa, không cần phải đay nghiến, lột trần sự việc và khiến người ta phải đau nhớ đời đến như vậy. Là những nhà giáo dục, ươm mầm cho đất nước, nhà trường, Ban giám hiệu và các thầy cô đã dạy gì được cho bọn trẻ? Bài học về nền kinh tế thị trường hay về sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội? Liệu nhà trường nghĩ sao khi những đứa trẻ này sẽ mất đi lòng nhân ái, sự bao dung, trở nên ích kỷ, vô cảm ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời? Là người làm giáo dục, trước hết hãy nên quan tâm tới đối tượng giáo dục, là những đứa trẻ với ánh mắt ngây thơ và tâm hồn trong sáng đó. Đừng đặt đồng tiền và sự “công bằng” đến tàn nhẫn đó lên trước bọn trẻ.
Và các vị phụ huynh, trẻ con nào cũng thích xem xiếc, tôi dám khẳng định điều đó. Nếu không phải vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, đừng để con trẻ phải tủi thân so với chúng bạn. Đừng lấy cớ vì công việc bận rộn mà quên đi việc quan tâm đến đời sống, đến trường lớp và đến việc đóng tiền cho con. Cũng đừng cho rằng một buổi biểu diễn xiếc thì vớ vẩn, tốn tiền, vô bổ và không cần thiết. Đừng áp đặt suy nghĩ và cảm xúc của người lớn lên những tâm hồn trẻ thơ.. Nhiều khi, người lạnh lùng với con trẻ, không phải người lạ mà lại là chính cha mẹ. Bản thân đã sinh ra con, phải có trách nhiệm yêu thương, và tránh làm tổn thương tâm hồn con đầu tiên. Đừng bắt ai phải xót xa, phải yêu thương con mình khi chính bản thân mình là người không quan tâm tới con.
Cay đắng làm sao khi cuộc chiến của người lớn lại đánh lên những đứa trẻ vô tội. Sự xấu xí của chúng ta lại dổ hậu quả lên những tâm hồn ngây thơ. Những đứa bé bị phân biệt đó có thể sẽ trở thành người ích kỷ và khắc nghiệt như chính cái cách mà những người xung quanh, bao gồm cả phụ huynh và nhà trường đã đối xử với chúng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet