Phơi me. |
Từ những ngày đầu người dân nơi đây chỉ sinh sống bằng nghề làm kẹo, me ngào đường, cà na chua ngọt... đem bán rong ruổi trên khắp nẻo đường hoặc giao mối cho khu vực Chợ Lớn. Buôn bán ngày càng ế ẩm, may thay, một trong những bậc tiền bối trên học được nghề làm mứt me của bà Như Khanh, người Vĩnh Long. Thoạt đầu chỉ một hai hộ làm thử để cung cấp cho các chợ nhỏ, nhưng khi thị trường đã có phản hồi tích cực, nhất là vào các dịp Tết, số lượng cung thường không đủ cầu, nghề mới tiếp tục phát triển và cứ thế duy trì cha truyền con nối tới ngày nay. Hiện nay trên địa bàn có khoảng 30 hộ sản xuất, trung bình 1 hộ có 6-10 thợ chính làm thường xuyên, ngoài ra còn có những thợ phụ thuê mướn từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng... lên làm theo thời vụ.
Công việc bắt đầu từ 1h sáng, những chủ vựa trái cây tươi nhận hàng me hay mãng cầu từ các nơi khác chở đến như Buôn Mê Thuột, Long An, Bình Chánh, Bến Tre, Tân Châu, Long Khánh, Tân Phú, Lộc Ninh... Sau khi kiểm tra, số lượng hàng đạt tiêu chuẩn được phân phối lại cho các nhà sản xuất, tại đây người ta phân loại me quả to, mập, tươi, chất lượng tốt để qua một bên, sau đó đem ngâm vào nước muối khoảng 3 tiếng và đem xuống cho các thợ phụ bóc vỏ. Công việc này đòi hỏi người thợ phải khéo léo, không được làm gẫy trái me. Bác Hai Khanh và chú Tư Cảnh là những người chuyên sản xuất loại dao đặc biệt bằng inox, nhỏ khoảng 3 cm, đầu mài tròn dùng trong việc tách vỏ.
Sau khi tách vỏ, me được ngâm vào muối hột khoảng 3 ngày cho chất chua nhả ra bớt. Sau đó được giao cho một nhóm thợ chuyên bóc hột, dầm lỗ và ngâm thêm vào nước 1 đêm để me bớt mặn.
Khi me nhả ra hết chất mặn cũng là lúc bắt đầu sên đường - giai đoạn quan trọng nhất. Người thợ có tay nghề phải túc trực thường xuyên bên bếp để canh lửa sao cho đường sôi không bị trào ra ngoài và vớt bọt liên tục cho nước đường được trong. Khi nước đường vừa đủ chín, me được đem ra thau và ngâm với nước đường, cho đường ngấm vào me không nhả ra được. Thời gian sên đường cho 1 nồi là khoảng 8-10 phút và một nồi khoảng 30 trái, khoảng 3 lần cho đường là trái me ngậm đường. Khi trái me đủ lên độ trong và bóng là lúc người ta đem trái me ra xếp tròn trên nia và đem phơi nắng. Chỉ 2 ngày nắng là đủ, nhưng việc phơi cũng hết sức vất vả. Khi phơi mặt đầu tiên, nắng làm cho những quả me khô lại, người ta phải thoa lên thêm một lớp đường, rồi thêm một lớp mỏng cho trái được mướt, ngậm thêm đường. Một ngày, có những cơ sở có thể phơi khoảng 500 nia, tương đương 1 tấn.
Đối với một người thợ sên me, không chỉ đơn thuần là sên mà họ còn phải biết xử lý như thế nào khi sên chưa tới, khi me bị gẫy thì phải biết gắn lại hoặc me khi sên quá tay bị teo lại phải biết làm thế nào cho "nở ra"...
Công đoạn từ trái me tới thành phẩm phải mất 9-10 ngày, là lúc trời nắng đẹp còn trời xấu mất tới 11-12 ngày. Sau cùng là khâu bọc me bằng giấy bóng kính và đóng hộp.
Một vụ mứt me kéo dài khoảng 4 tháng, hộ thấp nhất cũng sản xuất được vài trăm kg, có hộ lên tới 4-5 tấn. Sản phẩm làm ra được cung cấp cho cả thành phố, các tỉnh lân cận, thậm chí cả Hà Nội và xuất khẩu.
(Tư Vấn Tiêu Dùng)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet