Nội dung

Cún vừa tròn 22 tháng. Khi 22 tháng người ta có thể làm rất nhiều trò láu cá mà các bậc phụ huynh chẳng thể ngờ. Đoạn nhật ký xoay quanh "phi vụ" cảm cúm mà bạn Cún khởi xướng là một ví dụ...

Ngày... tháng... năm...

5 giờ sáng, tôi thức giấc. Vừa ọ ẹ tôi vừa nghĩ xem nên bày trò gì... Đã hai tháng nay bốn bức “tường thành” vây quanh chiếc giường nhỏ đã phải chào thua tôi. Và tôi có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì tôi thích. Hôm nay tôi nên làm gì nhỉ? Vào bếp, mở tủ lạnh rồi lấy sữa chua bôi lên sàn? Hay mang bánh kem nhét vào ổ CD? Rốt cục, tôi quyết định vào phòng ngủ của bố mẹ. Chàng và Nàng đang ngủ rất say, giữa hai người là... con mèo Mun. Hừ! Khăng khăng không cho tôi bén mảng lên chiếc giường cưới của mình, thế mà họ lại chứa chấp con vật hôi hám này. Tôi bèn nắm đuôi Mun kéo thật lực, khiến nó sợ hãi bỏ chạy. Rồi tôi leo lên thế chỗ nó.

Ngày... tháng... năm...

Tôi tỉnh dậy lúc 3 giờ. Tôi chỉ muốn gào to lên vì nỗi cô đơn, nhưng tôi biết cũng chẳng ích gì. Bởi vậy tôi lại tự ra khỏi giường, tiến về chiếc giường cưới, khủng bố con Mun và chiếm chỗ của nó...

Ngày... tháng... năm...

Chẳng hiểu sao tinh thần tự lập của tôi lại không được Chàng và Nàng hoan nghênh. Họ làm như thể tôi quấy rầy họ lắm vậy. Lạ thật, so với con Mun tôi đâu có chiếm bao nhiêu diện tích đâu!

Ngày... tháng... năm...

Sáng ra Chàng ca cẩm với Nàng: “Bó tay với Cún. Chắc là chiếc giường cũi giờ bé quá. Hay là mình mua cho con cái giường mới…” Thế đấy, bố mà chẳng hiểu con tẹo nào.

 vụ cảm cúm của chàng trai 22 tháng

Khi 22 tháng người ta có thể làm rất nhiều trò láu cá mà cha mẹ chẳng thể ngờ. (Ảnh minh họa).

Ngày... tháng... năm...

Chợt nhớ là đã khá lâu rồi mình chẳng đau ốm gì, tôi quyết định sẽ “phát ban” bằng cách tự… cào cấu. Tối về, thấy tay và ngực tôi mẩn đỏ, mẹ hốt hoảng mở laptop để google rồi bò ra sàn so sánh các hình ảnh trong đó với những vết đỏ trên người tôi. Những vết ban của tôi không đỏ như kiểu rubella mà cũng không dày như thủy đậu, nên mẹ càng lo tợn. Nàng ngờ rằng tôi bị một căn bệnh khủng khiếp nào đó mà khoa học chưa biết đến.

Ngày... tháng... năm...

Tiếc là sáng hôm sau những vết ban “tự chế” đã lặn mất. Mình cần phải bị cảm lạnh, cần sổ mũi, tôi nghĩ. Thế là tôi bắt đầu cố tình xì thật mạnh để mũi sổ ra. Khi mũi chảy xuống miệng, tôi hé mồm đùn thêm nước bọt ra để chúng trộn với nhau và dễ dàng chảy xuống cằm, rớt lên ngực áo. Phát hiện ra đám mũi dãi ấy, bác Nhâm (người vẫn đến trông nom tôi hàng ngày) liền lấy yếm dãi đeo cho tôi. Tiếc quá! Nhưng bù lại, đến chiều mẹ về bác mách mẹ: “Cún bị sổ mũi đấy!”. “Nhiều không bác? Có sốt không? Có ho không?” – mẹ hỏi như liên thanh. “Không, chắc chỉ cảm nhẹ thôi”, - bác Nhâm vừa trả lời vừa khoác chiếc áo dạ bảnh bao của mình vào và chào ra về.

Một tình thương mến bỗng trào dâng. Tôi nhoài người ôm bác Nhâm và phủ lên cổ, lên má bác những nụ hôn thắm thiết. Cổ chiếc áo dạ của bác liền được tô điểm bởi những dải nước mũi xanh xanh. Bác gần như giật tôi ra và gí vào tay mẹ - lúc đó đang diện một bộ vét đen lịch duyệt. Sau vòng ôm sôi nổi của tôi, bộ vét của mẹ cũng dính đầy mũi dãi. Mẹ bị choáng ngợp trước những cảm xúc trái ngược. Vừa xót bộ vét, vừa thương con trai sổ mũi dữ quá, vừa khâm phục nó ốm mà vẫn ngoan thế.

Thật hay là tối nay mẹ cho tôi ăn cháo nghiền khoai tây và tráng miệng bằng chuối nạo – toàn những thứ có tông màu rất dễ lẫn với nước mũi. Thế là tất cả những gì chảy từ mũi và miệng ra đã được tôi hòa thành một hỗn hợp sền sệt và khéo léo bôi lên áo, lên bàn ghế, lên cả người mẹ nữa. Ăn tối xong, nghĩ rằng mình ngoan ngoãn như thế là quá đủ rồi, tôi bắt đầu chuyển sang màn ỉ ôi. Rên rỉ ỉ ôi thì tôi rành lắm. Căn bản là phải tìm được tông ai oán và cố kéo càng dai càng tốt. Tôi bám chặt mẹ, dụi cái miệng lem nhem vào ngực mẹ, hy vọng mẹ mủi lòng mà cho tôi ngậm ti. Nhưng mẹ rất kiên định, nhất định tách tôi ra đặt xuống giường. Tôi rên rỉ lâm ly hơn và bổ sung thêm chiêu thở phì phò đứt quãng như thể bị tắc thở đến nơi vậy. Điều này khiến mẹ thật sự lo lắng và Nàng quyết định cho tôi ngủ chung. Mệt lử vì các chiêu trò vừa rồi, tôi ngủ thiếp đi trên chiếc giường cưới đáng mơ ước.

Bài liên quan:

Ngày... tháng... năm...

Sáng ra, mẹ than rằng cả đêm không chợp mắt được vì lo tôi ngạt thở. Thừa thắng xông lên, cả ngày hôm nay tôi lại để chiếc mũi của mình hoạt động y như một chiếc máy trộn bê tông. Ngoài ra, tôi còn phát minh ra thủ thuật mới: xì mũi thật lực để tạo ra một dải mũi dài rồi lắc đầu mạnh cho dải mũi ấy bay tứ phía. Khi đã thành thục thủ thuật này, buổi chiều tôi cho mẹ tận mắt chứng kiến cảnh cả dòng mũi dãi của tôi phóng thẳng vào chiếc quần nỉ của bác Nhâm trước khi bác ra về. Ăn uống, tắm rửa xong xuôi, mẹ đặt tôi vào giường và nghiêm nghị nói: “Cún nghe đây, sáng mai mẹ có một cuộc họp quan trọng, bây giờ mẹ phải chuẩn bị tài liệu. Vì vậy, làm ơn đừng có quấy mẹ... Cún rất giỏi và Cún sẽ ngủ ngoan, đúng không?"

Ngày... tháng... năm...

Vừa thức giấc tôi đã thấy mẹ ngồi ở bàn với mớ tài liệu. Bố vội đi làm sớm nên chẳng được thấy cảnh mẹ trong bộ vét đen thanh lịch (vừa được tẩy hấp lại) bức xúc đi tới đi lui trong lúc chờ bác Nhâm. Và bố cũng không phải nghe cuộc điện thoại của bác Nhâm giải thích rằng do bị lây cúm từ tôi nên bác không đến được... Bố cũng không phải chứng kiến cảnh mẹ đã khúm núm gọi cho sếp phân trần vì sao không thể đến họp. Chỉ đến tối về bố mới được chiêm ngưỡng bộ vét đen của mẹ lem nhem mũi dãi.

Ngày... tháng... năm...

Dù rất khoái chí nhưng tôi không để lộ ra mặt. Tôi tiếp tục rên rỉ và sổ mũi với sự trợ giúp của nước bọt và món chuối nghiền. Bác Nhâm vẫn chưa bình phục, vì vậy, mẹ phải ở nhà trông tôi. Mẹ lại phải gọi điện cho sếp xin xỏ, hứa hẹn... Một ngày đánh vật với đứa con đau ốm khiến mẹ bơ phờ. Cầm cự được đến lúc bố về thì mẹ nằm vật ra giường bảo rằng mẹ đau đầu khủng khiếp. Đêm đó, đến lượt bố mất ngủ bởi những rên rỉ ỉ ôi và dọa… ngưng thở của cậu con trai yêu.

Ngày... tháng... năm...

Mẹ không dậy nổi, mẹ bị cúm nặng. Bác Nhâm vẫn nằm nhà. Bởi vậy, bố phải nghỉ việc trông tôi. Bố gọi điện đến công ty và hình như đã bị sếp trách cứ rất nặng nề. Sếp của bố là người rất phong kiến nên chuyện đàn ông ở nhà trông con rất kỳ cục trong mắt ông ta. Tôi lại ra sức hắt hơi, ho, rên rỉ, sổ mũi. Đến tối thì bố cũng mệt lử vì tôi. Với lòng khoan dung của người chiến thắng, đêm nay tôi để cho Chàng và Nàng được ngủ nghê yên ổn.

Ngày... tháng... năm...

Giờ thì bố cũng lăn ra ốm (tuyệt chưa, tôi đã quật ngã cả ba người!). Vậy nên bà ngoại được cắt cử đến trông tôi. Tôi không xì mũi nữa, nhưng vẫn ráng ho, hắt hơi, rên rỉ ỉ ôi. Bố cho rằng bà ngoại chiều tôi quá khiến tôi hư (quả là có mặt bà tôi càng nhũng nhiễu hơn). Còn bà ngoại thì cho rằng bố đã quan trọng hóa chuyện ốm đau của bố, chứ đàn ông đàn ang cảm mạo thì nhằm nhò gì. Đến chiều bà ngoại bỗng dưng thấy khó ở.

Ngày... tháng... năm...

Bà ngoại không đến được – bà cũng bị cúm nốt. Vì thế đến phiên bà nội trông tôi. Mẹ lầm bầm rằng bà nội cứ chiều quá nên làm tôi hư thêm. Còn bà bóng gió rằng mẹ đã không quan tâm đúng mức đến bệnh tình của bố. Tạng bố vốn không khỏe, rất dễ ốm, bà nói. Ngoài ra, bà còn chê bếp nhà tôi không được sạch sẽ, ngăn nắp. Cũng cần nói thêm rằng, đến tối thì bà nội bắt đầu hắt xì hơi.

Ngày... tháng... năm...

Bà nội không đến được vì bà cũng bị cảm cúm, y như bà ngoại. Nhưng may là bác Nhâm đã khá hơn nên hôm nay bác tới làm việc. Tuy nhiên, đến chiều, bác lại thấy mệt và ra về với vẻ mặt nhăn nhó. Còn tôi, tôi cảm thấy rất sảng khoái, tôi chẳng buồn ho hen sổ mũi gì nữa. Tuy nhiên, nếu cần thì tôi có thể “tái nhiễm” một cách rất dễ dàng, như các bạn đã biết đấy.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm