Nội dung

Vừa trở về từ Tuần lễ Thời trang châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), không kịp mừng sinh nhật mình (1/12), nhà thiết kế Võ Việt Chung đã phải gấp rút chuẩn bị bộ sưu tập mới. Ngày 10/12 tới đây, anh sẽ cùng phóng viên tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới Vogue đi Nha Trang và Hạ Long, thực hiện những trang báo giới thiệu trang phục mùa xuân trên nền lãnh Mỹ A.

Võ việt chung - chuông đã ngân vang

Nhà thiết kế Võ Việt Chung.

Lần đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn thời trang quốc tế vừa qua tại Malaysia, với sự tham dự của các nhà thiết kế hàng đầu thuộc 16 quốc gia châu Á, bộ sưu tập với 13 mẫu trên nền lãnh Mỹ A, điểm xuyết nghệ thuật thêu tay tinh xảo và kết hợp với những chiếc khăn choàng của Võ Việt Chung, đã gây bất ngờ, chinh phục đông đảo khán giả. Khi anh nắm tay người mẫu Phi Thanh Vân bước ra trong bộ trang phục thứ 13, tức chiếc áo dài VN, tiếng vỗ tay ngạc nhiên tán thưởng đã nổi lên không ngớt. Anh đã được báo chí hàng đầu của Malaysia và châu Á đặt ra nhiều câu hỏi lý thú. Đặc biệt, kênh truyền hình CNN (Mỹ) đã có cuộc phỏng vấn 30 phút về công việc cũng như về bộ sưu tập lãnh Mỹ A của Việt Chung.

Gia đình Võ Việt Chung ở xã Thông Tây Hội, Củ Chi, vốn có tiếng là một gia đình theo nghề giáo lâu đời. Tốt nghiệp phổ thông, anh vào nội thành ở với chị ruột. Vốn có năng khiếu hội họa, vừa đi học, anh vừa sao chép tranh và tối về phụ chị may quần áo gia công cho khách. Công việc làm thêm với mục đích kiếm tiền học đại học dần dần có sức hút mãnh liệt đối với anh. Võ Việt Chung xin đi học vẽ, rồi học may ở một tiệm may lớn với quyết tâm trở thành một người thiết kế thời trang. Khởi nghiệp bằng một tiệm may nhỏ có tên “Chung fashion” trên đường Lê Văn Sỹ (Tân Bình), anh vừa may vừa tạo nhiều mẫu mã mới, đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của người trẻ nên khách hàng ngày một đông. Tiếng lành đồn xa, chỉ là chủ một tiệm may nhỏ, là người tạo mẫu tự phát, anh được chuyên gia trang điểm nổi tiếng Ánh Linh mời tham gia biểu diễn thời trang trong một chương trình do chị phụ trách tại Nhà Văn hóa Phụ nữ. Đó là lần đầu tiên Võ Việt Chung được biết đến như một nhà thiết kế trang phục. Từ sàn diễn nghiệp dư ở Nhà Văn hóa Phụ nữ, anh được nhà tạo mẫu kiêm “ông bầu” Vũ Dũng mời về cộng tác trong chương trình thời trang hằng tuần tại sân khấu IDECAF.

Bước ngoặt đầu tiên như chiếc đòn bẩy, đẩy Võ Việt Chung tiến nhanh trên con đường sự nghiệp là khi anh được là một trong những người VN đầu tiên tham dự cuộc thi thời trang quốc tế Makuhari (Nhật Bản) năm 1997, vào đến chung kết và được bình chọn là nhà thiết kế xuất sắc. Danh hiệu đầu tiên này đã đem lại sự chú ý và được công chúng nồng nhiệt ủng hộ, khi cũng trong năm ấy, lần đầu tiên, anh trình làng bộ sưu tập áo dài ghi đậm phong cách Võ Việt Chung của mình.

Vốn là con trai áp út trong số sáu anh chị em, Võ Việt Chung được hưởng nhiều hơi ấm của những người phụ nữ trong gia đình như bà ngoại, mẹ, các chị... nên khi thực hiện bộ sưu tập Họa tiết phương Nam, anh đã lấy cảm hứng từ chiếc áo túi của mẹ và gắn vào đó những hoa văn là hình ảnh cây bông lục bình ở ao nhà, chiếc lư đồng của ông ngoại bày trên bàn thờ. Rồi khi được học bổng đi tu nghiệp ngành thời trang cao cấp tại Italy và Đan Mạch do Hiệp hội Thời trang châu Âu tổ chức (2000 - 2002), lúc làm bộ sưu tập tốt nghiệp, đòi hỏi phải có cái gì mang nét đặc trưng dân tộc VN, Võ Việt Chung lại gọi điện về “cầu cứu” mẹ.

Mẹ anh đã phải trở về Tân Châu, An Giang, tìm gặp những người bạn cùng thời, tìm kiếm vải lãnh Mỹ A cho anh. Thế nhưng, thực tế đã rất... phũ phàng: nghề dệt lãnh Mỹ A ở đây gần như bị bỏ phế từ nhiều chục năm qua. Qua gia đình, anh đã nỗ lực động viên mọi người gây dựng lại làng nghề lụa Tân Châu, trong đó có lãnh Mỹ A, một chất liệu nhuộm thủ công bằng vỏ cây, đẹp bền của VN đã nổi tiếng ở nước ngoài từ cả trăm năm trước. Sau rất nhiều nỗ lực, lãnh Mỹ A rồi cũng được gửi sang Italy và bộ sưu tập tốt nghiệp của Võ Việt Chung được trình làng: 10 mẫu trang phục phong cách châu Âu của thế kỷ 19 (1840 - 1890) đã trở nên sang trọng, quyến rũ và lạ mắt trên nền vải lãnh Mỹ A của quê hương Nam Bộ VN. Từ bộ sưu tập này, lụa Tân Châu đã được người nước ngoài, Việt kiều về tận nơi đặt hàng, làm sống lại một làng nghề tưởng đã mai một sau hơn 30 năm bị quên lãng.

Có dịp tiếp xúc nhiều với thời trang thế giới, Võ Việt Chung nhận ra rằng, nếu không mang nét đặc trưng văn hóa dân tộc, để bị sao chép đa văn hóa, ngành thời trang VN sẽ không thành công. Chất liệu làm nên phong cách nhà thiết kế, nên cho dù đã may mắn có được chất liệu cho riêng mình, anh vẫn khao khát tìm được thêm nhiều chất liệu khác nữa cho những bộ sưu tập mới. Và anh sẽ tiếp tục dùng chất liệu lãnh Mỹ A để làm khăn choàng, túi xách, giày dép và các vật dụng trang trí nội thất.

Phần đông khách hàng hiện nay của Võ Việt Chung là các “quý ông, quý phu nhân”, nhưng trong năm 2005 tới đây, sản phẩm của anh sẽ nhắm đến khách hàng công nhân viên chức, người lao động bình dân. Anh thật lòng ao ước như vậy, bên cạnh ao ước lớn hơn là thời trang VN được thế giới đón nhận.

(Theo Người Lao Động)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Hồ Ngọc Hà: ‘Thời trang cổ điển là sự vĩnh cửu’

Điện thoại, mascara, mắt kính, dép xỏ ngón, nón, quần jeans và bóp đựng tiền là những thứ không thể thiếu của Hồ Ngọc Hà từ khi là người mẫu cho tới bây giờ là ca sĩ. Với cô ca sĩ đang tạo dựng hình ảnh này, thời trang vẫn là niềm đam mê không thể dứt bỏ.

Xem thêm  

Những người đẹp nhất thế giới

Cuộc đua tài giữa các người đẹp tại Miss World 2004 đã kết thúc. Vinh quang được trao cho người xứng đáng, và chiến thắng thuộc về tất cả 107 hoa hậu. Vẻ đẹp rạng ngời trên khuôn mặt các người đẹp đã thực sự khiến người hâm mộ và cả ban giám khảo phải lúng túng khi lựa chọn.

Xem thêm  

Miss World 2004 - vẻ đẹp châu Mỹ lên ngôi

Vượt qua 106 ứng viên, hoa hậu Peru Maria Julia Garcia đã trở thành người chiến thắng. Chiếc váy xanh thanh lịch, rất phù hợp với vương miện màu ngọc bích, càng tôn thêm vẻ quý phái của cô khi đăng quang. Á hậu II thuộc về người đẹp đến từ Mỹ và Á hậu I là niềm tự hào của Cộng hoà Dominica.

Xem thêm