Alex và Jana (người Đức) đã đạp xe qua 14 nước trong hơn một năm qua và Việt Nam là một điểm dừng chân trong chặng chinh phục châu Á.
"Mẹ tôi không ủng hộ chuyến đi này vì cho rằng rất nhiều nguy hiểm rình rập, song bố tôi thì ủng hộ. Ông đã về hưu nên thấy nuối tiếc những trải nghiệm không có được lúc trẻ tuổi", Alex nói.
Quyết định táo bạo
Đôi vợ chồng chia sẻ, họ đã rất băn khoăn về phương tiện để đi vòng quanh thế giới, cuối cùng quyết định chọn xe đạp vì có thể tiết kiệm chi phí, dễ dàng mang qua cửa khẩu biên giới mà hải quan không kiểm tra như các phương tiện khác. Đặc biệt đạp xe chậm sẽ giúp cả hai thưởng ngoạn phong cảnh, dễ giao tiếp với người dân trên đường đi và thân thiện với môi trường.
Họ đã mua 2 chiếc xe đạp trekking cỡ lớn, mỗi chiếc mang theo khoảng 30-40 kg hành lý, trong đó chứa đủ các đồ dùng cần thiết như túi ngủ, lều, đồ nấu nướng, quần áo, đồ sửa xe, thiết bị liên lạc... Alex cho biết, chi tiêu mỗi ngày cả tiền ăn, ngủ, bảo hiểm khoảng 8 euro (225.000 đồng) mỗi người, cộng thêm chi phí visa qua các nước chừng 2 euro (tương đương 56.000 đồng) mỗi ngày.
Lộ trình đã vạch ra song chuyến đi của hai vợ chồng rất ngẫu hứng, trung bình đạp xe 50 km mỗi ngày, có nơi họ ở lại những 4 tháng như thổ nhĩ kỳ , song tại Slovenia chỉ vỏn vẹn 4 ngày. Tại một số đất nước, hai người ở lại và làm việc đơn giản trong vài tháng để kiếm tiền. Hiện nay, họ đã đi qua 13 nước là Đức, Slovenia, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazachstan, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc với tổng quãng đường đạp xe khoảng 8.200 km, còn lại đi tàu hoặc đi nhờ xe tải trong cả chặng đường hơn 30.000 km.
Alex cho biết, họ sẽ ở Việt Nam khoảng một tháng, sau đó đạp xe đến Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Australia, New Zealand...
Trải nghiệm thú vị
Jana cho hay, trên đường đi, họ luôn được người dân chào đón, được mời ăn uống, tham gia lễ hội... Họ cũng nhiều lần đối mặt với sự cố như hỏng xe, ốm đau, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia và thử thách qua nhiều cung đường rất nguy hiểm. Jana kể, đường ở Mông Cổ là khó khăn nhất, nhiều đoạn không thể đạp mà phải dắt xe. Những ngọn núi cao ở Trung Quốc cũng thử thách lòng dũng cảm của đôi vợ chồng.
"Có lần chúng tôi bị gãy trục xe ở Trung Quốc vào đêm tối và phải gõ cửa một gia đình xin ngủ nhờ. Họ chỉ chúng tôi sang ngôi trường ở bên cạnh nhà và chúng tôi trải lều ngủ ở đó. Hôm sau chúng tôi phải đi nhờ xe tìm nơi bán phụ tùng để thay thế", Alex kể. Đôi vợ chồng cũng chia sẻ kinh nghiệm khi khó giao tiếp với người Trung Quốc, họ hay chọn quán ăn có hình vẽ món ăn hay mỗi người chuẩn bị 20 tệ (gần 70.000 đồng) và ra dấu hiệu là số tiền họ sẽ trả.
Nói về người bạn đồng hành, Alex cho hay, có những đôi vợ chồng cùng nhau du lịch khám phá đã phát sinh tranh cãi và tình cảm bị tan vỡ. Với vợ chồng Alex, chuyến đi giúp họ gắn bó chặt hơn khi cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn.
"Tôi khỏe hơn Jana nên nhiều đoạn tôi đạp xe lên núi trước rồi bỏ xe, chạy bộ xuống đưa xe của Jana lên núi. Có những lúc tôi mệt thì cô ấy lại chăm sóc tôi", Alex chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng thường kêu gọi sự giúp đỡ của dân địa phương để ngủ nhờ hoặc ngủ lều tại những nơi an toàn. Song với Alex, thích nhất là ngủ dưới bầu trời vì họ được gần thiên nhiên.
Dừng chân tại Việt Nam
"Mỗi một đất nước đều có cảnh đẹp rất khác nhau nên khó có thể nói được nơi nào đẹp hơn", Alex nói. Anh rất thích đạp xe ở núi rừng phía bắc Việt Nam giữa thiên nhiên bao la. Nhiều người Việt Nam cũng rất thân thiện, từ xa đã vẫy chào vợ chồng anh.
Đến Hà Nội, họ đã tham quan nhiều danh thắng như hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu... Alex cũng rất thích những món ăn vỉa hè ở Hà Nội và gọi những hàng cơm bụi là "buffet đường phố".
"Tôi muốn hành trình được tiếp tục mãi, mỗi quốc gia đem lại cho tôi những trải nghiệm thật thú vị", Jana nói.
Nói về khác biệt văn hóa, Alex nhận xét, ở châu Âu, mọi người thường vay tiền đi du lịch, còn tại Việt Nam mọi người thường tích lũy tài sản cá nhân hơn là dành tiền đi du lịch. Theo anh, giới trẻ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho du lịch và học tập hơn là mua sắm cá nhân để trải nghiệm nhiều hơn, không hối tiếc khi về già.
Hai vợ chồng cho biết, chặng đường của họ còn rất dài, chưa biết khi nào sẽ quay trở về quê nhà. Trước mắt, họ sẽ đi qua châu á rồi định cư ở New Zealand một thời gian để làm việc, kiếm tiền cho các chuyến đi tiếp theo, có thể là châu Mỹ, châu Phi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet