Sinh con lành lặn khoẻ mạnh nhưng chỉ vì ham “vỗ béo”, muốn con mau tăng cân cộng với sự mù mờ thiếu hiểu biết mà nhiều bà mẹ đã vô tình hại con bằng những gói thuốc cam của các “lang vườn”. Sự việc bé sơ sinh 6 tháng tuổi ở Quốc Oai bị ngộ độc chì nặng do mẹ mua thuốc cam pha nước cháo cho con ăn liên tục một tháng đã một lần nữa là hồi chuông cảnh báo các bà mẹ về loại thuốc “gia truyền” đầy nguy hiểm này.
Co giật, hôn mê vì thuốc cam
Ngày 24/11/2014, Bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận một trường hợp trẻ ngộ độc thuốc cam. Đó là một bệnh nhi nhỏ tuổi, bé T.N.Vũ ở Quốc Oai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân rồi rơi vào trạng thái li bì, tím tái. Được biết, trước đó 1 tháng, do sốt ruột vì con trai biếng ăn, tăng cân kém, chị Lan_mẹ bé Vũ đã mua 1 lạng thuốc cam pha với nước cơm cho con uống liên tục trong vòng 1 tháng. Đến ngày 24/11, thấy bé co giật nửa người trái kèm theo mệt mỏi, bỏ bú, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, quan sát biểu hiện của bệnh nhân kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bé Vũ bị nhiễm độc chì rất nặng. Vũ được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì. Sau gần 3 ngày điều trị, cháu bé vẫn chưa thoát cơn hôn mê.
Bé trai bị ngộ độc chì vẫn hôn mê sau 3 ngày điều trị
Cần nói, đây không phải là trường hợp trẻ ngộ độc thuốc cam đầu tiên nhập viện. Theo thống kê từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 01/ 2013 đến nay có 797 bệnh nhân đến khám, trong đó có 179 trẻ em ngộ độc chì mà phần lớn đều liên quan đến sử dụng thuốc cam nhằm tẩm bổ, tăng cân.
Thậm chí có nhà, cả 2 anh em đều nhập viện do cha mẹ cho uống thuốc cam như trường hợp hai bé bé V.T.Long (2 tuổi và V.X.Thành (7 tháng) ở xã Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội. Theo đó vào tháng 4/2012, bé Long được đưa vào Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc chì. Theo Nguyễn Thị Bê – bà nội của Long cho biết: Khoảng 1 tuần trước, khi thấy 2 con có triệu chứng biếng ăn lại bị tiêu chảy, mẹ cháu Long mua hai gói thuốc cam màu xanh đỏ với giá 15.000 đồng/gói ở chợ Sêu tại xã về cho uống và đánh tưa lưỡi. Sau 1 ngày sử dụng, bé Vũ Xuân Thành (7 tháng tuổi, em trai bé Long), có hiện tượng sốc, tím tái, co giật nên mẹ ngừng bôi và cho con đi khám.
Bác sĩ ở Bệnh viện huyện Mỹ Đức chẩn đoán cháu bị viêm não, khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương khám và làm xét nghiệm máu, được kết luận cháu bị ngộ độc chì với tỷ lệ 140mcg/dl (cao gấp 7 lần chỉ số chì cho phép trong máu). Quá lo ngại, mẹ cháu đưa cả con lớn đi khám, không ngờ cả cháu Long cũng bị ngộ độc chì.
Bà nội bé Long và cháu cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai
Không may mắn sống sót như bé Long, bé Vũ, một bé gái 8 tháng tuổi đã tử vong do ngộ độc chì quá nặng khi sử dụng thuốc cam. Bệnh nhi này là cháu Nguyễn Thị Ngọc H. (8 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 19/4/2012. Khi H. được chuyển tới BV Nhi TƯ đã ở trong trạng thái co giật, hôn mê và được điều trị cấp cứu. Sau gần 1 ngày dù được các BS nỗ lực cấp cứu, hồi sức nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Yêu con quá lại hoá hại con
Thuốc cam là một loại thuốc đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc nam và dược liệu kết hợp, vốn từ xưa đã được các bà các mẹ rỉ tai nhau là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân. Thậm chí ở một số vùng nông thôn, thuốc cam còn được quảng cáo như một loại “thuốc tiên” có thể chữa được bách bệnh: lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy….cho trẻ em.
Trước đó, vào đầu năm 2012, Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm “thuốc cam” và bệnh phẩm thì có 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu 85% chì). Mặc dù không hề được đăng ký kiểm đinh, cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng những loại thuốc cam này vẫn trôi nổi trên thị trường và được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con.
Thuốc cam trôi nổi trên thị trường, không nhãn mác không kiểm định.
Từ sự mù mờ trong thông tin, coi thường việc tự kê đơn thuốc đến sốt ruột, nôn nóng với cân nặng của con mà nhiều bà mẹ đã vô tình khiến trẻ bị ngộ độc thuốc cam. Ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam sẽ không thể hiện ngay lập tức nhưng nó ngấm dần vào cơ thể và gây ra rất nhiều tổn hại, thậm chí nếu có phát hiện chữa trị, cả chục năm sau lượng chì cũng chưa thể thoát ra khỏi cơ thể trẻ.
Về thần kinh: Trẻ sẽ có các biểu hiện cấp tính như: tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Về tiêu hóa: Trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn. Về máu, nếu sử dụng lâu ngày, da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu
Hi vọng những bài học trên sẽ là lời cảnh tỉnh để các gia đình đừng vì ham tăng cân, bồi bổ cho con cháu mà tự ý mua và sử dụng các loại thuốc cam để uống, bôi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet