Tiêu chảy ở trẻ em là một trong những bệnh có nguy cơ mắc cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất ở trẻ em trong mùa hè. Khi bé bị tiêu chảy mà khóc không ra nước mắt cần phải đưa đến viện ngay vì lúc này bé đã mất nước trầm trọng.
Trẻ có thể tử vong nếu dùng thuốc tùy tiện
Nhớ lại vụ thập tử nhất sinh của con gái cách đây 2 tuần, chị Ngô Thu Loan, mẹ bé Khánh Thi, 18 tháng tuổi ở Đồng Nai vẫn chưa hết bàng hoàng: Trước đó, con gái chị bị đi ngoài. Vì bận làm cỗ đám cưới cho cô em gái nên chị Loan cho con uống 1/3 liều thuốc cầm tiêu chảy của người lớn. Chỉ sau hai lần uống thuốc, cơn tiêu chảy của bé Khánh Thi đã được chặn đứng. Tuy nhiên, sau khi đưa cô em gái về nhà chồng, chị Loan mới có thời gian ngó tới con gái thì thấy con ăn rất ít, bụng chướng to hơn và rất cứng. Chị Loan đưa con vào bệnh viện thì tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo con gái chị bị tắc ruột do phân ứ không bài xuất ra ngoài được.
Tương tự, anh Phan Dũng (ở quận Tân Bình, TP HCM) cũng chữa tiêu chảy cho con bằng cách cho con ăn búp ổi non cùng một số biện pháp dân gian cầm tiêu chảy. Cháu bé sau khi được bố và bà nội “điều trị” thì cũng cầm ngay bệnh tiêu chảy. Thời gian sau đó, cháu bé thường ôm bụng kêu đau quằn quại. Sờ vào bụng con, anh Dũng hốt hoảng khi thấy bụng cậu bé cứng và chướng to hơn bình thường. Đưa con vào viện khám, bác sĩ cho biết cháu bị viêm ruột do phân ứ đọng lâu ngày.
BS Hoàng Lê Phúc (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, bệnh tiêu chảy thường là do trẻ bị nhiễm virus hoặc vi trùng trong đường ruột. Nếu bé bị tiêu phân lỏng, không đàm máu thì thường bệnh kéo dài trung bình 5-7 ngày, sau đó tự giới hạn. Đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ bảo vệ cơ thể thải trừ vi trùng, chất độc ở đường ruột. Các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột làm phân không được thải ra ngoài trong khi trẻ vẫn bị tiêu chảy. Nếu phân không được bài xuất ra ngoài và ứ lại trong ruột sẽ khiến trẻ lâm vào tình trạng viêm, tắc ruột, thủng ruột, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, tử vong nếu để lâu ngày.
Dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng
Cũng theo BS Hoàng Lê Phúc, nguy hiểm nhất của tiêu chảy ở trẻ nhỏlà do mất nước và muối. Trong trường hợp này, trẻ sẽ nhanh chóng bị khô kiệt, thậm chí tử vong nếu không được bù nước thích hợp và kịp thời. Vì vậy, cần đưa trẻ đến viện ngay nếu thấy trẻ lâm vào tình trạng sốt cao liên tục, co giật, nôn ói nhiều, không ăn uống được, chướng bụng…hoặc khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng hơn, vì tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn ở ngoài đường tiêu hóa.
Ngoài ra, một trong những dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ lâm vào tình trạng mất nước trầm trọng như: Mắt hõm sâu, miệng khô, khát nước, khóc không thấy nước mắt, tiểu tiện ít, không muốn ăn và uống nước, nôn nhiều lần, trong 1-2 giờ đồng hồ đại tiện ra nước nhiều lần, trong phân có máu thì ngay lập tức phải đưa đến viện cấp cứu ngay vì trẻ đang bị đe dọa tính mạng.
Để tránh mất nước, BS Hoàng Lê Phúc khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước chín, nước khoáng, nước dừa tươi. Có thể dùng dung dịch Oresol nhưng chỉ uống sau tiêu chảy và theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ bị tiêu chảy càng cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như lúc bình thường, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn của trẻ. Trong trường hợp trẻ không ăn được nhiều do mệt vì mất nước, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, mềm, đút chậm vì trẻ dễ nôn ói. Không nên cho trẻ uống nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, gas. BS Hoàng Lê Phúc cũng cho rằng, bệnh tiêu chảy lây qua đường phân - miệng nên để phòng ngừa, cha mẹ nên giữ vệ sinh ăn uống, không nên cho trẻ bò lê trên sàn nhà, không nên cho trẻ ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi.
Với những trẻ tiêu chảy không mất nước có thể điều trị tại nhà và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ cần được theo dõi số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng uống bù nước và ăn uống. Trẻ còn bú sữa vẫn tiếp tục bú sữa pha như bình thường, không được pha loãng hơn. Chỉ phải đổi sữa nếu trẻ tiêu chảy nhiều hơn rõ rệt sau mỗi cữ bú. Bởi tình trạng này có thể do bé không dung nạp chất lactose trong sữa, do đó cha mẹ sẽ phải đổi sang loại sữa không có lactose cho bé. Thường thì loại sữa này chỉ dùng trong khoảng 2 tuần.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet