Táo bón là bệnh lý không chỉ gây khó khăn, đau đớn cho trẻ khi đi ngoài mà còn khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. Bác sĩ nhi Nguyễn Thanh Hà (Bệnh viện Hồng Ngọc) sẽ tư vấn một số thông tin liên quan đến bệnh táo bón, giúp phụ huynh hiểu hơn về căn bệnh này và có sự điều chỉnh hợp lý về chế độ ăn để giảm bớt táo bón cho trẻ.
Xin hỏi bác sĩ trẻ đi tiêu thế nào là bình thường? Làm sao để biết trẻ táo bón và táo bón thường gặp ở lứa tuổi nào?
Câu hỏi của độc giả Trần Lê Vy (vyle...@...)
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà: Khi trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần có thể xem trẻ bị Táo bón. Phân của trẻ táo bón thường cứng, thành viên hoặc đóng khối có khi rất to làm nghẹt cả bồn cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý số lần tiêu phân của trẻ bình thường rất thay đổi theo lứa tuổi và theo chế độ ăn.
Trung bình trẻ bú mẹ nhỏ hơn 3 tháng, đi tiêu 3 lần/ngày nhưng có thể tiêu hơn 10 lần/ngày hoặc ngược lại hơn một tuần mới tiêu một lần nhưng vẫn không gọi là táo bón nếu phân vẫn mềm và trẻ vẫn bú, ngủ tốt. Với trẻ bú bình, số lần tiêu mỗi ngày trung bình từ lúc sinh đến 3 tháng là 2 lần, từ tháng thứ sáu trở đi là 1,8 lần; từ một tuổi giảm còn 1,4 lần và khi trẻ được 3 tuổi thì chỉ còn 1 lần.
Táo bón có thể gặp bất cứ ở lứa tuổi nào, với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên táo bón hiếm gặp hơn. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón là không đi ngoài được, vài ba ngày mới đi một lần hoặc cả tuần mới đi một lần và khi đi ngoài có phân cứng.
Táo bón đặc biệt thường xảy ra vào 3 thời điểm: sau khi bắt đầu ăn bột ngũ cốc và trái cây nghiền, trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu, sau khi bắt đầu đi học.
Táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).
Bác sĩ ơi, con gái em hiện hơn 7 tháng tuổi rồi. Vì em mất sữa sớm nên hiện tại bé bú ngoài hoàn toàn. Bé tăng cân và có chiều cao tốt. Gần đây con em bị táo bón, lúc đi ngoài thì có máu đỏ tươi lẫn trong phân. Bé không bị đau bụng, phân không cứng mà mềm. Xin bác sĩ cho hỏi liệu bé có sao không?
Câu hỏi của độc giả cucvantho...@...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà: Rất có thể chị đã nhầm lẫn vì bé đi ngoài phân không cứng mà mềm thì không phải là bị táo bón. Nguyên nhân phân dính máu có thể là do bé bị bệnh về đường tiêu hóa, ruột non, đại tràng, trực tràng hoặc nứt hậu môn.
Tốt nhất, chị nên đưa con đi khám chuyên khoa gần nhất để nhận được lời khuyên và tư vấn thuốc hợp lý.
Bé nhà em hiện được 10 tháng tuổi rồi. Hiện em vẫn cho con bú và có ăn dặm thêm sữa ngoài. Từ ngày bắt đầu ăn dặm 6 tháng tuổi đến nay, bé thường xuyên táo bón. Bây giờ mỗi lần đi cầu là em phải thụt. Em rất lo về tình trạng của bé vì bé bị sụt cân, hay khóc. Xin tư vấn giúp em.
Câu hỏi của độc giả maihoang...@...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà: Bắt đầu ăn dặm bé mới bị táo bón thì quan trọng nhất là phải xem lại chế độ ăn xem đã bổ sung chất xơ và dinh dưỡng hợp lý chưa. Hiện nay, nhiều mẹ có thói quen cho bé ăn quá nhiều thực phẩm thuộc nhóm protein là không nên. Thực đơn cho bé nên được phân bổ đều, hài hòa giữa nhóm protein và nhón chất xơ.
Thụt tháo là việc không nên, vì có thể gây hại đường tiêu hóa, hậu môn, trực tràng và tạo nên phản xạ về sau cứ phải làm như vậy mới đi ngoài được. Vấn đề cần làm là thay đổi chế đô ăn và bổ sung thêm nước, cho trẻ ăn loãng hơn…
Con em gần 1 tuổi, táo bón lâu ngày không khỏi nên bị nứt kẽ hậu môn gây chảy máu. Tôi đã dùng mật ong bôi hậu môn và cho bé uống thêm thuốc trị nhưng ngưng thuốc là lại bị. Hiện tôi cho con bú ngoài hoàn toàn và ăn dặm thêm. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị.
Câu hỏi của độc giả lequy..@...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà: Việc phụ huynh dùng mật ong bôi hậu môn như vậy cũng giống như thụt tháo là không nên, vì tạo cho trẻ phản xạ cứ bôi mật ong mới hết được táo bón. Việc cần làm là đưa đi khám để bác sĩ có thuốc hỗ trợ chữa táo bón.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phụ huynh phải xem lại chế độ ăn như bổ sung chất xơ, ăn loãng hơn và cho uống thêm nước sau ăn. Chế độ ăn để cải thiện tình trạng táo bón vẫn là quan trọng nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet