Quan niệm "ăn gì bổ nấy" khiến nhiều người có suy nghĩ sai lầm về dinh dưỡng khi cho rằng trẻ ăn óc heo giúp tư duy nhanh, tăng cường trí nhớ, thông minh hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, óc là một món ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất “nghèo”, thậm chí chứa nhiều chất gây hại cho cơ thể.
Hàm lượng các chất dinh dưỡng
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho hay, trong 100g óc heo chứa các thành phần dinh dưỡng như sau: Năng lượng chiếm khoảng 123kcal; Protid 9,0g; Lipid 9,5g (trong đó acid béo no 2,08g; acid béo không no 1 nối đôi 1,66g; acid béo không no nhiều nối đôi 1,43g; Cholesterol 2195mg ); Glucid 0,4g.
“Như vậy, óc heo là một loại thực phẩm giàu chất béo nhưng tỉ lệ các chất dinh dưỡng lại không cân đối. So với cá thịt, nó chứa lượng đạm thấp, các vitamin ít, nhất là các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K không có, sắt cũng ít. Vì vậy, nếu cho trẻ ăn óc heo trong thời gian dài mà không kết hợp với các loại thực phẩm khác sẽ khiến trẻ bị thiếu chất, lượng cholesterol quá cao so với nhu cầu, không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ cho biết.
Lưu ý khi cho trẻ ăn óc heo
Đối với những trẻ thích ăn óc heo, chỉ cho trẻ ăn 1-2 lần/tuần, mỗi lần từ 30-50g. Đặc biệt, nên phối hợp với các thực phẩm khác đủ bốn nhóm thực phẩm để chế độ ăn của trẻ được đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh dùng đơn điệu cho trẻ trong thời gian dài dễ làm tăng quá nhiều chất béo khẩu phần, làm trẻ ngán và biếng ăn. Ngoài ra, còn có nguy cơ thiếu vitamin A, thiếu sắt sẽ không tốt cho trẻ.
“Óc heo không tốt cho sức khỏe khi ăn trong thời gian dài, khẩu phần ăn đơn điệu, không đa dạng thực phẩm dễ làm bé thiếu chất, đặc biệt trẻ thừa cân và béo phì khi hàm lượng cholesterol cao dễ nguy cơ rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ...”, bác sĩ khuyến cáo.
Cách chế biến óc heo cho trẻ
Với óc heo, có thể chế biến các món đa dạng cho bé như súp, nấu cháo óc với đậu Hà Lan, óc hấp trứng và đậu phụ,...
Óc heo có thể chế biến các món ăn đa dạng cho trẻ như súp, cháo,...(ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Tường Vi: “Khi chế biến, cần làm sạch óc lợn để óc không bị tanh bằng cách bóc bỏ màng gân máu, rửa sạch lại óc rồi chế biến. Khi nấu nên kết hợp với những gia vị mạnh như củ gừng, lá gừng, rau răm để khử hết mùi tanh còn sót lại của óc”.
Bác sĩ cho biết thêm, khi nấu không nên cho nhiều nước, chỉ nấu vừa chín, không nấu quá lâu. Tốt nhất là chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm, vì nếu nấu nhiều nước và nấu chín kỹ thì sẽ làm giảm một lượng lớn phospholipid có trong óc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet