Ngày nay càng nhiều phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của Tiếng Anh trong cuộc sống cũng như chịu khó đầu tư cho trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, học Tiếng Anh vào thời điểm nào là thích hợp hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Một số bậc phụ huynh cho rằng đợi con vào tiểu học, biết đọc biết viết Tiếng Việt rồi hãng dạy Tiếng Anh, một số khác lại muốn đưa con đi học ngoại ngữ từ khi trẻ mới vào mẫu giáo….
Tuy nhiên, theo như tôi đã từng được đọc: 2 tuổi là thời điểm tốt nhất cho một đứa trẻ bắt đầu học ngoại ngữ và không được học muộn sau tuổi dậy thì. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ em 2 tuổi chưa trưởng thành khuôn mẫu cơ lưỡi, đây là giai đoạn cực kỳ có lợi cho trẻ trong việc nhận diện giọng nói, bắt chước giọng nói, việc hấp thu vốn từ vựng tốt hơn và dễ dàng phát âm chuẩn hơn.
Trẻ 2 tuổi đã có thể học Tiếng Anh (ảnh minh họa)
Với kinh nghiệm nuôi dạy 2 đứa con của mình, tôi phải công nhận nghiên cứu này đúng đắn. Trước đây, khi con gái tôi lên 7 tuổi, tôi bắt đầu cho con đi học tiếng Anh. Dù gia đình tôi đã cố gắng kiếm gia sư cũng như tìm cho bé các trung tâm dạy ngoại ngữ rất uy tín, con gái đầu của tôi vẫn mất rất nhiều thời gian mới có thể làm quen được với Tiếng Anh. Rút kinh nghiệm từ con gái lớn, khi con trai thứ hai của tôi mới được gần 3 tuổi tôi đã cho con làm quen với Tiếng Anh. Bây giờ, khả năng nói Tiếng Anh của con trai tôi thuộc loại tốt nhất lớp và đương nhiên cũng giỏi nhất nhà. Chính vì thế, theo tôi, miễn là ta giáo dục đúng cách, thì dạy ngoại ngữ càng sớm sẽ là càng tốt.
Vậy giáo dục tốt là như thế nào? Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình như sau:
Khơi gợi hứng thú của trẻ với Tiếng Anh
Điều đầu tiên ta cần quan tâm, đó là cố gắng tăng cường sự quan tâm, hứng thú của trẻ đối với việc học ngoại ngữ. Trẻ con không thể kiên nhẫn học những thứ khô khan hay những điều chúng không muốn không ưa. Chính vì vậy tôi tin rằng bằng cách cho trẻ thấy việc học Tiếng Anh chỉ như một trò giải trí, hiệu quả giáo dục ta đạt được sẽ lên theo cấp số nhân. Tôi luôn cố bày ra các trò chơi, học hát, vẽ…để kích thích sự quan tâm của con và khiến bé cảm thấy việc học Tiếng Anh là vô cùng thú vị. Khi trẻ đã thích, chúng sẽ chủ động ‘học’.
Tạo môi trường có ngoại ngữ cho trẻ
Như chúng ta đã biết, trẻ con Singapore rất giỏi Tiếng Anh nhưng cũng nắm vững ngôn ngữ Trung Quốc. Có được điều này chủ yếu là do môi trường song ngữ đặc trưng và rất phổ biến ở Singapore chứ không phải tại con cái họ thông minh hơn con chúng ta. Chính vì vậy, điều quan trọng tiếp theo đó là phải tạo cho bé một môi trường song ngữ. Tôi thường đưa con đến những khu vui chơi có nhiều trẻ em nước ngoài, cho con xem các chương trình phát sóng bằng Tiếng Anh, đăng ký cho bé học mầm non cũng nên chọn những trường song ngữ….Đối thoại với con trong nhà, tôi luôn chú ý sử dụng Tiếng Anh. Chẳng hạn như khi bé khát nước, tôi sẽ chờ cho con nói từ “water”, nếu con không biết, tôi cho con hỏi bố hoặc hỏi chị rồi sau đó nói lại cho mẹ nghe.
Không ép con học bằng mọi giá
Chuyên gia tâm lý trẻ em đã nói, khả năng tập trung của trẻ là rất ngắn, tối đa chỉ được 5 phút. Chính vì vậy, cha mẹ phải giữ được sự chú ý của trẻ mới có thể đạt được mục đích giáo dục. Nếu khăng khăng ép buộc con ngồi lắng nghe, thậm chí bằng cả cách treo thưởng hay phạt nếu con không học đều là phản giáo dục. Tôi không ép con học tiếp nếu bé có biểu hiện xao nhãng. Với những lỗi sai của con, cũng cần khoan dung và kiên nhẫn. Nếu lỗi ngôn ngữ của bé không quá ảnh hưởng đến việc dạy thì tôi không sửa chữa ngay lập tức. Điều này giúp giảm tâm lý căng thẳng và nâng cao sự tự tin của bé.
Thứ tự dạy ngoại ngữ
Trẻ con học ngoại ngữ sẽ khác với người lớn học ngoại ngữ. Thứ tự hợp lý và hiệu quả nhất cho trẻ, đó là học nghe, nói trước rồi sau đó mới học đọc học viết. Mẹ không nên bắt con mới bắt đầu học Tiếng Anh đã phải ngồi lấy vở bút để ghi chép. Điều này hoàn toàn vô ích. Lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp cũng sẽ thúc đẩy con nói Tiếng Anh được tốt hơn.
Theo chia sẻ của độc giả Nguyễn Thanh Trúc (Ba Đình, Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet