Cuối cùng sau hơn 9 tháng mang bầu dài đằng đẵng cùng sự hồi hộp chờ đợi cuối cùng tôi cũng đã bế trên tay thiên thần nhỏ đáng yêu của mình cùng một niềm hạnh phúc tột độ hơn ai hết. Cảm giác lần đầu tiên gặp con và những kỉ niệm ở bệnh viện sẽ là trải nghiệm khó quên trong đời mỗi bà mẹ trẻ. Tôi cũng vậy, tôi ghi nhớ như in những thủ tục y tế đầu tiên kiểm tra những biểu hiện của con, nhớ như in cảm xúc, sự ngạc nhiên, hơi thở và cả nhịp tim của con ngày ấy. Gửi những chị em sắp làm mẹ, tôi phác họa lại những trải nghiệm đầu tiên của mình
Các thủ tục y tế đầu tiên
Ngay sau khi đầu em bé xuất hiện, bác sỹ sản khoa sẽ sử dụng một ống hút tròn để làm sạch tất cả các chất lỏng có trong mũi và miệng của bé, làm thông thoáng để bé có thể thở dễ dàng hơn.
Khi phần còn lại của cơ thể bé xuất hiện, dây rốn sẽ được kẹp sang hai bên và một bác sỹ, hoặc y tá hoặc chính cha hay một người thân trong gia đình sẽ cắt chính giữa dây rốn. Máu của bé sẽ được lấy từ dây rốn để đem đi phục vụ các xét nghiệm cần thiết sau này.
Em bé sẽ được đánh dấu tên mẹ tên con và ngày giờ sinh để tránh nhầm lẫn (ảnh minh họa)
Không giống như trong phim
Nếu đây là đứa con đầu tiên chào đời, mẹ đừng ngạc nhiên khi trước mắt mình không phải là một tiểu thiên thần hồng hào,trắng trẻo như các bộ phim hay các câu truyện quảng cáo. Đương nhiên đối với mẹ con mình sẽ vẫn là điều tuyệt diệu nhất của cuộc sống nhưng trước hết hãy nhìn vào sự thật trước mắt.
Nếu mẹ sinh thường, đầu của bé được lôi ra từ đường sinh môn hẹp nên không tránh khỏi sự bất thường, và sẽ chỉ trở lại kích thước thông thường sau một vài ngày. Bàn tay và bàn chân của bé sẽ hơi xanh xao do chưa có sự lưu thông máu hoàn hảo. Nhưng ngay sau tiếng khóc đầu tiên, do tự nhiên hoặc do tác động vật lý, bé sẽ hồng lên đôi chút. Khi trẻ khóc càng nhiều càng có nhiều tác động tốt lên lồng ngực và các chuyển động của tay và chân. Dần dần trong những phút đầu tiên của sự sống bé sẽ chuyển từ màu xanh xao sang màu hồng hấp dẫn hơn rất nhiều. Tuy vậy các đầu ngón tay hoặc ngón chân của bé vẫn sẽ có đôi chút xanh và kéo dài trong vài tuần.
Hơi thở của con
Mẹ đừng lo lắng khi hơi thở của con có biểu hiện lạ. Tiếng ho của con, tiếng thở khò khè đứt quãng là những biểu hiện khi bé con đang cố gắng thoát khỏi tất cả các chất lỏng có trong mũi và miệng của bé khi bé nằm trong bụng mẹ và đang có hơi thở đầu tiên đối với sự sống bên ngoài.
Khi một em bé được sinh thường thông qua đường âm đạo của người mẹ, bé bị ép chui ra thông qua đường ống sinh sản nhỏ hẹp. Điều này vô tình khiến cho bé thở dễ dàng hơn ngay khi tiếp cận với môi trường sống bên ngoài. Những em bé được sinh mổ hít thở nông và nhanh hơn cho đến khi toàn bộ chất lỏng đã được đẩy ra ngoài phổi và đường hô hấp.
Đứa trẻ sinh ra có nhịp thở và đường hô hấp khác với người lớn. Thông thường nhịp thở của bé nhanh hơn người lớn 40-60 lần/phút và nhịp tim là 120 nhịp/ phút trong khi người lớn là 70 nhịp/ phút.
Giữ ấm cho bé
Ngay sau khi được thoát ra khỏi môi trường nước ối trong tử cung của mẹ, bé sẽ đối diện với một môi trường sống thực tế khắc nghiệt hơn với nhiều thay đổi. Lúc này bé có nhiều khả năng sẽ bị mất nhiệt và để tránh một cơn ớn lạnh, các bác sỹ hoặc y tá sẽ đặt bé trên bàn được làm ấm và chuyền qua tay các cô y tá hoặc bác sỹ nhi. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh đã sẵn sàng để giúp bé tránh các bệnh lây nhiễm ban đầu, vòng đánh dấu được lồng vào tay bé, thậm chí bé còn được lấy dấu vân chân. Tiếp theo bé yêu sẽ được tiêm một mũi vitamin K vào bắp đùi. Trong quá khứ đã từng có những em bé bị chảy máu nội bộ trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi sinh. Nguyên nhân do thiếu vitamin K giúp đông máu trong và cách tiêm mũi vitamin K là một sự can thiệp cơ bản cần thiết để loại bỏ toàn bộ vấn đề có thể nảy sinh.
Và sau tất cả các thủ tục y tế trên bé sẽ được ủ ấm trong một chiếc tã quấn chặt hay trong một tấm chăn và trao trả cho bố mẹ thân yêu của bé.
Vitamin K là mũi tiêm đầu đời của trẻ (ảnh minh họa)
Các thủ tục y tế cuối cùng
Nếu mẹ muốn cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, mẹ có thể ngay lập tức cho con ti nhưng có mẹ lại chỉ muốn ôm ấp con trong lúc này và sẽ lựa chọn thời gian yên tĩnh hơn hay lúc nghỉ ngơi tốt hơn để bắt đầu cho bé ăn. Mặc dù có thể lúc này sữa của mẹ chưa về hay em bé đang quá buồn ngủ thì ngực của mẹ cũng đang căng tràn lượng sữa non ban đầu. Sữa non chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng tốt cho tiêu hóa của bé và cung cấp năng lượng cho con yêu.
Sau khi bé được trả về cho mẹ nửa giờ sẽ được các y tá, bác sỹ đem đi cân nặng và đo lường. Bé được đặt trên một chiếc khăn ấm và sẽ được đo nhiệt độ cơ thể. Vì trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm lạnh nên giữ ấm cho bé là mối quan tâm chính lúc này. Tiếp theo bé sẽ được bế đi tắm và thực hiện kiểm tra một số phản xạ vật lý thông thường để được đảm bảo mẹ đã sinh ra một em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Đó là các bài kiểm tra về mắt, đầu, phản xạ của tay chân, bộ phận sinh dục. Mặc dù em bé sẽ được gửi về với bố mẹ nhưng trước đó vẫn cần được các bác sỹ theo dõi trong vòng 4-6 giờ tiếp theo.
Những điều ngạc nhiên về trẻ sơ sinh
Mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng dù mới đẻ nhưng các em đã có khả năng nhận biết và giao tiếp xã hội ngay từ những phút đầu tiên chào đời. Bé có thể nhìn vào mắt mẹ trong vòng một giờ đồng hồ đấy mẹ biết không. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng bé có thể nghe, nếm và ngửi mùi tốt hơn rất nhiều so với mẹ nghĩ và trẻ cần thêm thời gian cũng như kinh nghiệm để tìm hiểu và làm quen với thế giới mới xung quanh mình. Bé của mẹ sẽ vô cùng hạnh phúc và sung sướng khi được ôm ấp, áp vào lồng ngực để nghe và cảm nhận được hơi thở cùng nhịp tim của mẹ mình. Tư thế gần gũi này giúp cả con và mẹ có thể thư giãn, lắng nghe nhau và hình thành sợi dây kết nối gắn chặt tình mẫu tử.
Trẻ sơ sinh vô cùng nhỏ bé và những phút đầu tiên sau khi sinh con ra là những phút quý giá. Mẹ hãy chắc chắn mình đã đủ tự tin và hiểu biết để chăm sóc, yêu thương và thưởng thức thiên chức làm mẹ tuyệt vời này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet