Ngày hôm qua, tôi có vô tình được một người bạn chia sẻ bài viết Đánh vào mông ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ và nói rằng "Không đánh vào mông thì đánh vào đâu". Cần nói, đây không phải là câu hỏi của riêng cô bạn tôi. Rất nhiều ông bố bà mẹ Việt sau khi đọc xong bài viết này lại đặt ra những câu hỏi như "Không đánh vào mông thì đánh vào đâu (!?)" hay "Không đánh con làm sao nó nghe lời". Tôi khá bất ngờ trước những phản ứng này.
Tôi cũng là một bà mẹ, cũng đã từng giơ tay đánh con nhưng tôi đã nhận ra đó là sai lầm chỉ nhằm thoả mãn cơn giận của bản thân. Tôi không ủng hộ việc sử dụng đòn roi để dạy dỗ con cái.
Đánh cho "chừa", Đánh cho sợ?
Nếu vì con sờ tay vào ổ điện, bạn đánh con để con "chừa". Đương nhiên, lần sau có thể trẻ sẽ không sờ vào ổ điện nữa thật. Nhưng đó không phải là vì chúng sợ "điện" mà là vì chúng sợ bạn.
Nếu ai lại nói rằng dạy con phải cần quyền uy, con phải sợ mình thì nó mới nghe lời mình, tôi thấy lại càng ấu trĩ. Để con sợ cha mẹ dễ lắm. Mình là người lớn, to hơn, khoẻ hơn, đánh con vài cái thì con sợ ngay thôi. Nhưng để hiểu con, làm bạn với con, để con tôn trọng cha mẹ chứ không sợ, để con nghe lời cha mẹ một cách tự nhiên, tâm phục khẩu phục. Ấy mới là cái khó.
Yêu cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho bùi cần được hiểu là nghiêm khắc và nuông chiều chứ không phải cho roi cho vọt là phải đánh thực sự. Nếu tôi nhớ ko nhầm, Macarenco đã nói: không có đứa trẻ hư, chỉ có người giáo dục tồi.
Dạy con vâng lời cần sử dụng cả lời nói và hành động, tuy nhiên, "hành động" của tôi không bao giờ bao gồm cả đòn roi, đánh đập.
1. Ngồi phạt
Khi con nghịch ngợm hay không vâng lời, tôi thường yêu cầu con ngồi phạt hoặc cách nhiều cha mẹ hay dùng hơn, đó là đứng úp mặt vào góc tường. Tôi chuẩn bị một chiếc ghế, đặt ở một vị trí 'buồn chán" nhất trong phòng, xung quanh không có gì, và yêu cầu con ngồi yên trên đó trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể là 15 phút, 20 phút, thậm chí nửa tiếng.
Trẻ nhỏ khi đang hư, đang tranh cãi hay "ăn vạ" thường rất kích động. Càng nói với con bé sẽ càng không nghe, càng lầm lì, càng phản ứng. Do đó phạt con ngồi yên một góc, đứng úp mặt hay ngồi trong phòng kín không chỉ là hình phạt đơn thuân mà nó còn là khoảng thời gian giúp trẻ bình tâm lại, có thời gian suy nghĩ về những sai lầm của mình. Khi con đã "nguội" cơn ăn vạ, việc nói lý lẽ với con sẽ đơn giản hơn nhiều.
Để con sợ cha mẹ thì rất dễ nhưng để con tâm phục khẩu phục thì không phải cha mẹ nào cũng có thể làm được (ảnh minh hoạ)
2. Phạt việc nhà
Nếu đứa trẻ không trân trọng thành quả lao động của cha mẹ, mẹ nấu cơm mà con hất đổ, mẹ dọn nhà cửa sạch sẽ mà con bầy bừa...tôi thường phạt con bằng chính cách yêu cầu con làm việc nhà, để cho con hiểu sự vất vả của cha mẹ, để con biết làm việc chăm chỉ và có thói quen sạch sẽ ngăn nắp sau này. Đương nhiên, với con nhỏ, tôi luôn theo dõi sát sao, hỗ trợ con trong quá trình trẻ làm việc nếu cần và không giao cho con công việc vượt quá khả năng.
3. Phạt viết
Nếu con không hoàn thành bài tập về nhà hay mắc lỗi, phạt viết cũng là một cách phù hợp. Không phải là bắt con phải viết hàng trăm, hàng nghìn chữ. Cách làm này đơn giản chỉ là để trẻ có thời gian suy nghĩ về hành động của mình, giúp con bớt đi sự lười biếng.
4. Phạt ngồi nhặt đậu
Tôi mua một số loại hạt, trộn lẫn và yêu cầu con nhặt riêng từng loại. Một đứa trẻ lớn, nóng giận, thiếu kiên nhẫn sẽ phù hợp với kiểu phạt này.
5. Thuyết phục con
Không phải tất cả các lỗi của con đều nên bị trừng phạt và ngay cả khi phạt xong, việc nói chuyện và thuyết phục con cũng là vô cùng cần thiết. Khi con đã bớt nóng giận, có thời gian suy nghĩ về hành động của mình, tôi thường đưa con đi dạo quanh nhà, hoặc ngồi với con, trò chuyện, hỏi lý do vì sao con làm vậy, nói lý do vì sao mẹ phạt con, phân tích để con hiểu và nghe con để hiểu con.
Đương nhiên, nhiều cha mẹ sẽ nói, nếu phạt con như vậy mà con ương bướng, không đồng ý chấp nhận hình phạt thì làm thế nào? Chẳng nhẽ lại quay về...đánh con? Lúc này, cha mẹ có thể tước đi của con những quyền lợi về sau. Không chịu ngồi phạt, không chịu viết phạt thì sẽ không được ăn nhẹ buổi chiều, cuối tuần không được đi chơi, tivi không được xem nữa...Trẻ sẽ hiểu nếu không nghe lời, đương nhiên sẽ gặp "hậu quả".
Dạy con là cả một chặng đường dài mà chúng ta còn phải đi lâu, đi xa. Tôi cũng chỉ là một bà mẹ trẻ, non yếu kinh nghiệm nhưng có thừa lòng quyết tâm và tình yêu con để cùng bé đi hết quãng đường. Tôi mong và tin rằng mình sẽ không thêm một lần nào, bất lực đến mức phải dùng đòn roi để dạy con.
Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail hoangle.....@.........
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet