Tại một trung tâm thương mại lớn ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) mỗi cuối tuần, nhiều trẻ em lẫn người lớn bị thu hút bởi bàn tay thoăn thoắt nặn bóng, tạo hình bóng của chị Nguyễn Thị Duyến.
Năm nay 37 tuổi, quê Thái Bình, chị Duyến mới làm nghề bóng nghệ thuật được hơn một tháng. Trước đó, chị làm nhân viên tạp vụ cho công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho các tòa nhà lớn.
"Sau khi sinh con thứ hai và nghỉ ở nhà chăm con 2 năm, tôi thất nghiệp và nghĩ phải có một công việc gì đó để làm", chị Duyến kể. Nhiều lần đến các trung tâm thương mại, nhìn thấy những người tạo bóng nghệ thuật và quan sát cách họ thu hút trẻ em, chị Duyến cũng muốn làm nghề này vì tính chị yêu trẻ nhỏ.
Chị Duyến được mời đến tạo hình bóng cho một công ty, phục vụ sự kiện ngày Tết Thiếu nhi 1/6. Ảnh: Anh Quân
Học nghề bóng không quá khó khăn với những người khéo léo. Chị dành ra một ngày với một triệu đồng học phí để được người hướng dẫn truyền nghề, kèm theo cách làm 7 mẫu bóng bay nghệ thuật. Với công việc này, chị Duyến thấy phức tạp ở khâu "ken" bóng, dàn bóng sao cho đều, căn ke bóng chuẩn để tạo hình thành công. "Ngoài ra, cái khó nhất là sáng tạo ra hình mới. Tôi mới làm nghề, chưa biết sáng tạo, nên hiện nay chỉ trung thành với 7 mẫu bóng học được", chị Duyến cho biết.
Sau khi học xong, chị Duyến bắt đầu tìm cách kiếm tiền từ bóng. Trong vài tuần đầu, có hai thời điểm chị nản lòng muốn bỏ nghề. Đầu tiên, chị không tìm được địa điểm, có những ngày trôi qua mà hầu như không bán được sản phẩm nào. Dần dần, chị kiếm được chỗ bán vì nhiều trung tâm thương mại khuyến khích thợ thủ công có mặt để thu hút khách thập phương.
Nhưng cũng lúc này, chị lại cảm thấy áy náy, vì nhiều lúc chứng kiến cảnh các cháu bé khóc lóc đòi bóng mà không được bố mẹ đáp ứng. "Trẻ em nào cũng thích bóng. Nhưng tôi cũng hiểu bố mẹ không thể cứ con đòi là đáp ứng", chị Duyến nói. Dần dần, chị nhận thấy công việc mình làm mang lại nhiều niềm vui cho trẻ em hơn là những giọt nước mắt hờn dỗi. Do đó chị quyết định tiếp tục làm nghề.
Sau hơn một tháng làm việc, chị cho biết thu nhập cũng khá. Có những ngày cuối tuần, chị thu về một triệu đồng cả vốn lẫn lời. Ngày nào ít cũng được nửa triệu đồng. Để làm bóng, chị nhập bóng chuyên dùng để tạo hình của Thái Lan, giá đắt hơn hàng Trung Quốc nhưng bền hơn và không độc hại.Mỗi quả bóng chị nhập có giá 1.000 đồng. Một sản phẩm bóng tạo hình cần từ 3 đến 7 bóng, chị bán với giá 10.000 đến 30.000 đồng. Ở những nơi chị đứng bán, có nơi không thu phí, cũng có nơi lấy phí 300.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, chị còn được mời đến tạo hình bóng cho các sự kiện như Tết thiếu nhi, ngày sinh nhật....
Có thể kiếm được cả triệu đồng trong mỗi ngày, nhưng thu nhập của chị hàng tháng không lớn. Bận con nhỏ, chị Duyến chỉ có thể đi làm vào cuối tuần. Mặc dù vậy, khoản tiền kiếm được từ nghề bóng cũng đủ để chị mua thêm thức ăn, quần áo cho các con.
Trong tương lai, chị Duyến mơ ước được theo đuổi tiếp nghề này. "Nếu muốn kiếm sống lâu dài với nó, tôi dự định sẽ đi học thêm các cách tạo hình bóng khác như làm cổng đám cưới, trang trí bóng trong các buổi sinh nhật...", chị lên kế hoạch.
Ngoài ra, chị cũng biết rằng việc quảng bá trên mạng Internet rất quan trọng. "Tôi tự thấy mình ít được học hành, nên khoản này rất kém. Khi nào có thời gian, tôi sẽ học cách tham gia các diễn đàn trên mạng để trao đổi về nghề, tìm thêm khách hàng", chị Duyến tâm sự.
Thanh Bình
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet