Nhận định trên vừa được đưa ra trong nghiên cứu mới công bố về thị trường ngân hàng bán lẻ khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ersnt & Young (EY). Theo khảo sát với hơn 32.600 khách hàng của công ty tư vấn thuế, kiểm toán và tài chính này, người Việt Nam hay thay đổi ngân hàng phục vụ nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 65-77% người Việt được hỏi cho biết sẵn sàng đóng tài khoản tại ngân hàng đang dùng và chuyển sang mở ở nhà băng khác. Trong khi đó, tỷ lệ này của các nước khác trong khu vực chỉ trên khoảng 50%, riêng Australia, Nhật Bản chỉ khoảng 10-20%.
Lãnh đạo Ernst & Young công bố nghiên cứu về ngân hàng bán lẻ châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam chiều 21/5. Ảnh: Thanh Lan.
Chia sẻ về lý do khách hàng Việt Nam kém trung thành, ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, EY khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho hay, nguyên nhân là Việt Nam có quá nhiều ngân hàng. "Ở Australia, Nhật Bản - những nơi hệ thống ngân hàng tương đối gọn thì chỉ có 3-4 đơn vị lớn và khách hàng không cần phải lựa chọn nhiều. Còn ở Việt Nam thì phải có tới 40 ngân hàng, chưa kể một loạt công ty tài chính và các đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự", lãnh đạo EY cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Douglas J. Hamilton – Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, EY Singapore nói thêm: "Với một khách hàng, các nhà băng ở nước khác cung cấp cùng lúc một loạt những sản phẩm dịch vụ khác nhau từ hưu trí, tín dụng, tiết kiệm đến thế chấp hay bảo hiểm... Vì vậy mà người dân sẽ rất khó để từ bỏ khi phải thay đổi một lúc toàn bộ các dịch vụ cung ứng này".
Ngược lại, ở Việt Nam, các sản phẩm ngân hàng bán lẻ còn đơn điệu và chưa kể, bản thân các nhà băng vẫn còn cạnh tranh chính với nhau trên sản phẩm tiền gửi. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc khách hàng không trung thành là dễ hiểu.
Trên thực tế, một lý do khác còn đến từ chất lượng dịch vụ của nhà băng Việt. Khảo sát của EY cho thấy, một nửa khách hàng người Việt đã đóng tài khoản, bỏ ngân hàng đang sử dụng vì gặp vấn đề khi giao tiếp, trải nghiệm với nhà cung cấp. Một số ý kiến cũng cho rằng, chất lượng ATM và các dịch vụ tại một số nhà băng vẫn được xem là chưa tương xứng với mức phí hiện nay.
Khảo sát của EY cũng chỉ ra rằng, niềm tin của người tiêu dùng với ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam trong một năm qua thấp hơn ở toàn cầu và khu vực. Nguyên nhân theo ông Keith Pogson có thể đến từ việc bản thân hệ thống ngân hàng hiện còn nhiều thách thức, trong đó có câu chuyện nợ xấu vẫn chưa cải thiện. Bên cạnh đó, các dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ cao như mobile banking ở Việt Nam chưa phát triển mạnh.
Thanh Thanh Lan
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet