Bướng bỉnh, mè nheo hay ăn vạ là những thói quen xuất hiện ở hầu hết trẻ nhỏ trong độ tuổi lên 3, lên 4. Đối với mỗi trẻ có tính cách khác nhau, cha mẹ nên có những định hướng, cách giáo dục khác nhau cho phù hợp, giúp trẻ hết thói mè nheo mà không bị tổn thương tâm hồn.
Là một diễn viên, MC nổi tiếng trong làng điện ảnh - giải trí Việt, Đan Lê còn là một hot mom có tiếng khi chị thường xuyên có những chia sẻ vô cùng hữu ích trong việc nuôi - dạy con được nhiều bà mẹ thán phục. Với Đan Lê, việc dạy hai con trai Khải Minh (SN 2011) và Khải Nguyên (SN 2014) không chỉ là giúp các con ngừng ngay thói hư tại thời điểm đó mà còn phải tự nhận ra được sai lầm, bài học cuộc sống cho bản thân sau này.
Gia đình hạnh phúc của Đan Lê - Khải Anh và hai con trai.
Chia sẻ về cậu con trai lớn Khải Minh thời khủng hoảng lên 3 tuổi, Đan Lê cho biết: "Khải Minh cũng giống như bao đứa trẻ khác, bạn ấy cũng có lúc ẩm ương, mưa nắng". Và Đan Lê biết rằng không chỉ với Khải Minh mà cả em trai Khải Nguyên cũng sẽ lớn, sẽ có những tính cách, những giai đoạn "thất thường" mà bản thân là một người mẹ - Đan Lê phải cùng các con trải qua.
"Để "đối phó" với giai đoạn thất thường của cả bạn ấy (Khải Minh) lẫn bạn em, mình chẳng có bí quyết gì nhiều nhặn, chỉ luôn tự nhắc bản thân cố gắng bình tĩnh làm điểm tựa cho con.
Ngay khi chúng ta nghĩ, con chúng ta đang có vấn đề thì chính chúng ta đã "thua cuộc". Hãy giữ cho tinh thần tĩnh lặng, đón nhận các thay đổi của con và khi hiểu được tâm lý con cùng với sự "khủng hoảng" tất yếu ở tuổi này, chúng ta sẽ không quá lo lắng, không vội vàng ấn định rằng con hư hỏng".
Dưới đây là một câu chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình Đan Lê và cách cô cùng chồng Khải Anh ứng phó với tính ương bướng, mè nheo của con:
"Bạn Minh đang bước vào tuổi phấn kích nên nhiều lúc năng lượng thừa thãi quá không biết giải phóng đi đâu. Tối đến mặc bỉm chuẩn bị đi ngủ rồi mà vẫn nhảy chồm chồm và càng thích thú khi tấm đệm lò xò khiến bạn ý bật cao lên khỏi mặt giường (giường nhà mình bên dưới là ngăn kéo nên cao lắm ấy).
Khải Minh khi lên 3 cũng có nhiều lúc ương bướng, không nghe lời cha mẹ.
Mẹ nói 1 lần không được, mẹ nói 2 lần vẫn không được, bố cũng nói đến lần thứ 3 không được, thế là bố vung tay đét bạn ý một cái... mấy đầu ngón tay in đỏ trên đùi. Lần đầu tiên bạn ấy bị "ăn đòn" mà khóc lặng người đi như thế.
Mẹ cũng hơi ngỡ ngàng với cách ra đòn có phần quyết liệt của bố nhưng vẫn gắng bình thản, gọi bạn ấy ra bên cạnh, ngồi xuống cầm tay và nhìn vào mắt bạn ấy:
- Con biết tại sao bố đánh con không? Vì bố muốn con dừng lại. Nếu con không dừng lại con có thể ngã xuống đất hoặc đập đầu vào thành giường, vào góc tủ thì con còn bị đau và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Bạn ý vẫn thút thít nhưng nín rất nhanh. Bố im lặng. Mẹ dắt tay bạn ý vào nhà tắm lau mặt. Khi mẹ xem vết đánh của bố, chẳng hiểu sao bạn ý lại quay ra "giải thích" với mẹ:
- Tại Minh nghịch ngợm, Minh bị bố đánh đau. Nhưng ngã đập đầu xuống đất, bị kẹp tay vào cửa, cả cầm dao bị cắt chảy máu còn đau hơn (bạn ấy chưa bao giờ đứt tay cả).
Mẹ thấy thế bảo bạn ấy tự nói chuyện với bố như vậy và lẳng lặng ra ngoài để 2 bố con giải quyết với nhau.
Một lúc sau mẹ vào phòng, thấy mặt ông bố vô cùng thiểu não, ôm con trong lòng và không ngừng xoa vết lằn trên đùi con:
- Em xem có cái gì bôi cho con đỡ đau không?...
Trước phản ứng gay gắt của bố nhưng ân cần của mẹ, Khải Minh đã kịp nhận ra sai lầm của mình.
Bạn ấy ngủ được 1 lúc, không gian yên tĩnh hiếm hoi trong ngày bắt đầu. Ông bố cứ thở dài thườn thượt, mẹ ra thắp ngọn đèn tinh dầu khẽ hỏi:
- Sao thế?.
Ông bố mặt vẫn cúi gằm cắt móng tay:
- Sao lúc đấy anh lại ra đòn mạnh thế nhỉ? Anh chỉ định đánh vào mông, nghĩ nó mặc bỉm nên mới mạnh tay hơn cho nó sợ, ai ngờ nó đang nhảy nên mới chệch ra như thế.
Bà mẹ bấy giờ mới thở ra nhẹ nhõm, thì ra ông bố cũng xót con như mình, tự nhiên thấy lòng ấm lại. Thơm con thêm mấy cái, leo lên giường đắp chăn và nghĩ:
- Sự im lặng để bình tâm trong nhiều trường hợp có giá trị gợi mở và thôi thúc hơn rất nhiều so với việc truy sát, dồn ép. Giả như lúc ấy gào lên: "Sao anh lại đánh con như thế? Nó có làm gì đâu mà mạnh tay thế?...". Rồi lời qua tiếng lại, đứa trẻ thì sẽ không hiểu phải nghe ai, vết đau của nó sẽ trở nên vô giá trị vì biết luôn có một người đứng về phe nó cho dù đó có là trò nghịch ngợm. Người chồng thì bực bội còn người vợ thì sẽ chẳng bao giờ biết được "lời xin lỗi" kia."
Thế rồi Khải Minh và Khải Nguyên đều bước qua giai đoạn khủng hoảng một cách rất êm đềm, nhanh chóng. Và với mẹ những bướng bỉnh, mè nheo ấy đọng lại như là những kỷ niệm đẹp đẽ giữa chúng mình mà thôi!!!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet