Là một phụ nữ, tôi rất quan trọng chuyện mái tóc. Ngay khi biết mình sinh con gái, tôi đã luôn khấp khởi cầu mong con gái tôi khi sinh ra sẽ có nhiều tóc. Bởi theo tôi, trẻ sơ sinh ai cũng giống nhau, duy có bộ tóc đẹp sẽ giúp con thêm đáng yêu xinh xắn. Nhất là với các bé gái, khi sinh ra mà ít tóc hay không có tóc sẽ rất thiệt thòi. Tôi thậm chí còn đặt tên con là Mây với hi vọng bé sẽ có bộ tóc dài óng ả như mây. Vậy mà tiếc thay, câu đầu tiên bác sĩ mổ nói với tôi khi lấy Mây ra đó là “sao chẳng có tóc nhỉ”. Tôi cũng thoáng buồn.
Quả thật con gái tôi vô cùng ít tóc. Trên đầu bé chỉ lơ thơ vài sợi tóc tơ màu nhạt. Sau khi sinh bé 2,3 tuần, tôi thậm chí còn phát hoảng khi thấy con không mọc thêm tóc mà còn rụng bớt đi. Nghĩ con bị còi xương, tôi đã cố gắng bổ sung vitamin D và canxi cho bé đầy đủ nhưng tình hình cũng không khả quan. Tôi đã mất nhiều thời gian tìm hiểu, đọc các thông tin liên quan đến tóc trẻ sơ sinh trong sách và internet. Chính những thông tin quí báu này đã giúp bà mẹ vụng về tôi đây thoát khỏi nỗi “ám ảnh” con rụng tóc. Tôi xin chia sẻ với các mẹ những kiến thức cực bổ ích về tóc của trẻ sơ sinh:
Trẻ rụng tóc chưa hẳn còi xương
Con rụng tóc thường khiến các bà mẹ lo lắng (ảnh minh họa)
Một số em bé khi sinh ra đã có rất nhiều tóc, một số lại hoàn toàn “trọc lốc”. Điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy con rụng tóc, ít tóc. Những sợi tóc rụng xuất hiện trên gối và nôi của bé luôn khiến các bà mẹ “mất ăn mất ngủ” và nghĩ rằng con đã có dấu hiệu của bệnh còi xương, thiếu canxi. Điều này chưa hẳn đúng.
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là một quá trình tự nhiên nảy sinh do hormone trong cơ thể. Trước khi sinh, em bé được nhận nồng độ hormone cao từ cơ thể mẹ. Sau khi trẻ được sinh ra, mức độ hocmone này bắt đầu giảm. Điều này đã khiến tóc của bé rơi vào trạng thái nghỉ, nói cách khác là không tiếp tục phát triển nữa. Thời gian “nghỉ ngơi” của tóc sẽ chấm dứt khi cơ thể bé sẵn sàng bắt đầu một chu kỳ mọc tóc mới, những chân tóc mới sẽ nhú ra và đẩy tóc cũ rụng xuống. Mái tóc của bé yêu sẽ loang lổ và xấu xí một thời gian nhưng tóc mới, dày hơn sẽ nhanh chóng thay thế.
Một lý do nữa khiến tóc trẻ bị rụng theo vị trí (đặc biệt là vùng vành khăn phía sau đầu) là do tư thế ngủ của bé. Trẻ sơ sinh chưa biết ngồi, lẫy sẽ thường xuyên phải nằm và cọ đầu vào gối, khăn. Chính điều này đã khiến những chân tóc của trẻ yếu dần và rụng xuống. Chỉ khi trên 6 tháng tuổi mà tóc của trẻ vẫn rụng, mẹ mới nên cần liên hệ với bác sĩ dinh dưỡng. Bởi rụng tóc thời ký này rất có thể liên quan tới một số bệnh lý như thiếu máu, thiếu sắt…
Có cách nào hạn chế rụng tóc ở trẻ nhỏ?
Tuy trẻ sơ sinh rụng tóc là quá trình tự nhiên và hoàn toàn bình thường ta vẫn có một vài cách giúp bé giảm thiểu tối đa số tóc rụng và kích thích tóc mọc bé lại nhanh chóng
Thường xuyên thay đổi vị trí nằm
Một trong những biện pháp đầu tiên giúp tóc bé tránh rụng tập trung ở vị trí sau đầu gây mất thẩm mỹ: mẹ nên thường xuyên thay đổi vị trí nằm cho trẻ. Để bé nằm ngửa, nằm nghiêng hay lật úp đều không nên duy trì quá 2 tiếng. Biện pháp này còn giúp trẻ đỡ bị bẹp đầu. Mẹ đừng lo trẻ nằm sấp sẽ dễ dẫn đến đột quỵ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cho bé nằm sấp còn giúp bé phát triển trí não. Để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên để con nằm ngủ sấp và không có quá nhiều chăn gối chặn xung quanh gây ngạt, cũng chỉ nên cho bé ngủ sấp vào ban ngày – khi mẹ có khả năng kiểm soát giấc ngủ của trẻ một cách tốt nhất.
Dùng vải satin làm vỏ gối
Mỗi khi đặt con nằm, mẹ có thể dùng một miếng vải satin lót đầu cho bé. Vải satin trơn, ít cọ xát vào da đầu. Thêm vào đó, nó còn giúp giữ độ ẩm cho tóc, ngăn ngừa rụng tóc ở trẻ nhỏ. Thay vì lau khô tóc ướt của con bằng khăn bông hay khăn xô, satin cũng là một gợi ý không tồi giúp mẹ bảo vệ mái tóc con yêu.
Thường xuyên chải tóc và gội đầu
Chải tóc cho con hàng ngày sẽ giúp kích thích da đầu và giữ cho máu chảy vào các nang tóc. Gội đầu cho bé hàng ngày cũng có tác dụng tương tự. Mẹ nên chú ý chọn loại dầu gội đầu không kiềm, nhẹ nhàng gội theo hình xoáy tròn quanh đầu bé, chú ý cẩn thận tại những vùng thóp chưa liền kín. Đừng lo lắng em bé không có tóc thì biết gội gì. Nếu mẹ nhìn kỹ, vùng da đầu của trẻ vẫn có những lỗ chân tóc nhỏ và từng sợi tóc ngắn mềm, trắng và nhỏ như lông tơ.
Đảm bảo cho bé giấc ngủ đầy đủ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với chuyện “tóc tai” của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh lớn lên trong khi ngủ. Điều này hẳn bất cứ bà mẹ nào đều biết. Khi ngủ, cơ thể sản sinh rất nhiều hocmone tăng trưởng. Trong đó có loại hocmone testosterone giúp mọc tóc. Đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc mỗi ngày cũng là cách giúp con có bộ tóc dài , dầy dặn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet