Tạo cho trẻ nhỏ thói quen ăn uống có lợi sức khỏe không phải đơn giản. Hiểu được những suy nghĩ của trẻ, đảm bảo cho trẻ ăn sao cho tốt nhất là cả một thách thức.
Tập cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý để phát triển tốt là cả một thách thức của các ông bố bà mẹ. Ảnh: nzwomansweekly |
Sau đây là những cách có thể giúp bạn cứu vãn “cuộc chiến vào giờ ăn” với con mình, theo Kidspot.
- Sự thèm ăn của trẻ thay đổi nhanh như cảm xúc. Hôm nay bé chỉ ăn được một tí nhưng ngày mai lại ăn rất nhiều. Điều này làm bạn phát điên nhưng lại hết sức bình thường. Việc bạn có thể làm để thay đổi tình trạng là dạy cho trẻ nhận thức được cơn đói của mình. Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ nên hỏi xem liệu trẻ có đói không khi bắt đầu các bữa ăn chính hoặc bữa nhẹ. Như thế, trẻ có thể dần dần nhận ra được mối sự liên hệ giữa cảm giác đói và việc ăn uống.
- Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Westnead, Sydney, chỉ ra rằng trẻ em sinh ra đã có khả năng tự điều chỉnh việc tiếp nhận lượng thức ăn vào cơ thể và duy trì khả năng đó chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp trẻ chống lại bệnh béo phì. Bởi vậy, không nên la mắng khi con nói rằng không đói hoặc không ăn hết phần ăn của mình. Thay vào đó nên giải thích với bé rằng, nếu không hoàn thành bữa ăn của mình thì sẽ không được ăn món tráng miệng.
- Nếu trẻ không ăn hết khẩu phần và bạn lo rằng ăn như vậy là chưa đủ, hãy bảo quản phần thức ăn còn lại đúng cách để bé có thể tiếp tục ăn khi có nhu cầu.
- Đừng từ chối việc bé muốn ăn những thức ăn khác, bởi chúng có thể dễ dàng hoàn thành 6 bữa ăn nhỏ trong ngày hơn là 3 bữa lớn.
- Một dưỡng chất quan trọng mà trẻ trong giai đoạn này rất cần chính là EFA/DHA, các axit béo thuộc nhóm omega-3. Các chất này thường có trong cá hồi, cá ngừ và cần thiết cho sự phát triển của não bộ, đặc biệt là trong giai đoạn từ khi sinh ra cho đến năm trẻ 2 tuổi. Đừng tự cho rằng con bạn sẽ chẳng thích ăn những loại cá này.
- Một khi đã quen thuộc với thức ăn mới có thể trẻ sẽ thích món đó. Khi đó, bạn có thể dần dần cho trẻ ăn thêm các thức ăn khác nữa bằng việc thêm chúng vào bên cạnh những món ăn cũ yêu thích của bé.
- Thiếu sắt là tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Thông thường, mỗi tuần trẻ cần ăn 3 bữa có các loại thịt đỏ và nạc để cung cấp đủ sắt cho cơ thể. Đây là một chất cần thiết giúp hồng cầu có thể vận chuyển oxy đi tới mọi tế bào trong cơ thể. Cha mẹ cũng cần chú ý các biểu hiện thiếu sắt ở trẻ như kém tập trung, dễ mắc bệnh, da xanh xao, móng tay móng chân nhợt nhạt...
- Canxi cũng là một dưỡng chất trẻ cần rất nhiều để đảm bảo cho xương và răng chắc khỏe. Trẻ nên được cung cấp các thực phẩm từ sữa giàu chất béo cho tới khi 2 tuổi. Sau đó, nên sử dụng các sản phẩm từ sữa nhưng ít béo và có hàm lượng canxi cao hơn. Những thức ăn khác giàu canxi ví dụ như các loại hạt, bơ hạt vừng, rau quả xanh và các loại cá có xương mềm như cá mòi, cá trồng...
Lê Phương (Theo Kidspot)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet