Sau lần mang thai bé trai đầu lòng suôn sẻ, năm 2007, chị Lê Hồng Loan (Đống Đa, Hà Nội) hạnh phúc đón chào thiên thần thứ hai hình thành - một bé gái vô cùng đáng yêu được chị gọi tên là Bảo Anh.
Những tưởng giờ đây hạnh phúc sẽ trọn vẹn khi gia đình "đủ nếp đủ tẻ", vậy nhưng chị Loan không ngờ - bé gái trong bụng mình khi ấy, cũng sẽ là đứa con gái sẽ khiến chị phải nhiều lần giận dữ, nhiều lần bật khóc tức tưởi vì bất lực, nhiều lần "ôm đầu ngửa mặt lên trời" mà than thân và cũng lại nhiều lần mỉm cười, nhiều lần thấy ngọt ngào len lỏi trong tim, nước mắt lại rơi nhưng vì hạnh phúc.
Chị vẫn bảo, đứa con gái ấy - 8 năm nay, từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đến khi là cô nhóc học sinh tiểu học lớp 3, vẫn chưa khi nào khiến chị thôi trăn trở. Kể lại hành trình từ khi con gái chào đời đến bây giờ, chị Loan đã có một bức thư gửi con gái vô cùng xúc động trên facebook của mình. Trong đoạn chia sẻ với cách gọi "tớ" xưng "bạn" ấy, chị Loan cho thấy chị đã thực sự đặt mình xuống ngang hàng với con, để hiểu con, coi con là bạn, và cùng chia sẻ với con mọi điều khó khăn, vui sướng trong cuộc sống.
Những dòng tâm sự của một bà mẹ về đứa con gái bé bỏng của mình khiến nhiều người cảm động.
Chị Loan và bé Bảo Anh
Đi khám thai, bác sĩ khuyên nên huỷ bỏ
Chị Loan tâm sự, ngày ấy, chị mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính đã được một thời gian dài nhưng không phát hiện ra. Chỉ đến khi mang bầu Bảo Anh, đi khám thử nước tiểu thấy có hiện tượng thải đạm qua nước tiểu (tức protein niệu) chị mới biết mình đã mắc bệnh. Lúc đó, cái thai đã được gần 3 tháng tuổi.
Mắc viêm cầu thận mãn tính khi đang mang thai đặt chị Loan vào nguy cơ mắc tiền sản giật rất cao, có thể không giữ được tính mạng cả mẹ cả con nếu cái thai phát triển đến tháng thứ 5. Không đảm bảo an toàn thai kỳ, các bác sĩ không ai nhận khám theo dõi cho chị, phần lớn đều khuyên bà mẹ trẻ nên bỏ thai cho an toàn. "Khi ấy, bác sĩ sản thì đẩy sang Bạch Mai, sang Bạch Mai thì lại bị đẩy về bác sĩ sản. Tớ đã đi tìm không biết bao nhiêu bác sĩ để tư vấn nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn là không nên giữ bạn. Tớ cảm thấy chán nản cùng cực", chị Loan nhớ lại.
Đến những ngày cuối của 3 tháng thai kỳ đâu tiên, khi chị Loan đã cảm thấy nản lòng, tới nỗi từng cũng có ý định buông xuôi mà bỏ thai thì bất ngờ, chị gặp được bác sĩ Nguyễn Đức Hinh, hồi đó là Phó Giám đốc Bệnh viên C, người cuối cùng nhận khám và hứa sẽ theo dõi cho chị.
"Bác sĩ Hinh khi ấy khuyên thật tình, nếu bỏ cái thai này thì sẽ không bao giờ sinh con được nữa. Nên cố gắng đạt được 80%, phần trăm còn lại là may rủi, bác ấy không lường được, quyết thì theo bác khám. Vậy là tớ theo, cứ vài tuần lại đến bác sĩ Hinh siêu âm, khám sản. Những khi bác sĩ Hinh phải đi công tác, nhờ các bác sĩ khác khám thay là tớ lại được chuyển nhập viện để theo dõi vì hầu hết mọi người đều sợ rủi ro."
Được 35 tuần thì thai nhi trong bụng bị suy hô hấp, chị Loan được chuyển vào viện mổ lấy thai khẩn cấp. Khi chào đời, bé Bảo Anh sinh non, chỉ vặn vỏn vẹn 2,4kg.
Biết bản thân có nguy cơ tiền sản giật, khả năng mất mạng cao, chị Loan vẫn quyết tâm giữ thai. Ảnh: gia đình hạnh phúc của chị Loan bên chồng và hai con.
Vào lớp 1, con bị cô giáo "trả về" vì không tiếp thu
Sau lần mang thai đầy sóng gió, chị Loan được hưởng những tháng ngày ngọt ngào bên con khi cô bé Bảo Anh trộm vía hay ăn chóng lớn, lớn nhanh như thổi.
"Vết mổ đẻ lần hai đau như bị ai dứt từng đoạn ruột, tớ vẫn cố gò lưng xuống thăm bạn ở nhà sơ sinh, tớ khóc khi nhìn bạn ngủ im lìm trong đám dây rợ lằng nhằng trên mũi, bị bác sĩ mắng đuổi lên, vì xuống thăm con là phải vui, khóc là các bác không cho thăm, nhé!
Nhìn bạn, tớ tự hứa sẽ cố gắng chăm thật tốt để bạn lớn nhanh, bạn cứ còi cọc thế này, thương. Cơ mà bạn cũng chả cần sự chăm bẵm của tớ, nhìn cái miệng bạn bé xíu, cái cơ thể bạn tẻo teo, nhưng mà bạn ăn ra trò, bé sơ sinh mà chén gấp 3 lận, rồi bạn cũng lớn, lớn nhanh, ơn giời có mắt.
Đi ra chỗ công cộng, ai cũng nắn nắn cái tay, cái mông của bạn cứ ngon như khúc giò. Những lúc đấy tớ đã thầm phủi phui những ai khen bạn như thế."
Vậy nhưng khi vào đến lớp 1, một lần nữa con gái lại khiến chị phải trăn trở khi gia đình phát hiện ra bé mắc chứng "giảm chú ý". Bỏ qua mọi thú vui xung quanh, chị Loan dành tất cả thời để bên con và dạy con học. Chị đồng hành với con trong suốt những năm tháng tiểu học, để bé Bảo Anh từ một cô bé vào lớp 1 bị cô giáo "trả về" đến nay đã là học sinh lớp 3.
"Tớ nghĩ thể lực bạn vậy là tốt, phần còn lại là cố gắng giúp bạn học thôi. Nhưng ngay từ ngày đầu o, a, bạn đã bị cô giáo trả về, vì không thể thấu hiểu các bài giảng của cô. Khi vào học chính thức thì còn tệ hơn, cô giáo chê đủ đường, làm toán sai 100%, chữ xấu như cấu vào vở, rồi cô từ chối cả những buổi bạn xin học thêm, cô bảo bạn học chỉ phí tiền, tớ buồn và tự ái kinh khủng.
Tớ cuống cuồng cùng bố bạn tìm gia sư, nhưng mỗi gia sư chỉ ở lại với bạn 2 tháng là tìm lý do… bánh cuốn.
Tớ bắt đầu nghĩ chắc bạn có gì đó bất thường, lôi xềnh xệch bạn đến chuyên gia tâm lý làm test tự kỷ. Cơ mà may, nếu như cái dạng “Tăng động giảm chú ý” là dạng nhẹ nhất của bệnh thì bạn bị dính cái nửa sau, “Giảm chú ý, mất tập trung”, bác sĩ kết luận vậy. À, hóa ra, bạn cũng có chút vấn đề, và tớ quyết định dành cho bạn nhiều thời gian hơn…
Không thuê gia sư cho bạn nữa, tớ hướng dẫn bạn học theo cách tớ nghĩ. Bao lần hàng xóm chứng kiến “máu chó” của tớ khi ngồi học cùng bạn, nhưng sau mỗi buổi học, bạn lại ngắn dài: “Mẹ đừng mắng con nữa, con yêu mẹ mà…”. Bạn nói xong câu đấy thì tớ đây cũng muốn khóc theo bạn cho bõ tức. Tớ tự hứa lần sau, sẽ cố gắng kiềm chế… Hứa là vây nhưng không ít lần tớ phải ôm đầu, ngửa mặt lên sân thượng mà than kiểu không thể cắt nghĩa: “Cái răng mọc ngu nhất, làm người ta đau đớn kinh người sao lại gọi nó là răng khôn nhỉ”…
Không nhớ bao lâu rồi, tớ bỏ lỡ hầu hết các chương trình hot trên tivi được thằng dân mạng quan tâm, nhiều hôm đến công sở làm việc, các chị, các em “buôn” bé này yêu, thằng kia thích mà tớ cứ lặng thinh.
Nhớ đận bạn mếu máo, “con bị cô mắng không biết điền dấu lớn hơn, bé hơn…”. Cô bảo lớn hơn quay phải, bé hơn quay trái, mà điển kiểu gì cũng sai,... Vứt hết cái mớ quy tắc ấy đi bạn, tớ chỉ cho bạn cách này, trung cổ tí nhưng tớ cá sau lần này, bạn không làm sai nữa! Tớ bất biết cái dấu to - bé, quay phải hay trái gì sất, cứ bên nào bé bạn quay đầu nhọn vào, bên nào nhiều hơn thì đừng quay dấu nhọn. Bài tiếp theo bạn đã không bị sai.
Lại nhớ lúc bạn không thể phân biệt được 8 và 5, số nào bé hơn, tớ chợt nhớ cái tính háu ăn của bạn, tớ đố “bạn có 5 cái bánh, anh bạn có 8 cái”, ngay lập tức, bạn huhu: ”Sao mẹ cho anh nhiều hơn con”. Á à, tớ biết cái giống tham ăn rồi nhá, cứ vận vào ăn làm toán nhanh phết…
Chuyện chữ viết của bạn cũng lắm khôi hài, khi tớ cố gắng luyện cho bạn không có chút kết quả gì, tớ nản, buông là lúc bạn tự luyện, bạn đã biến đám chữ tung tóe, nhoe nhoét sang bộ chữ tròn trịa đều tăm tắp, đến tớ cũng không thể tin được.
Điều tớ hài lòng nhất là bạn được học chung với các bạn khiếm thị. Nhiều bạn của tớ chê dở hơi, nhưng tớ nghĩ ngược lại, thứ nhất gần nhà, thứ 2, tớ chắc chắn bạn sẽ biết iêu quý chính bản thân mình và bản năng bạn sẽ biết giúp những bạn không được bình thường, lành lặn. Tớ vẫn tin, dù ít nhưng bạn sẽ học được những giá trị cuộc sống khác nữa sau mỗi lần bạn dắt bạn khiếm thị ra sân chào cờ hoặc tập thể dục. Tớ cần ở bạn lòng nhân ái và sự chân thành từ những bài thực hành với các bạn khiếm thị như thế."
Bé Bảo Anh hiện đang theo học tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cùng với các bạn khiếm thị.
Chữ viết của Bảo Anh có sự thay đổi rõ rệt theo 3 giai đoạn.
Gọi "tớ" xưng "bạn" ấy, chị Loan cho thấy chị đã thực sự đặt mình xuống ngang hàng với con, để hiểu con, coi con là bạn, và cùng chia sẻ với con mọi điều khó khăn, vui sướng trong cuộc sống.
Cô bé lớp 3 mắc viêm cầu thận
Những tưởng con đã ổn định, vào nếp, chị Loan lại bất ngờ phải xót xa thương con khi Bảo Anh bị phát hiện mắc viêm cầu thận cấp - căn bệnh từng khiến chị Loan phải khổ sở khi mang thai Bảo Anh. "Cuộc chiến" với việc học hành chưa kết thúc, hai mẹ con chị Loan lại tiếp tục đương đầu với "cuộc chiến bệnh tật".
Chị tiếp tục câu chuyện:
"Bạn đã đi vào nề nếp, ổn định dần, căn bản là tớ chỉ cần bạn khỏe… Thế nhưng đùng đùng bạn tăng cân. Lôi bạn đi khám, xét nghiệm. Tớ gần như chết lặng, còn bố bạn ú ớ “sao thế được” khi bác sĩ nghiêm trọng: “Anh chị cho cháu nhập viện ngay, suy thận rồi”??? Tớ phi đến nhà bác sĩ chuyên khoa tớ đang điều trị để nhờ tư vấn thêm, bác động viên, không quá nghiêm trọng, nhưng phải nhập viện điều trị cho ổn định kèm thêm một câu: “Rõ khổ, mẹ bệnh rồi con cũng bệnh nốt”.
Tớ không thiết tha gì đến công việc nữa, chỉ muốn ở cạnh bạn thôi. Điều trị nội trú 2 tuần thì tớ và bạn xuất viện và tiếp tục hành trình và chắc đến nay là sắp kết thúc nhỉ. Bạn đã cho tớ phương pháp giảm cân ngoài mong đợi mà trước đó dù tớ có nhịn ăn hay detox các kiểu đều chẳng nước non gì, cách này tớ không mong muốn nhưng sự thực nó cũng đã xảy ra. Tớ chán ăn thật bạn ạ.
Thương cái mặt bạn đang bị tích nước vì thuốc, người mọc đầy lông vì corticoid, có người bảo thuốc gây cả giảm trí nhớ nữa, nhưng khi phải lựa chọn thì tớ không còn cách nào khác, để điều trị dứt điểm bệnh của bạn. Nhưng tớ vẫn luôn mong sẽ nhanh chóng qua thôi, vì tớ biết cả bạn và tớ phải tự biết cố gắng nhỉ?
....
Lúc tớ nhận được email của bệnh viện báo tin bạn âm tính với căn bệnh viêm cầu thận cấp sau 7 tháng điều trị, mừng phát điên, tớ chỉ biết khóc nấc lên.
Cuộc chiến sinh tử bạn và tớ đã vượt qua, cuộc chiến với bệnh tật chắc chúng mình cũng sẽ giành phần thằng. Chỉ còn cuộc chiến học hành cả tớ và bạn đang cố gắng và tớ tin sẽ không đến nỗi tệ, nhỉ?"
Những dòng tâm sự của một bà mẹ về đứa con gái bé bỏng của mình khiến nhiều người cảm động.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet