“Cả nhà ơi, hôm qua em có đi mua cho con hộp sữa bột x, loại 900g. Về nhà mở ra, thấy sữa có màu trắng ngà và không có mùi thơm mát dễ chịu… Chị chồng em thấy thế thì nói là em mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng rồi nên đừng có dại cho con uống nữa không là hậu họa khôn lường. Em nghĩ mà tiếc của quá! Thời buổi thật - giả chẳng biết đường nào mà lần?”
Tâm sự của một bà mẹ trẻ trên một hội kín về nuôi dạy con có hơn 16.000 thành viên nhận được rất nhiều chia sẻ của chị em. Nhiều mẹ bình luận rằng, sữa đó chẳng sao nhưng cũng có người nhất quyết phản đối, khuyên mẹ đó nên bỏ hộp sữa ngay vì chắc chắn là hàng giả. Lại còn đưa dẫn chứng hùng hồn rằng bản thân đã gặp trường hợp tương tự. Kết quả là con bị tiêu chảy mất 4 ngày vì uống phải sữa rởm.
Cũng là một bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tôi thấy với câu chuyện trên, kỳ thực các mẹ chỉ đang "bắt bệnh" theo bản năng và kinh nghiệm chứ chưa đưa ra được căn cứ khoa học nào cụ thể. Nghĩ rằng đây có lẽ là vấn đề nhức nhối của nhiều mẹ nên tôi xin chia sẻ đôi điều, để chị em cùng 'up-date' (cập nhật) vào sổ tay nuôi con. Vẫn theo tinh thần cũ, nếu chị em thấy bài viết hay thì 'like' và chia sẻ còn nếu không xin hãy coi như chưa đọc.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, bên cạnh các loại sữa bột nhập theo đường chính ngạch, có không ít mặt hàng xách tay được bày bán ở các đại lý, cửa hàng lẫn trên mạng. Với niềm tin ‘tiền nào của ấy’ nhiều mẹ cho rằng sữa xách tay chắc chắn sẽ có giá trị và chất lượng cao hơn hẳn những loại sữa ngoại được bày bán trong nước. Nhưng sự thật, quan niệm này hoàn toàn sai. Vì vậy, tôi có lời khuyên là trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm sữa nào cho con, hãy tìm hiểu kỹ về thương hiệu sản phẩm, nhà sản xuất và nhà phân phối. Bởi nếu không hiểu sản phẩm, rất có thể mẹ sẽ mua phải hàng rởm. Hậu quả là, con rước bệnh vào thân, mẹ chăm hoài không lớn, gầy còm, ốm yếu hoặc béo bệu và sức đề kháng kém...
Mù mờ thông tin, mua phải loại sữa bột rởm cho con gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe của trẻ hơn các mẹ tưởng. (Ảnh minh họa)
Cách nhận biết sữa bột chính hãng
Để mua được loại sữa bột nhập khẩu tốt nhất, chị em phải đặc biệt lưu ý các điểm sau:
- Kiểm tra mã vạch sản phẩm. Ví dụ: Pháp là 30- 37, Đức là 40 - 44, Nhật Bản là 49, Thái Lan là 885, Úc là 93, Hà Lan là 87…)
- Hạn sử dụng dập nổi. Riêng với sản phẩm nhập nguyên lon thì thì phải có tem phụ và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt từ nhà phân phối.
- Nên tra cứu thông tin nhà sản xuất và cân nhắc lựa chọn những nhà sản xuất đã có bề dày lịch sử như: Gilbert của Pháp (trên 100 năm), Imeko của Hà Lan (50 năm), Omira của Đức (trên 80 năm) …. Tại sao? Bởi để có thể làm ra một loại sữa thì chất lượng sữa phải được sản xuất dựa trên một dây chuyền sản xuất vô cùng hiện đại, phải được các chuyên gia y tế kiểm tra, kiểm định gắt gao, đánh giá sản phẩm nghiêm ngặt trước khi được đưa ra thị trường. Những phát minh khoa học trong ngành sản xuất sữa vô cùng tốn kém về thời gian cũng như tiền bạc. Chỉ những tập đoàn lớn, công ty lớn, uy tín mới có điều kiện để sản xuất ra một sản phẩm sữa hoàn thiện, tốt cho bé.
- Lưu ý mua sản phẩm còn trong (xa) hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, hộp không méo mó…, và có tem nhãn bảo đảm của cục kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tỉnh táo chọn sữa cho con với những tiêu chí dành riêng cho bé nhà mình (bé sinh non, béo phì, tiêu chảy…).
Phân biệt sữa tốt và sữa kém chất lượng
Theo PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng để phân biệt chất lượng sữa tốt-kém, các mẹ có thể căn cứ theo những điểm sau:
- Sữa bột ngon khi mở nắp ra sẽ tỏa mùi thơm mát dễ chịu, bột sữa mềm mịn và có màu vàng nhạt. Sữa bột kém chất lượng sẽ không thể có được những điều này, có thể là mùi hương không dễ chịu, bột bị vón cục và có màu lạ.
- Nếu muốn kiểm tra kỹ hơn thì có thể áp dụng một trong các cách sau: Cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. Sữa bột kém chất lượng hoặc giả sẽ lắng ngay xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy. Trong khi đó, sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên. Tương tự, khi đổ nước sôi vào cốc có sữa bột, sữa bột giả hoặc kém chất lượng sẽ tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa. Sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên.
Cách bảo quản sữa bột
Bên cạnh việc lựa chọn những hãng sữa uy tín, những nhà cung cấp lớn..., thì việc bảo quản sữa đúng cách là cách tốt nhất giúp các bậc phụ huynh bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, sữa sau khi mở chỉ nên dùng trong vòng 1 tháng trở lại. Nhiệt độ nóng hoặc lạnh đều có thể làm suy giảm thành phần và dinh dưỡng có trong hộp sữa bột. Do đó, ngay cả với những hộp sữa bột mua về nhưng chưa mở nắp cũng nên bảo quản ở nơi khô ráo, không có ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt như bếp gas...
Có thể bảo quản sữa bột trong tủ có nhiều ngăn hoặc trên giá, cách xa bếp lò, lò nướng, các thiết bị phát nhiệt và vòi nước nóng. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản hộp sữa là nhiệt độ trong phòng, dưới 30ºC. Không bao giờ được mang phơi hộp sữa dưới ánh nắng cũng như tuyệt đối không để sữa bột trong ngăn đá (tủ đông).
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, nếu các mẹ thường xuyên mua những hộp sữa lớn (900g trở lên) thì nên chia một lượng nhỏ bột sữa trong hộp lớn ra hộp sữa nhỏ. Sau đó, sử dụng bột sữa trong hộp sữa nhỏ trước.
Lưu ý: Khi pha sữa tránh để bột sữa gần ly nước ấm nóng hoặc bình nước, phích nước đang mở vì hơi nước sẽ khiến sữa bị ẩm nhanh chóng, làm hư hại các vi chất trong sữa.
Lượng sữa còn lại trong hộp lớn cũng cần phải đậy nắp thật kín, tránh không khí vào gây ẩm.
Các triệu chứng 'báo động' khi dùng sữa bột
Khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy và nôn trớ, các mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Nếu mẹ thấy con có những triệu chứng này, nghi là do sữa bột thì cần đưa bé đi khám ngay. Bệnh có liên quan tới sữa có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là những bé nhũ nhi vì nó dẫn tới mất nước, giảm chức năng thận, thậm chí tử vong.
Đôi khi, sữa bột dành cho bé có thể bị nhiễm khuẩn, chứa chất có hại do lỗi của nhà sản xuất. Vì thế, mẹ nên thường xuyên theo dõi tin tức để biết có loại sữa nào bị thu hồi hoặc tạm ngưng sản xuất do lỗi từ nhà sản xuất hay không.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet