Khi bầu bí đứa con đầu tiên, tôi đã tìm đọc vô vàn sách và chia sẻ trên các diễn đàn làm cha mẹ để trang bị thêm cho mình những kiến thức chăm sóc con tốt nhất. Đến ngày con chào đời, tôi cười thầm trong lòng khi nghĩ rằng: “Chẳng có gì phải lo cả, tôi đã chuẩn bị rất kỹ rồi nên việc chăm con sẽ dễ hơn ăn kẹo thôi!”. Nhưng không! Nụ cười của tôi chỉ giữ trên môi chưa được một ngày khi phát hiện ra, lý thuyết và thực tế vênh nhau ‘một trời, một vực’. Tôi bắt đầu ‘choáng’ và lúng túng vì quá nhiều sự thật phũ phàng.
Giá ai đó đã nói cho tôi biết những ‘bí mật’ dưới đây về bé sơ sinh sớm hơn
Nhìn bé… kỳ quặc lắm!
9 tháng 10 ngày mang nặng, tôi hi vọng mình sẽ sinh ra một ‘thiên thần’ xinh xắn tuyệt vời. Nhưng lần đầu bế con trên tay, tôi giật mình. Chao ôi! Sao mà nhìn ‘kỳ quặc’ thế! Ngoại hình của con khác xa hoàn toàn với hình dung của tôi.
Tip: Bé sơ sinh có thể khác hoàn toàn so với tưởng tượng của bạn: đầu bé có thể hơi méo một chút bởi bé vừa trải qua một hành trình vất vả để chào đời qua một ống sinh chật chội. Ngoài ra phủ trên khắp cơ thể bé có thể có một lớp lông tơ mỏng, mắt bé hơi sưng, có nhiều gỉ mắt và bé thường xuyên nhắm mắt... Bạn hãy yên tâm nhé, bé sẽ trở nên xinh xắn một cách rất nhanh chóng.
Bé sơ sinh nhìn không đẹp như hình dung của bạn là hoàn toàn bình thường (Ảnh minh họa).
Cho con bú thật khó
Xem khá nhiều video hướng dẫn về cách cho con bú, tôi tự tin mình sẽ là bà mẹ tốt và không gặp khó khăn gì với việc làm này. Nhưng không! Thực tế khiến tôi ‘té ngửa’. Hóa ra, cho trẻ sơ sinh bú khó hơn tôi tưởng. Tôi mất gần tháng trời để có thể làm quen với việc cho con bú một cách thoải mái nhất.
Tip: Cho con bú là một kỹ năng đòi hỏi bạn cần phải học tập và luyện thật nhiều đấy! Vì cả bạn và bé đều cần thời gian tìm hiểu nhau, để từ đó tìm ra một cách thoải mái và phù hợp nhất. Một điều khá quan trọng là các bà mẹ hãy giữ tâm trạng thoải mái, đừng vội nản lòng khi chưa thể cho con bú đúng cách. Cách cho bé bú đúng là: Ôm bé để con đối mặt với bạn, ngực bé áp sát ngực mẹ, cằm bé chạm tới đầu ti.
Bé vẫn ‘theo dõi’ mẹ khi ngủ
Nhìn bé ngủ thật yên bình! Nhưng nếu quan sát kỹ, mẹ sẽ nhận thấy một sự thật là Trẻ sơ sinh tiếp tục nhìn trừng trừng vào mẹ, kể cả khi bé đang ngáy ngủ. Ngay cả khi đôi mắt của bé đang nhắm nghiền thì ẩn trong đó, các nhãn cầu vẫn đang quay xung quanh và đôi môi của bé thỉnh thoảng vẫn chóp chép.
Tip: Ngủ với đôi mắt nửa đóng nửa mở là đặc trưng của trẻ sơ sinh. Sự thật là không ai biết rõ lý do vì sao các bé phải như vậy. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, hiện tượng này xảy ra bởi vì trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian trong giấc ngủ REM (Rapid eyes Movement – một khái niệm chỉ giấc ngủ nhưng mắt vẫn chuyển động – giai đoạn REM này hay tạo ra những giấc mơ cho trẻ sơ sinh). Trong khi người lớn chỉ có 20% giấc ngủ REM thì ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ này là 50%.
Nhịp thở của bé rất… lạ
Thấy con có hiện tượng thở không đều, bất thường… tôi và chồng nhìn nhau và mặt mũi tái mét. Hai chúng tôi, không dưới 1 lần thử áp tai vào ngực con để nghe nhịp thở vì lo lắng con bị làm sao đó. Quá lo lắng, tôi gọi điện cho một bác sĩ Nhi khoa gần nhà, cầu khẩn sang khám cho con. Nhìn bé ngủ, vị bác sĩ mỉm cười và nói tôi đừng cuống vì việc nhịp thở của bé sơ sinh có chút lạ là hoàn toàn bình thường.
Tip: Nếu nghe hơi thở của bé sơ sinh, bạn sẽ thấy thỉnh thoảng nó dừng lại và sau đó là thở nhanh thì không cần phải lo lắng nhiều. Đôi khi hơi thở của bé bị lỡ nhịp là do sự phát triển của cơ hoành và hệ thống thần kinh của bé. Nếu bé ngưng thở 15 giây thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Bé của bạn cần thời gian khoảng 6 tuần để hình thành nhịp thở bình thường, thích nghi với môi trường mới.
Bé hắt hơi suốt ngày
Liệu có phải bé bị cúm hay không? Trong đầu tôi cứ luẩn quẩn câu hỏi đó khi nghe tiếng hắt hơi liên tục của con. Nhưng thật may, khoảng 1 tuần sau, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy con không còn hắt hơi nữa.
Tip: Vì sao bé hắt hơi suốt? Đơn giản là đường mũi và hô hấp của bé bị tắc nghẽn do chưa thật sự quen với môi trường không khí mới. Hắt hơi cũng là một cách giúp lỗ mũi tạm thời nghỉ ngơi. Đặc biệt, bạn sẽ thấy hiện tượng này nhiều hơn khi bé ăn no, bởi sau khi ăn bé sẽ phải hít một hơi dài nên việc hắt hơi là để mũi được thông khí.
Có thể vừa thở vừa nuốt
Tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra bí mật rằng bé sơ sinh có thể vừa thở vừa nuốt cùng một lúc. Một khả năng mà người lớn không bao giờ làm được. Chắc chăn luôn!
Tip: Con người là loài động vật có vú duy nhất không thể nuốt và thở cùng lúc. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại là trường hợp đặc biệt bởi lúc này thanh quản của chúng chưa phát triển hoàn toàn. Nhưng khi trẻ được 9 tháng tuổi thì khả năng này sẽ mất đi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet