Khi tôi đi học cấp 3, tôi không thích một bạn nữ trong lớp, bạn ấy rất ghê gớm, bạn ấy làm bí thư, tôi nhớ bạn ấy đã hành tôi một vụ phải về nhà trong giờ học để lấy giấy tờ mang đến nộp. Tôi đã khóc rất nhiều trên con đường từ trường về nhà, tôi ghét bạn tôi, và sau đó tôi thể hiện rõ điều đó. Tôi không chơi với cô bạn ấy, không thèm nhìn cũng không thèm cười với cô ấy. Tôi sống thực với cảm giác của tôi. (Đó là quá khứ, còn bây giờ chúng tôi đã chơi rất thân với nhau rồi).
Khi tôi học đại học, tôi bắt đầu hơi sợ bộc lộ những cảm xúc cá nhân ra khuôn mặt. Tôi không cảm nhận được sự gần gũi giữa những người bạn học đại học như khi còn học cấp 3. Có lẽ do chúng tôi sinh ra cùng 1 mảnh đất, chúng tôi có cùng những kỉ niệm thời thơ ấy, bố mẹ chúng tôi nhiều người biết nhau thế nên chúng tôi dễ chia sẻ hơn. Và những người bạn học đại học của tôi có lẽ cũng nghĩ như vậy, họ cũng không dễ cởi mở lòng với tôi cũng là có lý do mà.
Tôi nhớ những ngày đầu mới đi làm, có lúc tôi đã ôm mặt khóc tại văn phòng khi bị cấp trên trách lỗi. Nước mắt cứ tự trào ra, nức nở như đứa trẻ tủi thân vì bị mẹ đánh. Tôi cũng không giỏi che giấu được những lúc tức giận, mặt tôi bộc lộ rõ nét những gì tôi đang nghĩ trong lòng. Tôi thất bại. Tôi gặp khó khăn trong công việc. Tôi nản chí và có lúc tôi đã muốn ra đi tìm 1 chỗ khác, bắt đầu lại. Nhưng rồi sự bắt đầu lại đó có đem lại những điều tốt đẹp hơn không khi mà tôi vẫn sống bằng cảm xúc quá nhiều như vậy?
Và tôi ngẫm ra tôi đang thiếu một cái mặt nạ. Đúng rồi. Một cái MẶT NẠ.
Mặt nạ giúp tôi che giấu cảm xúc thực của mình, giúp tôi có thể cười được với những người trong lòng tôi không hề yêu quý. Bạn gọi là những nụ cười giả tạo cũng đúng mà thực ra là không hẳn. Mỗi khi gặp vấn đề trong công việc, gặp những khách hàng khó tính, có những trường hợp mình không sai, nhưng phải chịu sai, lẽ thường tôi sẽ gân cổ lên cãi cho bằng được, nhưng khi đeo mặt nạ tôi có thể nhẹ nhàng giải quyết mọi việc và làm nó trở nên nhẹ nhàng nhất có thể. Khách vui, còn tôi vui hay không thì không quan trọng!
Trở về nhà sau một ngày làm việc, cởi bỏ mặt nạ ra. Tôi bộc lộ cảm xúc thực của lòng mình. Và những lúc có chuyện, tôi lại cáu gắt với những người yêu thương tôi, và lúc đó tôi thấy mình có lỗi. Đau lòng quá nhưng vì sống thực với chính mình thì có phải lúc nào cũng vui vẻ được đâu. Tôi đã từng khóc, khóc rất nhiều, vì làm tổn thương mẹ tôi chỉ vì 1 hôm tôi đeo mặt nạ cả ngày quá mệt nên về nhà mẹ chỉ nói tôi một điều j đó rất đơn giản tôi đã cáu gắt ầm ĩ, như trả lại hết cảm xúc thực của ngày. Mẹ tôi không nói gì ngay lúc đó, lặng một lúc và mẹ tôi bảo: Mẹ đã có lỗi à?
Sống trong xã hội này, bạn đã bao giờ sống thực với mình chưa? Và bạn có nên làm điều đó hay không?
Cá nhân tôi, tôi thấy cần có một cái mặt nạ tốt, mặt nạ không hẳn là sự giả tạo trong giao tiếp hay những ứng xử hàng ngày, mặt nạ chỉ giúp mình cân bằng cảm xúc, để luôn làm chủ được bản thân. Nếu cứ đem cái cảm xúc của bản thân vào công việc vào những mối quan hệ khác của bạn, thì bạn sẽ mất rất nhiều. Một đối tác lần đầu gặp bạn họ muốn thấy được bạn – lúc tràn sức sống, để nói chuyện, để quyết định những mối làm ăn quan trọng. Nếu bạn đem cái buồn, khó chịu ở một cuộc gặp khác vào đây thì mọi thứ sẽ mất, và bạn thất bại.
Hãy tô vẽ hàng ngày cho cái mặt nạ của bạn được trau chuốt hơn, tinh tế hơn, và hãy nuôi những cảm xúc thực khi chỉ có một mình bạn. Không cần bạn phải sống giả tạo, mặt nạ mục đích chính là để bạn biết kìm nén. Gọi là chữ “NHẪN”. Và không cần bạn yêu quý người mà bạn không thích nhưng hãy biết mỉm cười với họ. Mỉm cười với tất cả mọi người chính là cách làm mặt bạn dãn ra, và tâm trạng bạn sẽ trở nên tốt hơn sau nụ cười đó. Hãy làm thử theo tôi nhé, chắc chắn sẽ hiệu quả đó, vì tôi là một người hay cười mà :)
Hoàn Phạm
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet